Xuất khẩu cám gạo: Thêm cơ hội từ thị trường Trung Quốc
Cám gạo, cám gạo chiết ly là những mặt hàng vừa được ký Nghị định thư xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc mở ra cơ hội cho phụ phẩm lúa gạo Việt Nam.
Điều kiện nào để được xuất khẩu?
Cám gạo, cám gạo chiết ly là một trong 4 mặt hàng nông sản vừa được Bộ Nông nghiệp và Môi trường ký Nghị định thư với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC).

Thị trường cám gạo toàn cầu, các chuyên gia dự đoán có thể lên tới hàng chục tỷ USD
Thông tin với phóng viên Báo Công Thương về việc này, đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho hay, điều kiện để xuất khẩu cám gạo và cám gạo chiết ly cần đảm bảo rằng sản phẩm không chứa sinh vật gây hại mà phía Trung Quốc quan tâm và các thành phần biến đổi gen chưa được Trung Quốc chính thức phê duyệt, đáp ứng các yêu cầu mới nhất của Tiêu chuẩn quốc gia Trung Quốc (Tiêu chuẩn Vệ sinh thức ăn chăn nuôi GB13078).
Bên cạnh đó, cần đảm bảo rằng cám gạo và cám gạo chiết ly được sản xuất từ các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, bảo quản được Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phê duyệt và các doanh nghiệp đó phải có khả năng kiểm soát tổng số nấm mốc, vi khuẩn salmonella, kim loại nặng và các chỉ số vệ sinh an toàn khác.
Cám gạo và cám gạo chiết ly thành phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc của mỗi doanh nghiệp sản xuất, chế biến, bảo quản đã đăng ký phải được kiểm tra hợp quy chính thức ít nhất ba tháng một lần để đảm bảo sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn liên quan đến thức ăn chăn nuôi tại Trung Quốc.
Mỗi lô cám gạo, cám gạo chiết ly xuất khẩu sang Trung Quốc cần phải kèm theo một Công bố vệ sinh an toàn đối với thức ăn chăn nuôi có chứa chất đạm thực vật được xác nhận bởi Cục Chăn nuôi và Thú y.
Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, bảo quản cập nhật các quy định liên quan từ GACC và phải đảm bảo nhãn sản phẩm của các lô cám gạo và cám gạo chiết ly xuất khẩu sang Trung Quốc đều đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia mới nhất của Trung Quốc (GB 10648 Nhãn thức ăn chăn nuôi).
Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu các doanh nghiệp chế biến cám gạo và cám gạo chiết ly xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc đã được phê duyệt thiết lập hệ thống biện pháp kiểm soát các mối nguy (HACCP), hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc và vận hành hiệu quả.
Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, bảo quản xây dựng kế hoạch tự kiểm tra, tự kiểm soát các chỉ tiêu vệ sinh an toàn của cám gạo và cám gạo chiết ly xuất khẩu sang Trung Quốc, cách ly khu vực sản xuất với khu vực bảo quản, đảm bảo cám gạo, cám gạo chiết ly xuất khẩu sang Trung Quốc được để tại một nơi tách biệt, áp dụng các biện pháp hiệu quả chống chuột, côn trùng và chim để ngăn ngừa ô nhiễm thứ cấp hoặc lây nhiễm chéo.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, bảo quản cần đảm bảo bao bì đóng gói cám gạo và cám gạo chiết ly xuất sang Trung Quốc phải sạch, vệ sinh, phương tiện vận chuyển phải được làm sạch hoàn toàn, phù hợp với thời tiết và cách sử dụng, được sát khuẩn, khử trùng khi cần thiết.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật theo yêu cầu của ISPM số 12 "Hướng dẫn về Giấy chứng nhận Kiểm dịch thực vật", trong đó phải nêu rõ tên và số đăng ký của doanh nghiệp chế biến, số container (với hàng đóng bao) hoặc tên tàu (với hàng rời) và các thông tin khác; nếu có bất kỳ việc xử lý kiểm dịch nào đã được thực hiện trước khi xuất khẩu hoặc trong quá trình vận chuyển thì giấy chứng nhận cần ghi rõ các thông tin như phương pháp xử lý, chỉ tiêu xử lý, đồng thời thêm cột khai báo bằng tiếng Anh: “Lô hàng hóa này đáp ứng các yêu cầu của Nghị định thư về yêu cầu Vệ sinh An toàn thực phẩm đối với xuất khẩu cám gạo và cám gạo chiết ly từ Việt Nam sang Trung Quốc, và không mang bất kỳ loại dịch hại hay độc tố và chất gây hại nào mà Trung Quốc lo ngại”.
Rộng thêm cửa cho phụ phẩm ngành lúa gạo
Cám gạo làm thức ăn chăn nuôi là phụ phẩm quá trình sản xuất gạo sau khi tách vỏ trấu. Cám gạo chiết ly làm thức ăn chăn nuôi là phụ phẩm sau quá trình ngâm chiết dầu cám gạo.
Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện Việt Nam sản xuất khoảng 5 triệu tấn cám gạo mỗi năm, trong đó xuất khẩu khá lớn. Dù chưa có số liệu chính thức về thị trường cám gạo toàn cầu, các chuyên gia dự đoán có thể lên tới hàng chục tỷ USD.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương sau khi Việt Nam ký Nghị định thư xuất khẩu cám gạo và cám chiết ly sang thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long) – cho biết, nhu cầu sản phẩm cám gạo và cám chiết ly để làm thức ăn chăn nuôi là rất lớn. Do đó, việc ký Nghị định thư sẽ góp phần mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm phụ phẩm từ gạo Việt Nam. Bởi tại Việt Nam, những thời điểm bình thường thì việc tiêu dùng cám gạo và cám chiết ly cũng không lo ngại, nhưng khi vào thời vụ thu hoạch lúa gạo, nguồn cung là khá lớn.
Trước những tiêu chuẩn, yêu cầu đặt ra từ phía Trung Quốc nêu trên, ông Nguyễn Văn Thành cho biết, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đáp ứng. Vấn đề còn lại chỉ là nhu cầu của thị trường ra sao. Cùng với thị trường Trung Quốc, theo ông Nguyễn Văn Thành cám gạo và cám gạo chiết ly còn xuất khẩu đi nhiều thị trường khác. Mặt khác, nhu cầu tại ngay thị trường nội địa cũng rất lớn đối với mặt hàng này.
Ông Thành cho hay, cám gạo chiết ly là sản phẩm thu được từ quá trình tách chiết các thành phần có giá trị từ cám gạo nguyên chất. Đây là sản phẩm đã được xử lý bằng công nghệ để loại bỏ dầu, hoặc để thu các thành phần như: Dầu cám gạo giàu gamma-oryzanol, phytosterol, tocopherol; chất xơ hòa tan và không hòa tan; protein thực vật; Các chất chống oxy hóa, vitamin nhóm B, vitamin E, khoáng chất... Thời gian vàng để có thể tách chiết các thành phần đó là trước 8 tiếng sau khi thu hoạch cám gạo nguyên chất. Bởi sau thời gian này, dầu cám không còn nhiều.
Với cám gạo, sau khi thu hoạch chúng ta phải qua một công đoạn sấy, như vậy mới có thể dự trữ, bảo quản được từ 3-6 tháng cho các nhà máy có thời gian chế biến thành thức ăn chăn nuôi.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, điều kiện để xuất khẩu cám gạo và cám gạo chiết ly sang thị trường Trung Quốc là không dễ bởi những yêu cầu nghiêm ngặt về kiểm dịch và vệ sinh an toàn. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các doanh nghiệp đã làm quen với các yêu cầu này. Do đó, Việt Nam có đủ tiềm năng để đưa mặt hàng này trở thành một trong những mũi nhọn xuất khẩu.
GACC sẽ tiến hành kiểm tra và kiểm dịch đối với cám gạo và cám gạo chiết ly nhập khẩu và xử lý hàng hóa khi phát hiện không đảm bảo. Khi phát hiện những sai phạm, cơ quan chức năng phía Trung Quốc sẽ thông báo với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tùy theo mức độ nghiêm trọng của vi phạm, GACC sẽ áp dụng các biện pháp như tạm đình chỉ hoặc đình chỉ doanh nghiệp xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ chủ động tiến hành kiểm tra và áp dụng các biện pháp khắc phục theo quy định, việc xuất khẩu của doanh nghiệp vi phạm chỉ được khôi phục sau khi được GACC công nhận.