'Nóng' thảo luận Ủy ban chứng khoán Nhà nước có nên thuộc Chính phủ
Một trong những nội dung thu hút nhiều đại biểu Quốc hội tập trung nêu ý kiến khi thảo luận dự án Luật Chứng khoán sửa đổi trong chiều 13/6 là Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) nên hay không nên trực thuộc Chính phủ.
Với quan điểm UBCK cần tiếp tục thuộc Bộ Tài chính như hiện tại, Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) lập luận, các nghị quyết của Đảng về sắp xếp lại bộ máy đều nhấn mạnh nguyên tắc không làm tăng biên chế, tăng đầu mối, tăng chi ngân sách, nên UBCK vẫn thuộc Bộ Tài chính là hợp lý.
“Hơn nữa, tờ trình của Chính phủ không đưa ra những bất cập trong bộ máy của UBCK hiện hành. Ngay cả ý kiến cho rằng UBCK nên là cơ quan trực thuộc Chính phủ, thì cũng chưa chỉ ra được đâu là những cản trở khiến cho mô hình tổ chức của UBCK gặp khó khăn trong quản lý, giám sát thị trường…”, bà Mai nói.
Đại biểu Mai cũng cho rằng, xét về kinh nghiệm quốc tế, mô hình tổ chức của UBCK đa dạng, không có công thức cố định nào. Có 48/128 quốc gia đặt UBCK thuộc Bộ Tài chính, có 10 quốc gia biên chế UBCK thuộc cơ cấu tổ chức của ngân hàng trung ương. Do đó, việc duy trì mô hình tổ chức và hoạt động của UBCK trực thuộc Bộ Tài chính hiện nay là tương thích với nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, cần tăng tính độc lập, chủ động cho UBCK trong quản lý, giám sát thị trường…
“Điều quan trọng để nâng cao chất lượng quản lý, giám sát thị trường là yếu tố con người có tính chuyên nghiệp, khả năng thực hiện nhiệm vụ, chứ không phải UBCK nằm ở đâu. Quan trọng nữa là tổ chức này cần được trao quyền năng gì. Ngay cả khi UBCK trực thuộc Chính phủ mà không được trao thêm thẩm quyền, gia tăng tính tự chủ, tự quyết, thì cũng khó đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng quản lý…”, bà Mai phân tích.
Cũng đồng tình với đề xuất của Chính phủ là UBCK trực thuộc Bộ Tài chính, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, như thông lệ quốc tế, thì UBCK hoạt động theo mô hình độc lập là xu thế tất yếu để đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh nước ta hiện tại, trước mắt UBCK vẫn nên trực thuộc Bộ Tài chính. Tuy nhiên, dự thảo luật cần trao thêm thẩm quyền cho UBCK.
Trái ngược với quan điểm trên, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với ý kiến cho rằng UBCK nên là cơ quan thuộc Chính phủ. Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề xuất, UBCK cần có tính độc lập và nên là cơ quan trực thuộc Chính phủ để giảm bớt các khâu trung gian, nâng cao hiệu quả quản lý, phù hợp với thông lệ quốc tế…
“UBCK nên là cơ quan trực thuộc Chính phủ để đáp ứng yêu cầu quản lý thị trường trong bối cảnh phát triển ngày càng nhanh, với số lượng doanh nghiệp trên sàn hiện nay là hơn 1.500 công ty. Việc nâng cấp UBCK là cơ quan thuộc Chính phủ là trường hợp cá biệt, thực sự cần thiết. Nếu cần thì xin ý kiến của Bộ Chính trị…”, Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) bày tỏ quan điểm.
Có một điều đáng chú ý là ngay cả với những phát biểu thể hiện sự khác nhau về mô hình tổ chức của UBCK như trên, thì có một điểm chung trong các ý kiến trái ngược này là thống nhất cần tăng thẩm quyền cho UBCK, nhằm nâng cao tính chủ động, hiệu quả trong quản lý, giám sát thị trường, đặc biệt là xử lý các tình huống mang tính tình thế cấp bách…
Trong phần giải trình đại biểu Quốc hội vào cuối phiên thảo luận, thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, liên quan đến mô hình tổ chức của UBCK, trong số 19 ý kiến thảo luận ở hội trường hôm nay, thì có 5 đại biểu đề xuất UBCK thuộc Chính phủ, có 9 đại biểu đồng ý UBCK vẫn là cơ quan thuộc Bộ Tài chính, nhưng đề xuất cần tăng tính độc lập, tăng thẩm quyền cho UBCK.
“Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội, để hoàn thiện dự thảo luật, trên cơ sở đó trình Quốc hội xem xét quyết định trong thời gian tới…”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.