Nông sản Tây Nguyên tìm lời giải cho bài toán chinh phục thị trường EU - Bài 2: Khi minh bạch nguồn gốc và canh tác bền vững là con đường tất yếu

Khi những quy định về xuất xứ hàng hóa ngày càng trở nên nghiêm ngặt, nhất là sau khi thị trường châu Âu (EU) đặt ra quy định chống phá rừng (EUDR), việc minh bạch nguồn gốc nông sản và canh tác bền vững trở thành điều kiện tiên quyết nếu muốn vươn xa ra thị trường thế giới. Tây Nguyên, vùng đất đỏ bazan rộng lớn với thế mạnh nông sản như cà phê, ca cao, cao su,... đang nỗ lực từng ngày thay đổi để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe này.

Tấm vé thông hành vào thị trường EU

Là tỉnh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp thuộc nhóm lớn nhất cả nước, Lâm Đồng hiện có 176.000 ha cây cà phê, trong đó diện tích kinh doanh là 169.000 ha, sản lượng gần 600.000 tấn/năm. Toàn tỉnh có 86.000 ha cà phê đạt tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ, VietGAP, 4C; 170 cơ sở chế biến. Năm 2024, sản lượng xuất khẩu cà phê nhân hơn 50.000 tấn, giá trị xuất khẩu 170 triệu USD.

Cùng với Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đang phát triển nhiều vùng chuyên canh cà phê đặc sản có quy mô lớn tại các huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lâm, Đức Trọng và TP. Đà Lạt. Bên cạnh đó, xác định được việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc là hướng đi cần thiết nhằm minh bạch hóa nguồn gốc và nhận diện giá trị sản phẩm, thời gian qua, các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã áp dụng có hiệu quả. Qua đó, góp phần bảo vệ thương hiệu, uy tín của sản phẩm.

Vùng trồng cà phê ở tỉnh Lâm Đồng

Vùng trồng cà phê ở tỉnh Lâm Đồng

Để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, Nông trại cà phê sạch Song Vũ (TP. Đà Lạt) đã chú trọng thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên bao bì đối với sản phẩm thông qua việc gắn mã QR. Người tiêu dùng có thể quét mã để kiểm tra quá trình trồng, chăm sóc đến khi sản phẩm được phân phối ra thị trường và các chứng nhận sản xuất an toàn. Đây cũng là cách để hợp tác xã bảo vệ sản phẩm của mình và gây dựng được lòng tin của khách hàng.

Anh Nguyễn Song Vũ - người sáng lập Nông trại cà phê sạch Song Vũ cho biết: Truy xuất nguồn gốc là hoạt động giám sát, xác định được một đơn vị sản phẩm hoặc dịch vụ qua từng công đoạn theo thời gian, địa điểm của quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, phân phối và kinh doanh. Trong đó, mỗi sản phẩm được truy xuất nguồn gốc sẽ mang một mã số định danh duy nhất và thể hiện thông qua việc dán tem có mã QR.

“Toàn bộ thông tin sản xuất và phân phối sản phẩm được ghi nhận đầy đủ trong hệ thống phần mềm. Thông qua tem truy xuất nguồn gốc được dán trên bao bì, người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh để quét mã QR và tìm hiểu thông tin về sản phẩm, chứng nhận doanh nghiệp và toàn bộ quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm” - anh Vũ chia sẻ.

Mỗi sản phẩm được truy xuất nguồn gốc sẽ mang một mã số định danh duy nhất và thể hiện thông qua việc dán tem có mã QR

Mỗi sản phẩm được truy xuất nguồn gốc sẽ mang một mã số định danh duy nhất và thể hiện thông qua việc dán tem có mã QR

Cùng với Lâm Đồng, Đắk Lắk là vùng trồng cà phê lớn nhất cả nước, với diện tích khoảng 210.000 ha, sản lượng đạt khoảng 550.000 tấn cà phê nhân. Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế tỉnh Đắk Lắk.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã lựa chọn Đắk Lắk xây dựng các mô hình điểm tuân thủ EUDR để nhân rộng ra các vùng trồng cà phê trên cả nước. Thời gian qua, tỉnh đã xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống dữ liệu vùng sản xuất, dữ liệu rừng đáp ứng yêu cầu của EU tại các huyện Krông Năng, Ea H'leo, Cư M'gar làm cơ sở mở rộng ra các huyện khác trong tỉnh. Đồng thời, rà soát diện tích trồng cà phê (chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất); diện tích trồng trên đất lâm nghiệp trước 31/12/2020; rà soát, xác định các điểm gây mất rừng, suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020, đề xuất các giải pháp hỗ trợ nông dân vùng rủi ro cao sống gần rừng.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty Cà phê Thuận An (tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: “Nếu như trước đây, chúng tôi chỉ cần thu mua từ đại lý mà không cần biết vùng trồng ở đâu, ai canh tác, thì nay mọi thứ đều phải rõ ràng. Không chỉ biết tên người trồng, chúng tôi còn phải xác định tọa độ từng lô đất để chứng minh không liên quan đến phá rừng”.

Theo ông Dũng, hành trình thay đổi đó không hề dễ dàng. Năm 2022, khi bắt đầu dự án minh bạch nguồn gốc, Thuận An đã phải đầu tư hàng trăm triệu đồng để triển khai hệ thống ghi chép điện tử. Mỗi người nông dân khi tham gia vào chuỗi liên kết đều được hướng dẫn cách sử dụng điện thoại thông minh để ghi nhật ký canh tác. “Ban đầu, nhiều người thấy phiền phức, làm không quen, nhưng khi thấy sản phẩm của mình xuất khẩu dễ dàng hơn, giá bán cao hơn thì họ bắt đầu thích nghi,” ông Dũng nói thêm.

Cây ca cao đang được phát triển theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng quy định EUDR

Cây ca cao đang được phát triển theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng quy định EUDR

Cùng với cà phê, ca cao được xem là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh và Đắk Lắk cũng là địa phương có diện tích ca cao lớn nhất cả nước. Hiện toàn tỉnh có khoảng 2.078 ha trồng ca cao, trong đó 1.469 ha đang cho thu hoạch, năng suất hạt khô bình quân đạt hơn 12,7 tạ/ha, sản lượng bình quân hằng năm đạt 1.525 tấn, 1.867 tấn hạt khô lên men.

Hiện tỉnh Đắk Lắk đang định hướng phát triển cây ca cao theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng các quy định không gây mất rừng của Liên minh châu Âu cũng như giảm phát thải carbon trong sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất ca cao hạt Tân Thành (xã Ea Na) cho biết: Hợp tác xã hiện có 15 xã viên với tổng diện tích canh tác 36 ha. Để nâng cao giá trị sản phẩm, hợp tác xã chủ động sơ chế, ủ lên men và phơi khô hạt ca cao trước khi xuất bán. Đồng thời, hợp tác xã cũng xây dựng mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp Hội cà phê Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho rằng, minh bạch nguồn gốc chính là việc làm cần thiết để ngành hàng cà phê nói riêng và nông sản Tây Nguyên nói chung, thích ứng với xu thế mới của thị trường.

“Nếu nông sản Tây Nguyên làm tốt việc chứng minh nguồn gốc sẽ tăng được lượng sản phẩm nhập khẩu vào thị trường châu Âu. Trong đó, đối với ngành hàng cà phê, để rộng cửa vào thị trường châu Âu, chúng ta phải chứng minh được việc không gây ra phá rừng. Và chúng ta phải nắm bắt để phát triển ngành cà phê đúng hướng phù hợp với xu hướng chung của thế giới là kinh tế xanh, kinh tế bền vững”- ông Trịnh Đức Minh nhấn mạnh.

Hành trình thay đổi tư duy

Song hành với minh bạch nguồn gốc là mô hình canh tác bền vững, đây là giải pháp được xem như “đường dài” để phát triển nông nghiệp. Thay vì lạm dụng hóa chất, nông dân Tây Nguyên đã chuyển sang canh tác hữu cơ, giảm thiểu tác động xấu đến đất và nguồn nước.

Từ khi tham gia mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị do ngành nông nghiệp địa phương phát động, ông K’Long Ha Prăng (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã không còn lo lắng về đầu ra sản phẩm trước sự biến động của thị trường. Ông cho biết, chỉ cần canh tác theo đúng yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo các quy trình sản xuất do HTX trên địa bàn đưa ra cà phê sẽ bán được giá cao, thu nhập tăng hơn rất nhiều trên cùng diện tích canh tác so với trước.

“Sản xuất cà phê bền vững lúc đầu mới nghe ai cũng rất mơ hồ. Sau khi được chính quyền giới thiệu rõ, bà con cũng dần nắm bắt vững và ý thức được việc mất rừng sẽ dẫn đến suy thoái cà phê, ảnh hưởng đến giá thành cà phê. Trong những năm vừa qua bà con được tập huấn, nghe thông tin bên châu Âu sẽ không mua cà phê ở chỗ nào để mất rừng, vì vậy bà con e ngại và rất có ý thức và thay đổi. Hiện bà con tập trung cải thiện năng suất cũng như sản lượng và chất lượng cà phê”, ông K’Long Ha Prăng nói.

 Mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ

Mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ

Doanh nghiệp Bình Đông Farm (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) hiện có 90 ha chuyên canh cây cà phê và 2,5 ha nhà xưởng.

Ông Nguyễn Thanh Lộc, Giám đốc điều hành Bình Đông Farm, nhận định, vấn đề then chốt trong sản xuất cà phê bền vững là xử lý nước thải và vỏ cà phê trước khi thải ra môi trường. Bình Đông Farm ưu tiên các giải pháp ít phải sử dụng nước trong các nhà máy chế biến ướt và nhà máy xát vỏ, sàng phân loại hạt cà phê. Vỏ cà phê được tận dụng làm phân hữu cơ kết hợp với các chế phẩm sinh học, còn nước thải sau khi xử lý được tái sử dụng.

Sản xuất cà phê theo hướng bền vững là giải pháp được xem như “đường dài” để phát triển nông nghiệp

Sản xuất cà phê theo hướng bền vững là giải pháp được xem như “đường dài” để phát triển nông nghiệp

Là một doanh nghiệp tổ chức sản xuất cà phê rộng khắp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với sản lượng cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước lên đến 40 nghìn tấn/năm, Công ty Xuất nhập khẩu Tám Trình (xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà) đã nắm bắt thông tin về EUDR và phổ biến đến các hộ sản xuất trong chuỗi liên kết.

Những năm trước đây, sản phẩm của công ty chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh. Để mở rộng khách hàng trong nước và hướng tới xuất khẩu, đơn vị đã tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư trang thiết bị máy móc để sản xuất, chế biến theo công nghệ tiên tiến, dán nhãn truy xuất nguồn gốc. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các sản phẩm của doanh nghiệp đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Ông Mai Ngọc Định, phụ trách sản xuất, chất lượng chuỗi cà phê bền vững của Công ty Xuất nhập khẩu Tám Trình cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao, bền vững từ năm 2015 và đã đáp ứng hầu hết các tiêu chí về chất lượng sản phẩm. Hiện nay, các vườn sản xuất cà phê trong chuỗi liên kết của chúng tôi đều đã đạt các chứng nhận như 4C, chứng nhận của Rainforest Alliance. Đối với các chứng nhận này, việc thực hành sản xuất phải đảm bảo về canh tác đa dạng sinh học, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ rừng… Để đảm bảo nguồn nguyên liệu đạt các tiêu chuẩn, hàng năm, đơn vị tổ chức đo, vẽ, cập nhật bản đồ, định vị GPS đối với các diện tích sản xuất”.

EUDR giúp các doanh nghiệp cải tiến hệ thống quản trị, quy trình sản xuất, giúp gia tăng chất lượng sản phẩm và đảm bảo tính cạnh tranh

EUDR giúp các doanh nghiệp cải tiến hệ thống quản trị, quy trình sản xuất, giúp gia tăng chất lượng sản phẩm và đảm bảo tính cạnh tranh

Ông Bùi Đức Hào, Điều phối viên Chương trình Cảnh quan và Cà phê tại khu vực Tây Nguyên (Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững - IHD) cho hay, nhằm hỗ trợ ngành cà phê nói riêng và các ngành nông nghiệp khác của Lâm Đồng chịu tác động của EUDR, IDH khuyến nghị cơ quan quản lý nhà nước các cấp tại tỉnh này và các công ty, tổ chức khác cần phối hợp triển khai hàng loạt các giải pháp.

Trong đó bao gồm việc xây dựng cơ sở dữ liệu rừng và nông nghiệp, tổ chức truy xuất theo nhóm/vùng trong chuỗi cung ứng. Cùng với đó là phối hợp thực hiện giải pháp về nhân rộng tiếp cận cảnh quan để tạo tác động thực tế trên quy mô lớn, đầu tư và triển khai giải pháp sản xuất thuận tự nhiên, nông nghiệp tái sinh trên quy mô lớn và chú trọng sinh kế nông hộ.

Về Quy định EUDR đối với ngành hàng cà phê ở Lâm Đồng, ông Bùi Đức Hào cho hay, EUDR sẽ mang lại cơ hội lớn cho ngành cà phê Lâm Đồng nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Trong đó, thông qua việc đáp ứng tốt và tuân thủ các quy định EUDR, ngành cà phê Lâm Đồng có thể duy trì và mở rộng quy mô tiếp cận thị trường EU. Đồng thời, EUDR giúp Lâm Đồng cải tiến hệ thống quản trị, quy trình sản xuất, giúp gia tăng chất lượng sản phẩm và đảm bảo tính cạnh tranh. Việc thực hiện các quy định cũng sẽ giúp nâng cao danh tiếng của ngành cà phê trên trường quốc tế.

EUDR mang lại cơ hội lớn về xuất khẩu cho nông sản Tây Nguyên

EUDR mang lại cơ hội lớn về xuất khẩu cho nông sản Tây Nguyên

Khi nông dân hiểu rõ giá trị của minh bạch nguồn gốc, khi doanh nghiệp kiên định với con đường sản xuất bền vững, nông sản Tây Nguyên sẽ không còn bị “chặn cửa” bởi các quy định khắt khe, mà ngược lại, sẽ vươn xa, khẳng định thương hiệu Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Bài 3: Những bước tiến đáng ghi nhận

Thực hiện: Nhóm Phóng viên Tây Nguyên

Nhóm PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nong-san-tay-nguyen-tim-loi-giai-cho-bai-toan-chinh-phuc-thi-truong-eu-bai-2-khi-minh-bach-nguon-goc-va-canh-tac-ben-vung-la-con-duong-tat-yeu-387907.html