Nông sản ước đạt 400 nghìn tấn, Sơn La giải bài toán tiêu thụ như thế nào?
Nông sản Sơn La năm nay dự ước được mùa, với sản lượng xấp xỉ 400 ngàn tấn. Để tiêu thụ hết các sản phẩm quả cho bà con, giải pháp được địa phương chú trọng là đẩy mạnh bán hàng trong nước; cùng với đó là giữ vững và phát triển hơn nữa thị trường xuất khẩu.
Quý 2 và Quý 3 sẽ là chính vụ thu hoạch các sản phẩm quả nông sản chủ lực của tỉnh Sơn La, như xoài, nhãn, mận… Theo dự ước, năm nay, nông sản của Sơn La sẽ được mùa, với tổng sản lượng quả đạt xấp xỉ 400.000 tấn.
Vậy Sơn La đã chủ động xây dựng các phương án như thế nào để tiêu thụ hết sản phẩm quả cho người nông dân. PV VOV Tây Bắc phỏng vấn ông Nguyễn Đình Phong, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La về nội dung này.

Năm nay, Sơn La dự ước được mùa nông sản, với sản lượng xấp xỉ 400.000 tấn
PV: Thưa ông, Quý 1 năm nay, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Sơn La được ghi nhận tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây; giá trị xuất khẩu nông sản cũng tăng. Xin ông cho biết kết quả cụ thể như thế nào?
Ông Nguyễn Đình Phong: Việc tiêu thụ nông sản nói chung cũng như là tiêu dùng hàng hóa trong quý 1 của tỉnh Sơn La nói riêng có nhiều khởi sắc. Cụ thể là tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa đạt gần 10.000 tỷ đồng, trong đó tổng lượng hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ xã hội trên địa bàn tăng trên 10,26 %.
Trong Quý 1, giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh cũng đạt khoảng 87,61 triệu USD, tăng 17,6 %, với các sản phẩm chủ yếu như sắn, mía, chè, cà phê, tinh bột sắn và đường… Còn các loại sản phẩm nông sản thì chủ yếu là sản phẩm chế biến và rau chế biến.

Trong Quý 1, mặt hàng nông sản Sơn La xuất khẩu chủ yếu là các sản phẩm chế biến
PV: Quý 2 và 3 sẽ là chính vụ thu hoạch các sản phẩm quả chủ lực của Sơn La như nhãn, xoài, mận hậu... Trước dự báo sản lượng quả sẽ tăng so với năm trước, đạt xấp xỉ 400 ngàn tấn, vậy Sơn La xác định các giải pháp tiêu thụ chủ yếu ra sao, tránh tình trạng được mùa mất giá?
Ông Nguyễn Đình Phong: Muốn tiêu thụ, xuất khẩu nông sản đạt hiệu quả thì công tác xúc tiến thương mại cần được chú trọng. Ngày 4/3/2025, tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch số 63 đưa ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể về xúc tiến thương mại năm 2025. Kế hoạch mới ban hành tháng 3, tuy nhiên, các hoạt động xúc tiến thương mại đã được thực hiện ngay từ những tháng đầu năm.
Về các giải pháp thì Sơn La xác định trước hết là các cơ sở bán hàng phải nắm bắt thật sát các thông tin của thị trường, thông tin các sàn giao dịch quốc tế cũng như trong nước để tiếp cận. Thứ hai là phải tăng cường công tác liên kết, phối hợp giữa các cấp, các ngành, giữa các chủ thể doanh nghiệp, hợp tác xã cũng như cơ sở sản xuất để có thể tiếp cận thị trường một cách tốt nhất.
Thứ ba là các cấp, các ngành từ cấp tỉnh, sắp tới cấp huyện vẫn còn duy trì, nhưng tương lai sẽ không cấp huyện, vì vậy cấp xã phải nắm bắt được quy trình sản xuất từ khâu cấp mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý… để quản lý từ gốc các sản phẩm. Cùng với đó là tham gia kết nối giao thương trong nước, trong tỉnh và ngoài nước để có nguồn thông tin về thị trường và cam kết thị trường. Bằng các cách làm như vậy thì việc tiêu thụ nông sản mới có thể đạt kết quả tốt.

Quý 2 và 3 sẽ là chính vụ thu hoạch sản phẩm quả chủ lực của Sơn La...

Với các sản phẩm quả chủ lực như mận hậu, nhãn, xoài
PV: Ngoài các giải pháp của ngành chức năng, theo ông, bà con nông dân khi đã làm ra các sản phẩm nông sản cần chú trọng khâu bán hàng như thế nào?
Ông Nguyễn Đình Phong: Người dân mình có cái mạnh là chăm chỉ và nắm bắt khoa học kỹ thuật cũng rất nhanh, sản xuất rất chuẩn. Tuy nhiên, bà con cũng có điểm yếu trong việc nắm bắt thị trường, chủ yếu chỉ biết bán cái gì mình có mà chưa bán cái thị trường cần. Thị trường cần ở đây là chất lượng sản phẩm, việc đảm bảo an toàn thực phẩm, chất dinh dưỡng, giá cả phù hợp, cách thức thanh toán thuận tiện…
Hiện nay, ngoài thương mại truyền thống đó là mua bán trực tiếp với nhau thì còn có kênh thương mại điện tử với rất nhiều điểm mạnh, mọi người sản xuất có thể áp dụng, bởi vì không cần phải mở cửa hàng, chỉ cần livistream đưa tất cả thông tin tại vườn, như thời gian thu hoạch, số lượng thu hoạch, thậm chí cả giá cả chào bán… để người tiêu dùng có thể lựa chọn và đặt hàng.
Hình thức bán hàng này hiện nay bà con nên áp dụng vì ngoài bán hàng, bà con cũng có thể tiếp cận, trao đổi luôn được với khách hàng, xem người ta yêu cầu mình cần đóng gói như thế nào, cần mẫu mã sản phẩm ra sao… người sản xuất sẽ hoàn chỉnh sản phẩm tốt nhất, từ đó thu được giá trị tốt nhất cho mình.

Hàng nghìn người dân ở Sơn La đã được tập huấn, hướng dẫn cách livestream bán hàng trên các sàn thương mại điện tử
PV: Làm thế nào để nhiều người dân biết cách bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Phong: Năm vừa rồi, Sở Công Thương Sơn La đã phối hợp tập huấn, hướng dẫn cho trên 1.000 người là các chủ HTX, người trồng cây ăn quả ở các địa phương về cách livestream bán hàng trên tiktok, trên Zalo, Facebook… Hiện nay những người biết có thể hướng dẫn lại cho người chưa biết; như mẹ biết thì có thể hướng dẫn con; bạn biết thì hướng dẫn cho bạn mình… cứ lan truyền như vậy thì việc sử dụng thương mại điện tử không có gì là khó.

Bao trái cho xoài để có sản phẩm quả chất lượng, đẹp mắt
PV: Sơn La sẽ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm quả trong nội địa hay chú trọng xuất khẩu, nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8% theo kế hoạch đề ra, cũng như chỉ tiêu mà Chính phủ giao cho tỉnh trong năm nay?
Ông Nguyễn Đình Phong: Trước tình hình như hiện nay, Bộ Công thương cũng vừa có chỉ thị về việc đẩy mạnh tốc độ tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó cũng giữ vững và phát triển hơn nữa việc xuất khẩu. Mục tiêu tỉnh Sơn La đặt ra năm nay là xuất khẩu phải đạt được 215 triệu USD và thương mại trong nước phải tăng trưởng ít nhất 2 con số trở lên và phải đạt khoảng 21 % trở lên thì mới đạt được tốc độ tăng trưởng 8 %.
Từ thực tế đó và trong bối cảnh hiện nay, nhất là các diễn biến phức tạp của thế giới, tình hình chiến tranh, thiên tai, đặc biệt là các nước trên thế giới đang có tác động bởi chính sách áp thuế của nước Mỹ… thì việc chủ động tiêu thụ trong nước là cần thiết; cộng với tiếp tục kết hợp với các thị trường xuất khẩu truyền thống, chắc chắn mục tiêu đặt ra sẽ thực hiện hoàn thành.
PV: Xin cảm ơn ông!