Nông sản lại tiếp diễn điệp khúc 'được mùa rớt giá'
Qua khảo sát thị trường thời điểm trung tuần tháng 2/2023 cho thấy, nguồn cung hàng hóa lương thực, thực phẩm tại các thành phố lớn trên cả nước dồi dào, giá cả thực phẩm, rau xanh có nhích tăng. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng nông sản tiếp diễn điệp khúc 'được mùa rớt giá', cần có giải pháp 'giải cứu' tiêu thụ hàng hóa cho người nông dân.
Thực phẩm, rau xanh nhích tăng
Khảo sát của phóng viên TBTCVN cho thấy, từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đến nay, nguồn cung hàng hóa trên thị trường cả nước dồi dào, phong phú đa dạng, không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn tiếp tục là những địa điểm được người tiêu dùng lựa chọn do tạo sự yên tâm cho người mua về nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu, cũng như các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả bình ổn.
Tại các chợ dân sinh truyền thống, về cơ bản, giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tương đối ổn định. Một số mặt hàng tăng giá như: rau củ quả, trái cây, thịt bò, lợn, gà, thủy hải sản... Chị Nguyễn Liên Hương (đầu bếp cho một cơ quan nhà nước tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, tại các chợ dân sinh cảm nhận sức mua cũng không tăng, nhưng giá cả các mặt tăng khoảng từ 10% - 30% so với dịp tết, tăng nhiều nhất là rau xanh.
Khảo sát cho thấy, thịt lợn ở chợ dân sinh khu vực quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) có giá dao động từ 120.000 đồng đến 140.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg. Thịt bò thăn có giá dao động khoảng 260.000 đồng đến 270.000 đồng/kg; thịt bò mông có giá dao động từ 230.000 đồng đến 240.000 đồng/kg, tăng nhẹ so với dịp sau tết. Thịt gà cũng tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với sau tết, có giá dao động 140.000 đồng đến 150.000 đồng/kg. Các loại thủy hải sản cũng tăng giá trung bình từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng kg. Các tiểu thương cho hay, giá tăng do công vận chuyển tăng. Đơn cử như cá trắm có giá khoảng 60.000/kg, tăng 10.000 đồng so với sau tết. Tăng giá mạnh nhất là mặt hàng rau xanh, hiện tăng từ 20% - 30% do thời tiết lạnh, rau chậm phát triển.
Theo tính toán của chị Nguyễn Liên Hương, giá cả lương thực, thực phẩm trên thị trường có mức tăng không mạnh như những dịp sau tết của các năm trước, nguyên nhân là do nguồn cung dồi dào và sức tiêu dùng của người dân không cao. Tuy nhiên, với mức tăng giá này cũng ảnh hưởng đến túi tiền của người dân.
Đồng cảm với nhận định nêu trên, bà Phạm Thị Lịch (cán bộ hưu trí khu vực quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, trung bình một hộ gia đình có 6 người, mặc dù đã “thắt lưng buộc bụng”, nhưng tiền đi chợ hàng ngày cũng phải dao động từ 250.000 đồng đến 300.000 đồng; nay mỗi ngày phải bù thêm từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng mới có thể mua được lượng lương thực, thực phẩm như trước đây.
Nhiều loại nông sản rơi vào tình trạng... ế ẩm
Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, hiện nay do nhiều địa phương bắt đầu vào vụ thu hoạch nông sản, nhưng điệp khúc "được mùa rớt giá" của nhiều loại trái cây, rau, củ, quả khiến nông dân điêu đứng, mong chờ sự giải cứu từ phía người tiêu dùng và cơ quan chức năng.
Đặc biệt, tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện giá nhiều loại củ, quả rớt giá đến 60 - 70% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán 2023. Tại Đồng Tháp - tỉnh có diện tích trồng xoài lớn nhất ở vùng ĐBSCL, người dân cho biết, chưa năm nào xoài thu hoạch lại khó tìm thương lái như năm nay. Chấp nhận bán giá thấp, nhưng rất ít thương lái vào vườn mua, nông dân phải hái đem ra chợ bán.
Khảo sát cho thấy, giá xoài hiện giảm 60 - 70% so với thời điểm trước tết. Hiện xoài thương hiệu Cao Lãnh thương lái thu mua từ 18.000 - 20.000 đồng/kg, xoài cát chu Cao Lãnh 60.000 - 70.000 đồng/kg, xoài Đài Loan dao động từ 5.000 - 6.000 đồng/kg; các loại xoài lai, xoài thanh ca, xoài hòn... chỉ còn 3.000 - 4000 đồng/kg.
Hàng hóa phong phú, giá cả tại các siêu thị khá ổn định
Theo khảo sát tại một số siêu thị như Aeon, BigC, GO!, Tops Market của Central Retail… hàng hóa phong phú, giá cả ổn định.
Trong đó, giá các loại gạo tẻ thường từ 16.000 - 20.000 đồng/kg; gạo chất lượng cao từ 25.000 - 42.000 đồng/kg. Mặt hàng thực phẩm: Giá thịt lợn loại ngon như sườn non, ba chỉ, nạc vai, đầu giòn, thăn ở mức 150.000 - 220.000 đồng/kg; thịt loại 2 như mông sấn, thịt vai dao động ở mức 130.000 - 150.000 đồng/kg; giá gà công nghiệp dao động khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg. Thực phẩm chế biến như giò lụa phổ biến từ 150.000 - 220.000 đồng/kg; giò bò 250.000 - 280.000 đồng/kg; lạp xưởng 180.000 - 230.000 đồng/kg...
Một số loại trái cây khác như mận, ổi cũng chịu chung số phận. Giá ổi Đài Loan tại vườn chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg, giảm 9.000 - 10.000 đồng/kg so với vài tháng trước. Với mức giá này, nhà vườn không chỉ lỗ công mà lỗ cả vốn. Lo lắng của nhà vườn càng chất chồng khi nhiều vựa tuyên bố không tiêu thụ hàng nữa do không có đầu ra.
Nhiều hộ trồng ổi Đài Loan ở các huyện Châu Thành, Cao Lãnh (Đồng Tháp), Cái Bè (Tiền Giang) lao đao vì ổi đến lứa hái song thương lái bặt tăm. Anh Nguyễn Trung Nhân - xã Bình Thạnh (huyện Cao Lãnh) cho biết: Do phải tốn tiền thuê nhân công bao trái, nên giá thành 1 kg ổi lên đến 4.000 đồng. Trước đây bán với giá 14.000 đồng/kg vẫn còn lãi cao, giờ giá ổi chỉ còn 3.000 đồng/kg không còn lợi nhuận. Giống ổi xá lỵ còn rớt giá thê thảm hơn, chỉ 800 - 900 đồng/kg nhưng rất ít người mua.
Cũng theo phản ánh của người dân, những ngày vừa qua, giá bán cam sành tại tỉnh Vĩnh Long nói riêng, các tỉnh vùng ĐBSCL nói chung đang xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Cụ thể, trên nhiều tuyến đường tại TP. Hồ Chí Minh, giá cam loại 1 có giá 10.000 - 12.000 đồng/kg. Cam loại 2, loại 3 có giá 7.000 - 9.000 đồng/kg. Một số điểm bán xổ, cam cỡ nhỏ giá 5.000 - 6.000 đồng/kg.
Tại chợ đầu mối Bình Điền, giá cam sành cũng có nhiều mức giá, dao động từ 4.000 - 6.000 đồng/kg. Trong khi đó, năm ngoái giá cam tại chợ vẫn ở mức 25.000 - 30.000 đồng/kg đối với loại 1 (2-5 quả/kg), cam hàng nhỏ, hàng dạt cũng neo giá 13.000 - 14.000 đồng/kg.
Tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho nông sản có tính mùa vụ
Đề cập đến giải pháp tiêu thụ nông sản trong năm 2023, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho biết, kích cầu thị trường trong nước, kết nối và tìm đầu ra cho hàng hóa, nhất là nông sản mang tính mùa vụ là một trong những nhiệm vụ đang được Cục Xúc tiến thương mại khẩn trương triển khai.
Cụ thể, đơn vị khẩn trương triển khai hoạt động xúc tiến thương mại ngay từ đầu năm, đặc biệt chủ động chuẩn bị thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm, nhất là nông sản có tính mùa vụ, tránh tình trạng ùn ứ, được mùa mất giá.
Cùng với đó, cục này tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả và tốc độ của hoạt động trong thời gian tới; đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương triển khai sự kiện xúc tiến tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu và kết nối giao thương.
Bộ Công thương làm đầu mối tổng hợp, rà soát các nội dung xúc tiến thương mại mang tầm quốc gia để đề xuất với các bộ, ngành, địa phương lồng ghép, phối hợp giữa các hoạt động và vùng miền trên phạm vi cả nước để tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực, với mục đích kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy sản xuất, lưu thông,
Cũng theo ông Vũ Bá Phú, tiếp nối thành công của năm 2022, năm 2023, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tổ chức chuỗi chương trình kết nối giao thương cấp vùng, hỗ trợ xúc tiến hàng Việt Nam, sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm)..., qua đó giúp các nhà sản xuất, cung ứng của địa phương kết nối với hệ thống phân phối, đơn vị thu mua phục vụ sản xuất.
Đáng chú ý, thông qua chuỗi chương trình nâng cao năng lực chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, cục đã hướng dẫn cho hàng ngàn lượt doanh nghiệp, hợp tác xã trên khắp cả nước kỹ năng quảng bá giới thiệu sản phẩm trên nền tảng trực tuyến; kỹ năng tham gia hiệu quả trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn; từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp, các nhà cung ứng phát triển đa dạng kênh phân phối từ truyền thống đến hiện đại và phân phối số.