Nông sản xuất khẩu liên tục bị tuýt còi trả về, đâu là giải pháp?
Việc hàng hóa nông sản Việt Nam liên tục bị đối tác nhập khẩu tuýt còi, trả về là hồi chuông cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Thực trạng này đòi hỏi cơ quan quản lý phải kiểm soát chặt nguồn gốc, chất lượng sản phẩm cũng như mạnh tay xử lý vi phạm.
Báo động tình trạng nông sản bị cảnh báo, từ chối
Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), các vi phạm về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là đối với các lô hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tính từ năm 2021 đến nửa đầu năm 2023, Cục đã nhận được nhiều thông báo không tuân thủ về kiểm dịch thực vật từ các nước nhập khẩu.
Trong 7 tháng năm 2023, đã phát hiện 370 lô hàng có đối tượng kiểm dịch thực vật, chủ yếu là chuối, thanh long, xoài, sầu riêng và mít. Ngoài ra, cơ quan này cũng nhận được 107 cảnh báo về các lô hàng xuất khẩu không đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm như chứa nấm mốc, vi khuẩn, kim loại nặng, chất gây dị ứng…
Mới đây, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) đã công bố những con số đáng suy ngẫm đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, tổng số trường hợp thực phẩm và thức ăn chăn nuôi Việt Nam bị từ chối tại 5 thị trường (Australia, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Mỹ) đã giảm trong giai đoạn 2010 - 2020, cụ thể từ 632 xuống còn 537 trường hợp. Trong đó, thị trường Trung Quốc và Mỹ có tỉ lệ từ chối lớn nhất với 35% và 31%. Thị trường EU chiếm gần 1/5 (18%) trong tổng số trường hợp bị từ chối của hàng rau củ xuất khẩu (mã HS 07) của Việt Nam.
Theo UNIDO, tổng số trường hợp bị từ chối của rau củ xuất khẩu của Việt Nam sang 5 thị trường đã tăng đáng kể từ 11 trường hợp năm 2012 lên 75 trường hợp vào năm 2020. Tuy nhiên, điều này rất có thể là do khối lượng sản phẩm HS 07 được xuất khẩu từ Việt Nam sang 5 thị trường nhập khẩu tăng mạnh. Nguyên nhân chính của các trường hợp sản phẩm bị từ chối của Việt Nam năm 2020 là nhiễm khuẩn, điều kiện kiểm soát vệ sinh, dư lượng thuốc thú y, ghi nhãn, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phụ gia.
Từ thực tế trên, UNIDO khuyến cáo, Việt Nam cần tăng cường năng lực về kỹ thuật đánh giá cũng như kiểm soát an toàn, vệ sinh để tuân thủ quy định quốc tế. Ngoài ra, cần hỗ trợ quảng bá, đào tạo để nông dân, doanh nghiệp thực hiện tốt các tiêu chuẩn quốc tế như: Global GAP, ISO 22000, HACCP…
Quản chặt chất lượng để bảo vệ thương hiệu
Đề cập về giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng nông sản xuất khẩu, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho rằng, Trung Quốc và các nước đã nhiều lần cảnh báo vi phạm chất lượng trái cây xuất khẩu nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa mạnh tay trong việc thu hồi, xử lý đơn vị vi phạm.
Do đó, việc cần làm trước hết là cần có giải pháp mạnh hơn như đình chỉ, thậm chí không cho doanh nghiệp vi phạm xuất khẩu. Như ở Thái Lan, nhiều trường hợp có thể bị truy tố hình sự chính vì vậy tỉ lệ doanh nghiệp vi phạm ở nước này thường thấp hơn Việt Nam.
Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu trái cây Chánh Thu Ngô Tường Vy đề nghị, cơ quan Nhà nước cần có chế tài xử lý những trường hợp vi phạm quy định về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Bởi nếu không có chế tài xử phạt thì nông dân, doanh nghiệp xem nhẹ hoặc không làm đầy đủ, gây ảnh hưởng đến nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục có những quản lý sâu hơn về chất lượng nông sản, nhất là với các mặt hàng tăng trưởng “nóng” như sầu riêng. Từ đó mỗi sản phẩm xuất khẩu đều có chất lượng tốt, ổn định, góp phần tạo nên hình ảnh, thương hiệu của nông sản Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung, nắm bắt tình hình thực tế và những tồn tại, hạn chế, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa và thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới lô hàng. Từ đó phát hiện, xử lý và tuyệt đối không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho các lô hàng không tuân thủ.
Đối với các địa phương, Bộ NN&PTNT yêu cầu xây dựng cơ chế và triển khai thực hiện giám sát thường xuyên việc sơ chế, chọn lọc hàng hóa để đảm bảo không nhiễm sinh vật gây hại tại các nhà đóng gói đã được cấp mã số.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng kiểm tra ban đầu đối với các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, tăng cường giám sát mã số sau khi được cấp. Đồng thời, tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất thực chất từ vùng trồng - cơ sở đóng gói - cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật – doanh nghiệp xuất khẩu; tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu và đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia.
Hiện Bộ NN&PTNT đã làm việc với Bộ Tư pháp đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng 2 nghị định, gồm: Nghị định hướng dẫn cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và Nghị định về chế tài xử lý vi phạm mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.