Nông sản Lạc Thủy 'bén duyên' với sàn thương mại điện tử

Chủ động thích ứng với dịch Covid-19, các cấp, ngành chức năng huyện Lạc Thủy tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Postmart.vn và Voso.vn. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn; tạo kênh phân phối mới để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, hàng hóa.

Sản phẩm thanh long ruột đỏ của hợp tác xac dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) đã có mặt trên sàn Postmart.vn.

Sản phẩm thanh long ruột đỏ của hợp tác xac dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) đã có mặt trên sàn Postmart.vn.

Lạc Thủy có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng như: Gà, cam, dê, chè, thanh long ruột đỏ... Nông sản của huyện được tiêu thụ tại các hệ thống nhà hàng, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch ở nhiều tỉnh, thành phố: Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình…Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch Covid-19 phức tạp, một số tuyến xe liên tỉnh ngừng hoạt động, người tiêu dùng chuyển từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm online. Do đó, các sàn TMĐT như Postmart.vn của Bưu điện, Voso.vn của Viettel Post đã giúp các HTX, hộ sản xuất nông nghiệp giải phóng hàng hóa, tiếp cận được với nhiều đối tượng khách hàng.

Đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Nhằm tạo động lực giúp hộ sản xuất đưa nông sản lên sàn TMĐT, UBND huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế và hạ tầng phối hợp các xã, thị trấn cung cấp thông tin cho sàn TMĐT Postmart.vn và Voso.vn. Trong tháng 10, huyện phối hợp với Bưu điện tỉnh mở 7 lớp tập huấn trang bị kiến thức đưa sản phẩm lên sàn TMĐT với 350 học viên tham gia. Thời gian tới, huyện dự kiến phối hợp với Chi nhánh Bưu chính Viettel mở 3 lớp tập huấn cho 150 học viên để hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn TMĐT Voso.vn.

Cũng như nhiều nông sản khác của tỉnh, sản phẩm OCOP 3 sao thanh long ruột đỏ của HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (thị trấn Ba Hàng Đồi) gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Song, dưới sự hướng dẫn của nhân viên Bưu điện cho thành viên HTX từ việc lập tài khoản, kỹ năng chụp ảnh, đăng ảnh, đăng bài tới quy cách đóng gói để đưa thanh long ruột đỏ lên sàn TMĐT Postmart.vn. Đến nay, HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà đã tiêu thụ được khoảng 3 tấn thanh long trên sàn TMĐT Postmart.vn. Giá bán trung bình đạt 15.000 đồng/kg (cao hơn so với giá bán cho tư thương từ 3.000 - 5.000 đồng/kg).

Theo thống kê, đến nay, toàn huyện có 6.542 hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp đưa sản phẩm lên sàn TMĐT Postmart.vn. Trong tháng 10 và tháng 11, sàn TMĐT Postmart.vn tiêu thụ được 4.000 kg na, 3.000 kg thanh long, 360 kg dưa kim hoàng hậu, 6.000 kg cam, 167.000 quả trứng… Lạc Thủy được đánh giá là địa phương dẫn đầu tỉnh đưa nông sản lên sàn TMĐT. Mặc dù dịch Covid-19 phức tạp nhưng trên địa bàn huyện không xảy ra tình trạng hàng hóa bị tồn kho, không tiêu thụ được.

Chia sẻ về những thuận lợi khi đưa sản phẩm lên sàn TMĐT, bà Bùi Thị Lan, Giám đốc HTX Sơn Nam cho biết: Thông qua các lớp tập huấn, nhân viên Bưu điện dành nhiều thời gian, công sức để hướng dẫn nông dân nắm được quy trình đưa sản phẩm lên sàn TMĐT Post mart.vn, từ quy cách đóng gói đảm bảo chất lượng, kỹ năng tư vấn cho khách hàng… Từ đó, các thành viên trong HTX tương đối thành thạo đăng bài, bán hàng trên sàn TMĐT. Giá bán trên sàn TMĐT ổn định hơn, khách hàng ở nhiều địa phương đặt mua hàng.

Đồng chí Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện chia sẻ thêm: Việc thiết lập thêm kênh tiêu thụ nông sản thông qua sàn TMĐT là hướng đi đúng đắn, mang tính tất yếu trong thời đại công nghệ, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên nền tảng số, giảm thiểu sự phụ thuộc vào tư thương và ảnh hưởng của dịch bệnh. Hoạt động này giúp tạo kênh thông tin nhanh, đầy đủ với chi phí thông tin, quảng bá sản phẩm thấp, các doanh nghiệp nhỏ, hộ cá thể có thể trực tiếp tham gia, dễ dàng liên kết với người tiêu dùng. Để giữ uy tín trên sàn TMĐT, người kinh doanh cần chú ý chất lượng sản phẩm; thông tin minh bạch, chính xác khi sản phẩm được giao đến người tiêu dùng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Đối với một số hộ sản xuất nông nghiệp việc đưa sản phẩm lên sàn TMĐT còn gặp khó khăn do trình độ tiếp cận thông tin chậm, chưa có điện thoại thông minh. Do đó, các cơ quan chuyên môn cần hỗ trợ nông dân kỹ năng liên quan đến thương mại điện tử, kinh tế số: Từ thiết kế giao diện gian hàng, đầu tư hình ảnh nội dung quảng bá, kỹ thuật quay phim, chụp ảnh…

Thu Thủy

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/160542/nong-san-lac-thuy-ben-duyen-voi-san-thuong-mai-dien-tu.htm