Nông sản: Không liên kết, khó tiêu thụ
Những ngày này, chứng kiến cảnh giá các loại trái cây như cam, quýt xuống giá khiến bà con nông dân thua lỗ, câu chuyện về tìm đầu ra cho nông sản lại được xới lên.
Quýt Bắc Kạn là sản phẩm ngon nổi tiếng và đã xây dựng được thương hiệu riêng. Từ nhiều năm nay, người nông dân tỉnh này coi đây là loại cây kinh tế mũi nhọn. Thế nhưng, vụ quýt năm nay, người trồng quýt khổ sở vì giá quýt giảm sâu, chỉ còn 8.000 – 10.000 đồng/kg.
Chị Trần Thị Thu (thôn Nà Vài, xã Quang Tuận, huyện Bạch Thông) cho biết, vụ quýt năm ngoái giá quýt còn lên được khoảng 15.000 – 17.000 đồng/kg, năm nay giá giảm chỉ còn một nửa. Thậm chí có lúc chỉ còn 3.000 đồng – 4.000 đồng/kg mà bán cũng chẳng có ai mua.
Xã Quang Thuận là vùng trọng điểm cam quýt của tỉnh Bắc Kạn. Cả tỉnh hiện có hơn 2.000 ha quýt cho thu hoạch. Riêng xã Quang Thuận đã có khoảng 600 ha với sản lượng ước tính 6.500 tấn quả. Những năm trước quýt được giá, được mùa giúp nhiều hộ dân ăn nên làm ra nhờ trái cây này, cũng chính vì thế diện tích cây quýt được nông dân tỉnh này nhân lên một cách nhanh chóng.Tình trạng tăng nóng diện tích loại cây ăn quả này dẫn đến thực tế nguồn cung tăng mạnh, điều này tất yếu khiến giá thành bị hạ.
Không chỉ quýt Bắc Kạn, nhiều loại trái cây khác cũng lâm cảnh thừa cung tương tự do tăng mạnh diện tích cây trồng. Đành rằng, chuyển đổi cây trồng được ngành nông nghiệp khuyến khích, song việc chuyển đổi một cách tự phát của bà con nông dân ở nhiều địa phương đang gây ra những tác dụng ngược.
Số liệu thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tổng diện tích cây có múi của cả nước hiện nay vào khoảng 210.000 ha, trong đó chủ yếu là cam (khoảng 100.000 ha) và bưởi (khoảng 85.000 ha). Diện tích cam, bưởi có sự tăng trưởng nhảy vọt trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay, cụ thể diện tích tăng từ 53.800 ha lên 97.400 ha vào năm 2018 với sản lượng trên 840.000 tấn. Tương tự, diện tích bưởi cũng tăng “khủng” trong vòng 10 năm từ 2007-2017,từ 43.500 ha lên gần 75.000 ha. Tình trạng này dẫn đến nguồn cung dư thừa, và rõ ràng đang dẫn đến những tác dụng ngược của việc chuyển đổi cây trồng.
Cũng về vấn đề này, theo bà Lê Thị Thanh Thảo - đại diện Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), câu chuyện nâng cao giá trị nông sản đã được nói đến rất nhiều, và rất cần có sự tham gia của cộng đồng DN vào chuỗi giá trị nông sản. Sự kết nối giữa DN và nông dân mà ở đó DN đầu tư công nghệ, nông dân là người tạo ra sản phẩm sẽ góp phần nâng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản nước nhà, loại bỏ tình trạng cung vượt cầu như ngành nông nghiệp gặp phải thời gian qua. “Chuỗi xoài ở Đồng bằng Sông Cửu Long, nhờ công nghệ bảo quản nên xoài đã được xuất khẩu ra nước ngoài tăng lên gần 1.000ha sau khi áp dụng công nghệ. Nhờ công nghệ các DN, nhà sản xuất có thể tăng hiệu quả lên từ 30-50% quy mô, lợi nhuận của mình”- bà Thảo dẫn chứng.
Như vậy là, cùng với việc sản xuất có kế hoạch, không chạy theo phong trào thì mối liên kết giữa nông dân và DN cần phải được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, công tác bảo quản nông sản cũng rất cần được quan tâm. Nếu làm được thì sẽ giảm thiểu thiệt hại khi “cung vượt cầu” trong ngắn hạn. Mặt khác, việc mở rộng thị trường, nhất là xuất khẩu cũng là vấn đề quan trọng đối với nhiều mặt hàng nông sản, trong đó có các loại quả có múi.