Nông sản Việt - vì sao xuất nhiều, được ít?
Nông sản Việt Nam hiện đã xuất khẩu tới 190 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch năm 2019 hơn 41,3 tỷ USD. Mặc dù lọt vào tốp 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn của thế giới, thế nhưng, nông sản của Việt Nam vẫn chủ yếu xuất thô, giá trị kinh tế thấp, thậm chí phải mang thương hiệu của nước ngoài. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Thiếu liên kết, giá trị nông sản thấp
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Hiện nay, Việt Nam đang là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn, đứng thứ 15 trên thế giới. Các mặt hàng nông sản Việt Nam đã có mặt ở 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều sản phẩm đặc trưng, như: Cà phê, điều, hồ tiêu, chè, gạo… Tuy nhiên, nông sản Việt Nam vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh. Quá trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nông sản Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp đầu vào là nông sản thô. Về thương hiệu, khi bán ra thị trường thế giới có đến 80% hàng nông sản thông qua các thương hiệu nước ngoài, đồng nghĩa với việc Việt Nam mới tham gia được ở khâu tạo ra giá trị ít nhất trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Một trong những khâu yếu của Việt Nam chính là thiếu tính liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Điều này không chỉ khiến nông sản Việt Nam thường phải bán thô với giá thấp mà còn bị các đối tác, bạn hàng chèn ép về giá cả. Thêm nữa, việc thiếu tính liên kết trong sản xuất khiến nông sản Việt gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ do vấn đề về truy xuất nguồn gốc, chất lượng nông sản chưa đồng nhất, chưa ổn định, nguồn cung vượt cầu. Mặt hàng hồ tiêu là ví dụ điển hình. Những năm trước đây, khi hồ tiêu được giá, nông dân ồ ạt trồng tiêu theo phong trào, thậm chí phá vỡ quy hoạch. Sản lượng hồ tiêu Việt Nam tăng, trong khi sản lượng hồ tiêu thế giới cũng tăng mạnh. Hồ tiêu chỉ là một loại gia vị chứ không phải là lương thực, thực phẩm nên nhu cầu của người tiêu dùng không thể tăng quá nhanh. Vì thế, cung vượt cầu dẫn đến giá sụt giảm khiến tình trạng hai năm gần đây, hồ tiêu Việt Nam mặc dù xuất nhiều nhưng giá thấp dẫn đến tổng giá trị cũng sụt giảm so với trước đây.
Là một trong những doanh nghiệp tham gia xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo xuất khẩu tới các thị trường: Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Đức, Hàn Quốc, Philippines, Australia..., Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An) thường xuất khẩu loại gạo thơm, chất lượng cao. Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Trung An cho biết: "Một nghịch lý đang diễn ra là mô hình liên kết chuỗi sản xuất lúa gạo đã chứng minh được hiệu quả kinh tế và rất cần thiết nhưng lại không thể nhân rộng, thậm chí những vụ lúa gần đây, diện tích cánh đồng liên kết ở các địa phương đang có xu hướng giảm dần. Nguyên nhân do các chuỗi liên kết thiếu vốn-nguồn lực chính để thực hiện".
Gỡ khó cho doanh nghiệp để xây dựng chuỗi giá trị nông sản toàn cầu
Một trong những khâu yếu của chuỗi sản xuất nông sản Việt Nam là thiếu tính liên kết, công nghệ sản xuất và chế biến còn hạn chế, thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Đây là một trong những lý do dẫn đến giá trị nông sản của Việt Nam còn thấp. Để khuyến khích các chuỗi phát triển, trong đó có chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo, ông Phạm Thái Bình kiến nghị, Chính phủ cần có phương án vốn thực hiện cánh đồng liên kết trồng lúa. Chỉ có như vậy, ngành lúa gạo của Việt Nam mới phát triển theo hướng gia tăng giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế. Với 6 triệu tấn gạo xuất khẩu hiện thu được 2,5-3 tỷ USD, khi thực hiện liên kết, chuỗi giá trị lúa gạo của Việt Nam có thể thu được khoảng 5 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam: Nhà nước cần có chính sách tập trung tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, khả năng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, nguồn lực về khoa học-công nghệ cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Có như vậy, doanh nghiệp mới đồng hành thực sự trong chuỗi liên kết nhiều nhà như hiện nay; vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp mới được thể hiện vững chắc và rõ rệt. Qua đó, doanh nghiệp mới giúp nông dân liên kết với nhau, đồng thời tạo liên kết giữa doanh nghiệp các hợp tác xã với doanh nghiệp lớn.
Ông Park Hyang Jin, Tổng giám đốc Công ty Dreamfarm (Hàn Quốc) chia sẻ: "Doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ, từ khâu sản xuất đến chế biến, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm toàn bộ quy trình được kiểm soát đúng quy chuẩn. Như vậy, các doanh nghiệp mới góp phần nâng cao giá trị nông sản của Việt Nam vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu".
BOX: Cả nước có 2.975 hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản với 1.082 doanh nghiệp. Nông sản an toàn có 1.254 chuỗi đã được chứng nhận với 1.452 sản phẩm, chủ yếu tập trung vào các sản phẩm, như: Rau quả, trái cây các loại, gạo, cà phê, hồ tiêu, điều, chè, thịt gà, thịt bò, thịt lợn, tôm, cá tra, trứng gia cầm... Hiện, có 3.172 điểm bán các sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị, trong đó 649 địa chỉ kinh doanh đã được cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Ngoài ra, cả nước hiện xây dựng được 21.000 mô hình liên kết chuỗi giá trị ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới. (Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nong-san-viet-vi-sao-xuat-nhieu-duoc-it-609731