Nông thôn mới: Hành trình chuyển từ lượng đến chất (Bài 2): Điểm nhấn cơ chế khuyến khích vì mục tiêu cao hơn
Khi quyết tâm chính trị đã được tạo lập, thì thách thức về nguồn vốn thực hiện Chương trình XDNTM lại trở thành bài toán khó. Đúng lúc ấy, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kịp thời những cơ chế, chính sách khuyến khích, đồng thời có kế hoạch phân bổ vốn làm cơ sở, tạo thêm động lực để các đơn vị liên quan và địa phương thực hiện.
Mô hình chuyển đổi từ sắn sang cây ăn quả theo tiêu chí “sản xuất” trong XDNTM ở xã Cẩm Thành (Cẩm Thủy) bước đầu phát huy hiệu quả. Ảnh: Linh Trường
Trợ lực kịp thời
Được xếp đầu tiên trong 6 chương trình trọng tâm mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, tỉnh sớm đề ra kế hoạch đến năm 2025, có 19 huyện, thị xã, thành phố; 88% số xã; 65% số thôn/bản miền núi; 60% số thôn/bản thuộc xã đặc biệt khó khăn trở lên đạt chuẩn NTM; trong đó, có 4 huyện và 40% số xã trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% số xã và 10% số thôn/bản trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Nhiệm vụ lớn, nhưng bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025 với nhiều chỉ tiêu, tiêu chí mới, với yêu cầu về chất lượng cao hơn rất nhiều.
Trong khi tất cả đang “loay hoay” tháo gỡ khó khăn, nhất là về vốn thực hiện chương trình thì tỉnh đã có những “trợ lực” cần thiết, tạo động lực cho các địa phương XDNTM. Đột phá nhất là HĐND tỉnh đã ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương để thực hiện XDNTM trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025. Trong đó, quy định cụ thể định mức hỗ trợ của ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh cho các xã và các huyện miền núi phấn đấu đạt chuẩn NTM và tỷ lệ vốn đối ứng của địa phương theo hướng tăng cường hỗ trợ cho các huyện, xã chưa đạt chuẩn NTM, các xã đạt dưới 15 tiêu chí. Đây là cơ chế hỗ trợ nhằm tạo điều kiện, kích cầu các địa phương hoàn thành các nội dung tiêu chí NTM, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa khu vực miền núi và đồng bằng.
HĐND tỉnh cũng ban hành Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND quy định cơ chế lồng ghép nguồn vốn trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, cơ chế huy động và sử dụng nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện các chương trình. Theo đó, nghị quyết đã quy định cụ thể về nguyên tắc và nội dung lồng ghép; nguồn vốn thực hiện lồng ghép; mức hỗ trợ, huy động và đóng góp vốn thực hiện các chương trình; quy trình thực hiện lồng ghép... Đồng thời, quy định cụ thể việc huy động nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện.
Đến tháng 9-2022, UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định số 3223/QĐ-UBND quy định danh mục loại dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 được áp dụng cơ chế đặc thù. Theo đó, những dự án được ưu tiên như: Đường giao thông thôn, bản phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; kiên cố hóa kênh mương; công trình thủy lợi nội đồng; trạm y tế xã và các công trình phụ trợ; công trình phục vụ nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân trên địa bàn xã, thôn, bản; nhà văn hóa của xã, thôn, bản và các công trình phụ trợ... Đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành trong việc ban hành thiết kế mẫu công trình đặc thù và hướng dẫn địa phương thực hiện quyết toán đối với dự án được áp dụng cơ chế đặc thù...
Khi bài toán nguồn vốn đầu tư và các chính sách, cơ chế hỗ trợ đi vào thực tiễn, các huyện đã triển khai phát triển hệ thống hạ tầng theo tiêu chí NTM mới ban hành. Hàng nghìn công trình dân sinh, công trình công cộng, hàng trăm mô hình sản xuất mới được phát triển ở các vùng quê trong tỉnh, góp phần phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống người dân. Tổng hợp từ Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, tổng huy động nguồn lực thực hiện Chương trình XDNTM các năm 2021, 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đạt 18.795.103 triệu đồng. Trong số đó, ngân sách các cấp phân bổ trực tiếp gần 10 tỷ đồng, còn lại là lồng ghép, huy động doanh nghiệp, HTX và Nhân dân đóng góp tiền của, công sức, giá trị hiến đất...
Hoàn thiện hạ tầng, nở rộ mô hình kinh tế
Từ năm 2021 đến nay, cùng với nguồn vốn Trung ương, tỉnh hỗ trợ, nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án và huy động các nguồn lực khác, các địa phương đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình XDNTM ngày càng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền. Hơn 3.600km đường giao thông nông thôn, gần 1.100km kênh mương và rãnh thoát nước; 339 công trình thủy lợi; gần 3.500 phòng học các cấp đã được cải tạo và xây dựng mới. Tiêu chí điện nông thôn cơ bản hoàn thiện với 1.682km đường điện, 418 trạm biến áp được kéo và lắp đặt. 85 trung tâm văn hóa, thể thao xã, 1.052 nhà văn hóa thôn được xây dựng mới cũng góp phần quan trọng để toàn tỉnh hoàn thiện các thiết chế văn hóa cơ sở. 92 chợ nông thôn, 105 trạm y tế xã, 46 công trình công sở xã, 97 công trình cấp nước sinh hoạt, 65 công trình bãi chứa rác thải tập trung, xử lý ô nhiễm môi trường đã giúp nhiều địa phương hoàn thiện các tiêu chí NTM. Ủng hộ và đồng hành cùng chương trình, người dân nông thôn trong tỉnh cũng bỏ kinh phí xây dựng mới và chỉnh trang trên 58.800 nhà ở dân cư, góp phần cải thiện diện mạo khang trang cho các vùng quê.
Đường giao thông thôn bản, nhà ở dân cư ở xã miền núi Ngọc Sơn (Ngọc Lặc) được xây dựng theo tiêu chí NTM.
Trong điều kiện nhiều khó khăn, thử thách, nhưng giai đoạn từ năm 2021 đến nay, Chương trình XDNTM trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa lại ghi dấu ấn đậm nét bởi những mô hình sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân. Tại các huyện miền núi thấp như Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Như Thanh, Như Xuân, nhiều mô hình trồng cây ăn quả được triển khai. Nhiều khu đất trồng cam, bưởi, dứa, thanh long, ổi, vải không hạt, nhãn chín sớm tại các huyện Thạch Thành, Như Xuân, Ngọc Lặc... còn được ký hợp đồng liên kết sản xuất để các doanh nghiệp thu mua sản phẩm làm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trái cây đang đầu tư xây dựng trên địa bàn.
Gắn với phát triển tiêu chí “sản xuất” trong XDNTM, lộ trình phát triển nông nghiệp ở các huyện miền núi cũng gắn với thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây có hiệu quả kinh tế thấp sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn. Các huyện Thạch Thành, Ngọc Lặc còn phát triển thành công các vùng lúa đặc sản của địa phương như nếp cái hạt cau, nếp cái hoa vàng. Khu vực miền núi thấp cũng chú trọng hơn việc xây dựng và phát triển mô hình trang trại chăn nuôi theo hướng tập trung, an toàn sinh học, trang trại chăn nuôi quy mô lớn công nghệ cao, xử lý nước thải tập trung bảo vệ và thân thiện với môi trường gắn với cơ sở giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp đã được khai thác theo chiều sâu với nhiều mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng, như lan kim tuyến, sa nhân tím, khôi tía, củ bình vôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tại các vùng đồng bằng của tỉnh, phong trào tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao phát triển mạnh. Từ đó, các huyện đều phát triển các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, quy mô lớn như: vùng lúa thâm canh, năng suất, chất lượng cao với tổng diện tích lên đến 101.500 ha; các vùng cây ăn quả tập trung 4.000 ha; vùng sản xuất rau quả trên 8.000 ha; vùng trồng hoa, cây cảnh tập trung chuyên canh 325 ha... Gần 3 năm qua, các địa phương cũng chuyển đổi gần 2.500 ha trồng lúa, mía kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhiều mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao và ngày càng được nhân rộng trên địa bàn như lúa - cá (Hà Trung), lúa - rươi (Nông Cống). Trong chăn nuôi, hình thức chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ thiếu kiểm soát dịch bệnh, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được giảm đáng kể. Thay vào đó là chuyển sang chăn nuôi trang trại tập trung, trang trại quy mô lớn, đảm bảo khoảng cách an toàn trong chăn nuôi theo quy định, gắn với bảo vệ môi trường và thân thiện với môi trường, chú trọng phát triển các sản phẩm chăn nuôi tạo giá trị gia tăng cao.
Mô hình sản xuất trong XDNTM góp phần quan trọng vào thành công chung của nền nông nghiệp tỉnh nhà. Mặc dù chịu tác động bất lợi của giá xăng dầu, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nhưng các năm 2021, 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất nông, lâm, thủy sản vẫn đạt kết quả khá. Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021-2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đạt trên 3,65%. Diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao 15.466 ha, toàn tỉnh chuyển đổi 5.304 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị cao hơn. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn toàn tỉnh năm 2022 đạt 37,52 triệu đồng, tăng 0,62 triệu đồng so với năm 2020 và đang tiếp tục tăng trong năm 2023.