Nông sản Việt chịu sự cạnh tranh khốc liệt khi tìm đường vào thị trường Brazil

Mặc dù Brazil là thị trường có quy mô tiêu thụ lớn nhưng do sự phát triển mạnh về nông nghiệp của nước này cũng như sự cạnh tranh từ các đối thủ xuất khẩu, nên các mặt hàng nông sản Việt gần như vẫn chưa có chỗ đứng tại quốc gia đông dân ở Nam Mỹ này.

Ba tháng đầu năm 2022, thương mại song phương giữa Việt Nam – Brazil đạt gần 1,7 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 533 triệu USD, nhập khẩu từ Brazil đạt 1,17 tỷ USD.

Chia sẻ tại Phiên tư vấn xuất khẩu hàng hóa sang Brazil do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức ngày 6/5, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu cho biết, Brazil hiện là thị trường có thương mại lớn nhất với Việt Nam tại khu vực Nam Mỹ. Việt Nam cũng đang là đối tác lớn nhất của Brazil tại khu vực Đông Nam Á.

Nhìn chung, Brazil là thị trường tiêu thụ lớn khi có quy mô dân số hơn 200 triệu dân với kim ngạch nhập khẩu trung bình đạt hơn 230 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, lượng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này vẫn còn khiêm tốn.

Nguy cơ bị xâm nhập ngược

Trong 3 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Brazil một số mặt hàng chính như điện thoại và các loại linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng dệt may, giày dép các loại….

Với mặt hàng dệt may, đây là thị trường tiêu thụ lớn, tuy nhiên các doanh nghiệp dệt may của Brazil tương đối phát triển. Trong quý đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường này đạt 12 triệu USD, so với năm trước chỉ tăng hơn 1 triệu USD.

Chia sẻ tại Phiên tư vấn, ông Fanzi Hamuche, đại diện một doanh nghiệp dệt may lớn tại Brazil cho biết: “Doanh nghiệp của chúng tôi chuyên sản xuất quần jean với nhiều loại khác nhau. Hiện doanh nghiệp của tôi đang sản xuất và cung cấp sản phẩm cho hàng trăm nghìn các siêu thị với doanh số đạt hàng triệu USD cho mỗi siêu thị”.

Giá sản phẩm của doanh nghiệp này cũng tương đối rẻ, trung bình khoảng 5 USD/sản phẩm, có những sản phẩm tốt cũng chỉ có giá 3 USD/sản phẩm. Có thể thấy, với các doanh nghiệp nội địa như vậy thì hàng Việt khó mà có cơ hội cạnh tranh.

 Các diễn giả chia sẻ tại Phiên tư vấn.

Các diễn giả chia sẻ tại Phiên tư vấn.

Mặt khác, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nguy cơ bị xâm nhập ngược khi mà doanh nghiệp Brazil đang có xu hướng xuất khẩu ra bên ngoài. Ông Fanzi Hamuche cho biết, doanh nghiệp của ông không chỉ quan tâm đến thị trường trong nước mà bắt đầu chú trọng lại các thị trường nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Với giá cả cạnh tranh như hiện tại, dự báo các sản phẩm này sẽ nhanh chóng chiếm được chỗ đứng tại thị trường Việt.

Về mặt hàng giày dép, xuất khẩu sang Brazil trong 3 năm trở lại đây tăng hơn 70%. Tuy nhiên, theo ông Ngô Xuân Tỵ, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Brazil thì xuất khẩu giày dép sang thị trường này đang có xu hướng giảm.

Ngoài ra, Việt Nam cũng xuất khẩu sang Brazil mặt hàng thủy sản, tuy nhiên kim ngạch vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, các sản phẩm nội thất xuất sang Brazil chủ yếu là thành phẩm, trong đó nguyên liệu gỗ thô lại nhập khẩu từ Brazil. Trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Brazil đạt 21 triệu USD.

Khó thâm nhập thị trường có nền nông nghiệp phát triển

Việt Nam nhập khẩu từ Brazil các mặt hàng chính như bông, quặng và khoáng sản; các sản phẩm nông nghiệp như đậu tương, lúa mì, ngô…

Nhìn chung, Brazil là thị trường có nền nông nghiệp rất phát triển. Nước này đang đặt mục tiêu trở thành một trong những quốc gia sản xuất lương thực hàng đầu thế giới, có thể đáp ứng 40% nhu cầu toàn thế giới. Brazil dự kiến đến năm 2030, nông sản của nước này sẽ chiếm tới 30% lượng nông sản lưu thông trên thị trường thế giới, nhu cầu tăng chủ yếu từ các nước châu Á.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) dự báo, Brazil sẽ vượt Hoa Kỳ, trở thành quốc gia sản xuất đậu tương số một thế giới vào năm 2025. Nghiên cứu của FAO cho biết vào năm 2025, sản lượng đậu tương của Brazil sẽ đạt 135 triệu tấn.

Trước đà phát triển như vậy, hàng nông sản Việt xuất khẩu sang thị trường này còn gặp nhiều khó khăn. Với các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như trà, rau quả, mật ong… vẫn khó có thể xâm nhập.

“So với các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU thì Brazil là thị trường dễ tính hơn nhưng vẫn khó xâm nhập. Bởi tính cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Doanh nghiệp của Brazil còn muốn xuất khẩu ra bên ngoài nên để xâm nhập vào thì cần có quyết tâm lớn”, ông Ngô Xuân Tỵ chia sẻ.

 Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư An Giang phát biểu tại Phiên tư vấn.

Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư An Giang phát biểu tại Phiên tư vấn.

Q&A VỀ XUẤT KHẨU NÔNG SẢN SANG THỊ TRƯỜNG BRAZIL

Doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường bằng cách nào?

Trong thời kỳ đại dịch, các công ty nhỏ tại Brazil gần như không trụ được. Hiện tại, nhiều doanh nhiệp nhỏ đang gây dựng lại, đây là cơ hội tiếp cận tốt cho các doanh nghiệp Việt.

Thị trường này có sự cạnh tranh lớn, không chỉ có đối thủ là các doanh nghiệp nước ngoài mà ngay cả với doanh nghiệp Brazil. Bởi vậy, nếu muốn vào doanh nghiệp phải có quyết tâm lớn, có sự chuẩn bị về quá trình, có sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, có chiến lược cụ thể.

Đặc biệt, doanh nghiệp nên sử dụng ngôn ngữ của người Brazil để người tiêu dùng có thể tiếp cận sản phẩm của mình dễ dàng hơn. Hiện, Brazil chủ yếu dùng tiếng Bồ Đào Nha, ngoài ra còn có tiếng Tây Ban Nha.

Vấn đề thuế nhập khẩu, chứng nhận hợp quy và các vấn đề khác liên quan đến điện lạnh, điện tử vào Brazil?

Hiện Việt Nam và Brazil chưa có hiệp định thương mại cho nên mức thuế xuất khẩu vào thị trường này chưa có ưu đãi. Nếu doanh nghiệp định hướng xuất khẩu sản phẩm gì thì nên tìm kiếm đơn vị địa phương, đối tác tư vấn về thuế để hiểu rõ.

Ngày 22/3, chính phủ Brazil có cắt giảm thuế đối với sản phẩm mỳ ống, điều này có lợi thế gì đối với doanh nghiệp Việt không?

Brazil thường xuyên có các chính sách cắt giảm thuế. Tuy nhiên, các chính sách này chỉ mang tính tạm thời, từ 3 – 6 tháng.

Nếu doanh nghiệp không có các đối tác sẵn thì khó mà tận dụng được chính sách giảm thuế. Bởi khi đưa ra các chính sách giảm thuế ngắn hạn, các doanh nghiệp Brazil và nước ngoài đã nắm bắt và tận dụng nhanh chóng.

Nếu có đối tác sẵn, doanh nghiệp cần triển khai các phương án xuất khẩu nhanh chóng, tận dụng tối đa lợi ích từ việc cắt giảm thuế, nâng cao kim ngạch xuất khẩu sản phẩm.

Tiềm năng xuất khẩu trà như thế nào?

Là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất, nhì thế giới cho nên nhu cầu tiêu thụ cà phê của người dân Brazil rất lớn. Do vậy, nhu cầu về trà của họ không nhiều.

Tiềm năng xuất khẩu nước ép, hoa quả lên men, trái cây sấy khô, mật ong ở thị trường Brazil như thế nào?

Với những sản phẩm này, Brazil phát triển rất mạnh và sôi động. Không chỉ doanh nghiệp trong nước, thậm chí, nhiều doanh nghiệp nước ngoài còn tới đây, thuê đất và xây dựng nông trại, phát triển chuỗi sản phẩm.

Về sản phẩm mật ong, Brazil sản xuất rất tự nhiên, họ nuôi ong rất nhiều nên nhu cầu nhập chưa nhiều.

Cơ hội cho mỳ chũ có nhiều không?

Brazil không phát triển mặt hàng này. Tuy nhiên, có sự cạnh tranh khốc liệt khi các doanh nghiệp Nhật, Hàn và Trung đều có mặt ở đây. Riêng với doanh nghiệp Trung Quốc, người Trung ở đây tương đối đông, lượng tiêu thụ lớn và tạo ra khả năng cạnh tranh cao với các mặt hàng của thị trường khác.

Thị trường có quan tâm đến rau quả đông lạnh không?

Thị trường này rất ưa chuộng hoa quả tươi cho nên hàng đông lạnh không chuộng. Nếu đưa hàng đông lạnh đến khu vực xa trung tâm thì có thể tiêu thụ.

Tiềm năng xuất khẩu đồ điện lạnh như điều hòa, tủ lạnh…?

Về cơ bản, Brazil nóng quanh năm (trừ khu vực phía Nam có mùa đông kéo dài). Do vậy nhu cầu sản phẩm đồ điện lạnh rất lớn.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nong-san-viet-chiu-su-canh-tranh-khoc-liet-khi-tim-duong-vao-thi-truong-brazil-post6111.html