Nông thôn đang là thị trường tiềm năng của thương mại điện tử

Không chỉ ở các đô thị lớn, làn sóng tiêu dùng số hóa đang len lỏi mạnh mẽ cùng bước đi của thương mại điện tử vào đời sống nông thôn, nơi sinh sống của đa phần dân số Việt Nam.

Hàng hóa "đến gần" người dân nông thôn hơn qua thương mại điện tử

Hàng hóa "đến gần" người dân nông thôn hơn qua thương mại điện tử

Trước đây, người tiêu dùng nông thôn chỉ có thể mua bán qua kênh bán hàng truyền thống, tại phiên chợ hàng Việt về nông thôn, hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao... Tuy nhiên, khu vực nông thôn hiện nay có nhiều lợi thế do hạ tầng internet đang dần phổ biến, số lượng người sử dụng smartphone tăng nhanh, dẫn đến có một lực lượng tiềm năng những người dùng trẻ tuổi đang tiếp cận nhanh chóng với thương mại điện tử. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đang quan tâm đầu tư mạnh tay hơn để thúc đẩy thương mại điện tử nông thôn phát triển cho xứng với tiềm năng.

Theo bà Nguyễn Phương Nga, giám đốc kinh doanh cấp cao tại Kantar Worldpanel Việt Nam, thương mại điện tử đang tăng trưởng mạnh và trở thành cú hích lớn cho nhiều ngành hàng, đặc biệt tại nông thôn, nơi sinh sống của phần lớn dân số Việt Nam. Bà Nga cho rằng, nhờ sự phổ biến của các nền tảng số, người dân vùng nông thôn giờ có thể mua sắm dễ dàng chỉ với một cú click mua hàng sau khi lướt mạng hoặc xem livestream từ các tiệm tạp hóa gần nhà. Thương mại điện tử mang lại tiện lợi không chỉ cho người tiêu dùng mà cả các tiểu thương ở các địa phương khi tận dụng được livestream.

Bà Nguyễn Phương Nga đang chỉ ra sự dịch chuyển của thương mại điện tử hướng tới nông thôn

Bà Nguyễn Phương Nga đang chỉ ra sự dịch chuyển của thương mại điện tử hướng tới nông thôn

Thống kê từ Kantar năm 2024, trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) ở khu vực nông thôn, dù thu nhập chỉ bằng 60-70% thành phố, vẫn có tới 42% hộ gia đình (tương đương 17 triệu hộ) chọn mua sắm online. Tuy vậy, do thu nhập tại nông thôn thấp hơn dẫn đến khả năng chi trả chưa bằng thành phố và trình độ đánh giá sản phẩm còn hạn chế, khiến hàng kém chất lượng vẫn tiêu thụ được nhờ truyền miệng.

Dù kênh online và các siêu thị mini đang phát triển nhanh chóng, tiệm tạp hóa vẫn giữ vai trò "xương sống" trong hệ thống phân phối. Cụ thể, theo dự báo đến năm 2026 tại bốn thành phố lớn, kênh online sẽ chiếm khoảng 14% doanh số ngành hàng tiêu dùng nhanh, trong khi các tiệm tạp hóa vẫn nắm giữ 47%. Riêng tại nông thôn, tỉ lệ tiệm tạp hóa thậm chí lên đến 72%, khẳng định vị thế không thể thay thế của mạng lưới tiểu thương cửa hàng tạp hóa, lực lượng giữ nhịp mạch hàng hóa cho tiêu dùng nội địa.

Theo bà Nguyễn Phương Nga sự tăng trưởng của kênh online là do người tiêu dùng đang chuyển chi tiêu của mình từ kênh này sang kênh khác do thấy giá hấp dẫn hoặc mua sắm tiện lợi hơn… Cho nên nếu doanh nghiệp nhãn hàng hiểu được nguồn tăng trưởng cụ thể thì kênh online là rất quan trọng. Trước đây, có những sản phẩm ở nông thôn người dân không biết đến hoặc ít biết và không biết mua ở đâu nhưng hiện tại chỉ cần mở điện thoại lên là có thể biết là mua ở đâu, mua như thế nào…

Chẳng hạn với nhhóm ngành thực phẩm và đồ uống, 100 đồng online thì 56% được đến từ sự dịch chuyển từ kênh truyền thống khác và 44% đến từ các giá trị mới phát sinh nhờ online là do người tiêu dùng mua sản phẩm giá cao hơn, lượng mua nhiều hơn.

“Khi lên online có nhiều mặt hàng lựa hơn, có nhiều thông tin, thêm hiểu biết về các loại mặt hàng mới, ngoài ra còn tạo ra tâm lý sợ bỏ lỡ, sợ tăng giá, nên họ có thể mua nhiều hơn, đặc biệt là ở khu vực nông thôn thời gian gần đây cùng với các trào lưu livestream”, bà Nga nói.

Nói thêm về kinh nghiệm bán hàng thưởng mại điện tử, tại buổi hướng dẫn doanh nghiệp trong “Chương trình “Am hiểu & Thích ứng” do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao tổ chức, ông Phạm Trọng Chinh, Chuyên gia cao cấp về Hệ thống phân phối & Trade Marketing cho rằng hiện tại, cấu trúc của một kênh bán hàng ngày càng phức tạp hơn, đặc biệt là phương thức kinh doanh đa kênh O2O (Online to Offline) đã có mặt ở khắp nơi.

Hiện nay nhiều công ty không xem thương mại điện tử là một kênh độc lập vì thương mại điện tử đã phát triển ở các kênh. Kênh kênh phân phối qua nhiều cấp bậc từ nhà nhà phân phối, đại lý bán sỉ, bán lẻ nhưng hiện cũng đã có thương mại điện tử. Ngay cả các kênh bán lẻ hiện đại như ngay BigC, Co.opMart cũng có đến 15% doanh số đến từ online. Sự cạnh tranh thương mại điện tử sẽ chuyển dịch mạnh về nông thôn và cận thành thị khi chi phí tiếp cận ngày càng rẻ và tiềm năng tăng trưởng doanh số lớn với thành thị.

“Thị trường nông thôn là dư địa phát triển mới, các công ty phải cạnh tranh nhiều hơn, phải chinh phục thị trường này nhiều hơn”, ông Chinh nói.

Ngọc Hậu

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nong-thon-dang-la-thi-truong-tiem-nang-cua-thuong-mai-dien-tu-162727.html