Nông sản Việt Nam không bị tác động nhiều nếu có chiến tranh thương mại

Nhiều doanh nghiệp lo ngại, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và xung đột thương mại toàn cầu nếu xảy ra, có thể cản trở xuất khẩu hàng hóa - nông sản của Việt Nam trong năm 2025.

Ngày 1-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia theo Đạo luật Quyền lực kinh tế khẩn cấp quốc tế, nhằm áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc.

Cụ thể, sắc lệnh này áp thuế 25% đối với hàng hóa từ Canada và Mexico, 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc.

Những lô hàng đã được vận chuyển đến Mỹ trước ngày ban hành sắc lệnh sẽ không bị ảnh hưởng.

Quyết định này đang tạo ra những lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại mới và khả năng tác động đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

 Chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh minh họa

Chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh minh họa

Ngày 6-2, trả lời báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, chính sách thuế mới của Mỹ sẽ không tác động nghiêm trọng đến quá trình xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Mỹ.

Theo ông Phùng Đức Tiến, mặc dù sẽ có một số khó khăn và thách thức trong việc xuất khẩu nông sản, nhưng với mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Mỹ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn sẽ tiếp tục duy trì và phát triển.

Thứ trưởng cho biết, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 13,8 tỷ USD trong năm 2024, chiếm khoảng 21,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam có mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Mỹ, điều này giúp bảo vệ lợi ích trong hợp tác thương mại.

Từ tháng 1-2024, Việt Nam và Mỹ đã đạt thỏa thuận quan trọng, kết thúc tranh chấp về thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Trong đó, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn được gỡ khỏi danh sách các doanh nghiệp bị áp thuế chống bán phá giá. Đây là kết quả đáng kể của ngành thủy sản Việt Nam.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh cột mốc quan trọng khác là vào tháng 10-2029, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã công nhận hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đối với cá da trơn của Việt Nam đạt tiêu chuẩn tương đương với Mỹ. Điều này chứng tỏ những nỗ lực lớn của các doanh nghiệp Việt Nam trong đảm bảo chất lượng sản phẩm, giúp tăng trưởng xuất khẩu của ngành cá tra, đạt giá trị 300 triệu USD vào năm 2024, chiếm 17% tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ.

Để chủ động ứng phó với những biến động chính sách từ các thị trường nhập khẩu, Bộ NN-PTNT đã phối hợp Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương, cùng thúc đẩy mở rộng thị trường mới, đặc biệt là thị trường Halal, trong khi duy trì và phát triển những thị trường truyền thống. Bộ cũng tập trung chuẩn bị các vùng trồng, vùng nuôi sản phẩm nông sản sao cho đáp ứng đầy đủ yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và có nguồn nguyên liệu minh bạch, rõ ràng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, dù có những thách thức lớn hơn khi mở rộng ra các thị trường quốc tế, nhưng nếu tổ chức sản xuất hiệu quả, đạt chuẩn quốc tế, Việt Nam vẫn sẽ có cơ hội phát triển bền vững.

Hiện ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đang duy trì sự phát triển ổn định. Tháng 1-2025, ngành nông nghiệp tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tích cực, với nhu cầu lương thực thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ tăng 10%-15% nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nguồn cung lương thực thực phẩm vẫn ổn định và giá cả không có biến động lớn. Dù vậy, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong tháng 1-2025 có sự giảm nhẹ (chỉ đạt 5,08 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước).

Mặc dù tình hình chính trị và kinh tế quốc tế có thể gây ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu, nhưng Bộ NN-PTNT tin tưởng, Việt Nam vẫn có thể duy trì và phát triển xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Mỹ nếu tiếp tục nỗ lực và cải thiện chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.

PHÚC VĂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nong-san-viet-nam-khong-bi-tac-dong-nhieu-neu-co-chien-tranh-thuong-mai-post780766.html