Nông thôn của miền núi Sơn Hòa có nhiều đổi mới

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ và nhân dân huyện Sơn Hòa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực. Nền kinh tế của huyện phát triển ổn định và tăng trưởng khá. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; bộ mặt nông thôn, miền núi có nhiều đổi mới, khởi sắc.

Ông Tô Phương Bắc

Ông Tô Phương Bắc

5 năm qua, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm ổn định và phát triển kinh tế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức sản xuất, thu mua nông sản.

Kinh tế khởi sắc

Trong 5 năm qua, Sơn Hòa tiếp tục thực hiện khá tốt chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỉ trọng ngành Nông nghiệp. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020, đạt gần 24.228 tỉ đồng; tốc độ tăng bình quân 9,9%. Giá trị gia tăng bình quân đầu người năm 2020 đạt 33,3 triệu đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020 ước thực hiện là 251,9 tỉ đồng; tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hàng năm 8,3%.

Lĩnh vực nông - lâm nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, tốc độ tăng bình quân hàng năm 8,02%. Giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp giai đoạn 2016-2020 đạt 6.759,9 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 27,9% trong nền kinh tế. Trong 5 năm đã trồng được 4.377ha rừng, vượt 877ha so với nghị quyết, góp phần nâng tỉ lệ che phủ rừng lên 41,7%.

Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng có tốc độ tăng trưởng khá, giá trị công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2016-2020, đạt 13.659,8 tỉ đồng, tốc độ giá trị gia tăng bình quân là 6,7%, chiếm tỉ trọng 56,4% trong nền kinh tế. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn huyện là 3.918,6 tỉ đồng, đạt 88,5% so nghị quyết; trong đó nguồn vốn huyện làm chủ đầu tư gần 500 tỉ đồng.

Công tác khuyến công thực hiện khá tốt, đã tạo điều kiện thuận lợi để Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam triển khai xong dự án Mở rộng, nâng công suất hoạt động nhà máy đường lên 10.000 tấn mía/ngày; dự án Nhà máy điện sinh khối KCP - Phú Yên hoàn thành giai đoạn 1, công suất 30MW hòa vào lưới điện quốc gia từ năm 2017. Tập đoàn TH True Milk đầu tư dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao Phú Yên tại xã Sơn Định. Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp và thu hút đầu tư được chú trọng; trong nhiệm kỳ, huyện đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng Cụm công nghiệp Ba Bản mở rộng với quy mô 67ha, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (giai đoạn 1) và đang tiếp tục hoàn thiện hạ tầng mở rộng.

Lĩnh vực thương mại - dịch vụ và du lịch tiếp tục phát triển cả về quy mô và chất lượng, giá trị thương mại và dịch vụ giai đoạn 2016-2020 đạt 3.808 tỉ đồng; tốc độ giá trị gia tăng bình quân đạt 29%. Hoạt động du lịch, công tác xúc tiến, quảng bá, thu hút đầu tư phát triển du lịch có sự chuyển biến, nhất là sau khi Huyện ủy ban hành Chương trình hành động về đầu tư phát triển từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện.

Trong giai đoạn 2015-2020, huyện đã đầu tư, nâng cấp một số công trình hạ tầng cơ sở, các khu di tích lịch sử. Hiện nay trên địa bàn huyện có 1 di tích cấp quốc gia, 7 di tích cấp tỉnh; đã hình thành một số điểm đến tham quan, du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Hàng năm, lượng du khách đến tham quan, du lịch trên địa bàn huyện tăng từ 18-20%, đạt khoảng 120.700 lượt người.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn ngày càng phát triển. Tổng vốn đầu tư 103.683 triệu đồng; trong đó nhân dân đóng góp 5.050 triệu đồng. Hiện nay, huyện có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới; toàn huyện đạt 178 tiêu chí, bình quân đạt 13,6 tiêu chí/xã, tăng 45 tiêu chí so với năm 2015. Tỉ lệ cứng hóa đường huyện đạt 95%, đường đô thị đạt 98%, đường xã đạt 92%, đường trục thôn, xóm đạt 95%.

Về phát triển các thành phần kinh tế, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Trong 5 năm đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 593 hộ kinh doanh cá thể, 62 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 253,3 tỉ đồng. Hiện nay, toàn huyện có 108 doanh nghiệp, 1.396 hộ kinh doanh cá thể và 10 hợp tác xã, hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực xây dựng, dịch vụ..., góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Trình diễn cồng chiêng tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng xã Cà Lúi. Ảnh: THIÊN LÝ

Trình diễn cồng chiêng tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng xã Cà Lúi. Ảnh: THIÊN LÝ

Đời sống xã hội cải thiện

Nhờ thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về GD-ĐT, quy mô, chất lượng GD-ĐT được nâng lên. Giữ vững kết quả huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, giáo dục tiểu học, mầm non cho trẻ 5 tuổi và xóa mù chữ. Huyện có 11/33 trường học từ mầm non đến THCS đạt chuẩn.

Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai rộng khắp, đến nay toàn huyện có 14.807/16.457 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 89,9%; có 71/73 thôn, buôn, khu phố đạt tiêu chuẩn khu dân cư văn hóa, đạt 97,2%. Công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân có nhiều chuyển biến, huyện có 14/14 trạm y tế các xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới.

Trong 5 năm qua, huyện đã đào tạo 2.068 lao động, nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo từ 40,6% năm 2016 lên 44,3% năm 2020; giải quyết việc làm và tạo thêm việc làm ổn định cho 18.760 lao động, bình quân mỗi năm có 3.752 lao động được giải quyết việc làm mới và tạo thêm việc làm ổn định. Cùng với đó, công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội được triển khai kịp thời, đầy đủ. Từ nguồn vốn các chương trình, dự án đã hỗ trợ xóa 388 nhà ở tạm cho hộ nghèo với tổng kinh phí 14,890 tỉ đồng; tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 24,9% đầu năm 2016 xuống còn 10,5% năm 2020, giảm bình quân hàng năm 2,8%, đạt 100% so với nghị quyết.

Bên cạnh thành tựu nêu trên, việc thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ qua vẫn còn một số mặt hạn chế, như nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế, khiến tăng trưởng kinh tế của huyện đạt khá nhưng chưa thực sự bền vững và đồng đều giữa các vùng; sản xuất nông nghiệp có bước phát triển nhưng vẫn chưa cân đối, tỉ trọng giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp còn cao trong cơ cấu ngành... Nguyên nhân từ xuất phát điểm, điều kiện kinh tế của huyện thấp; trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức trên một số lĩnh vực còn có sự chênh lệch nhất định...

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, toàn đảng bộ, toàn dân, toàn quân trong huyện đoàn kết, nhất trí, nỗ lực phấn đấu tập trung khắc phục những hạn chế, khuyết điểm nhiệm kỳ qua, triển khai thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XII đề ra, để Sơn Hòa phát triển nhanh và bền vững.

Một số chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ 2020-2025

- Tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hàng năm 12%, chi ngân sách 7%. Thu ngân sách đến năm 2025 đạt 100 tỉ đồng.

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2020-2025 là 4.000 tỉ đồng.

- Trồng rừng tập trung 4.000ha, nâng tỉ lệ che phủ rừng trên 45%.

- Giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm 3%

- Đến năm 2025, có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

- Đến năm 2025, nâng cấp thị trấn Củng Sơn lên đô thị loại IV.

TÔ PHƯƠNG BẮC

Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/242213/nong-thon-cua-mien-nui-son-hoa-co-nhieu-doi-moi.html