Nông thôn mới với sức bật từ kinh tế nông nghiệp

Nông thôn Quảng Ngãi đang khoác lên mình 'chiếc áo mới' với những gam màu tươi sáng nhờ chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp đi đôi với xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm. Nhờ đó, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, địa phương cũng gặt hái được nhiều thành công trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Tính đến nay, Quảng Ngãi có 93/148 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 120/148 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 52/120 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Phát triển kinh tế hàng hóa

Để hoàn thành những mục tiêu đề ra, tỉnh đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp. Ngành nông nghiệp của tỉnh chú trọng hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình cụ thể về HTX liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là tại các khu vực miền núi theo hướng sử dụng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Tại xã bãi ngang ven biển đặc biệt khó khăn Bình Hải (huyện Bình Sơn) sau hơn 10 năm nỗ lực xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp nay đã có nhiều khởi sắc và chạm đích xã nông thôn mới. Điểm nhấn trong phát triển kinh tế nông thôn của xã là 80% hộ dân đang sống bằng nghề trồng hành.

Để thu hút được nhiều nông dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản, tiêu thụ hành tím bền vững, góp phần nâng cao thu nhập, xã đã thành lập HTX nông nghiệp Bình Hải vào năm 2018.

Hằng năm, HTX hướng dẫn người dân phát triển sản xuất hành trên diện tích khoảng 180ha, sản xuất 3 vụ/năm, trong đó có 20ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Quy trình trồng hành được kiểm soát nghiêm ngặt từ khâu chọn giống đến khâu chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển, bảo quản.

Nông thôn mới Quảng Ngãi có nhiều khởi sắc nhờ chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn.

Nông thôn mới Quảng Ngãi có nhiều khởi sắc nhờ chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn.

Bên cạnh đó, HTX còn hướng dẫn, khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, 100% hộ trồng hành, tỏi đã lắp đặt hệ thống tưới phun sương tự động. Cũng nhờ phương pháp tưới này mà người dân giảm được rất nhiều thời gian, chi phí và đặc biệt là góp phần tiết kiệm nước tưới trong sản xuất nông nghiệp.

Nhờ thực hiện sơ chế và liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp và các đầu mối mà mỗi năm, sản lượng 1,8 nghìn tấn có đầu ra tương đối ổn định. Đặc biệt sản phẩm hành tím VietGAP của HTX Bình Hải đã được công nhận OCOP 3 sao.

Nếu như trước đây, giá hành chỉ khoảng 20.000-25.000 đồng/kg, thì nay tăng lên 50.000 đồng/kg. Giá hành tím tăng cao, đời sống bà con cũng vì thế mà ngày càng đủ đầy, no ấm hơn.

HTX Bình Hải là một trong 227 HTX nông nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi hiện nay. Riêng năm 2022, tỉnh đã thành lập được 13 HTX. Các HTX đang là nhân tố quan trọng giúp Quảng Ngãi hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn như vùng sản xuất rau an toàn tập trung tại huyện Bình Sơn 82 ha, Sơn Tịnh 37 ha…, hay chuỗi chăn nuôi lợn thảo dược của HTX Chăn nuôi Tân Hòa Phú (huyện Nghĩa Hành), 600ha cây ăn quả ở huyện Nghĩa Hành...

Những mô hình này đang góp phần vào việc nâng thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Quảng Ngãi đạt khoảng 61 triệu đồng/năm.

Tiếp tục nâng cao thu nhập

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp giúp kinh tế nông thôn của tỉnh Quảng Ngãi có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh đã chuyển hàng nghìn ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, dồn điền đổi thửa xây dựng nhiều cánh đồng lớn đạt hiệu quả kinh tế cao, từ đó thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành nông nghiệp địa phương, hiện nay, các loại cây trồng có lợi thế cạnh tranh và có khả năng tăng giá trị gia tăng như lúa, bắp và hành, tỏi Lý Sơn... nhưng lại không đủ diện tích để xây dựng cánh đồng lớn. Diện tích cây trồng bảo đảm an toàn thực phẩm, chứng nhận VietGAP chưa đủ lớn để hình thành vùng sản xuất hàng hóa an toàn nên khó thu hút doanh nghiệp.

Ông Phạm Văn Dậy, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phổ Thuận (thị xã Đức Phổ) cho biết việc mở rộng diện tích nông sản an toàn của HTX còn gặp nhiều khó khăn vì muốn sản xuất lớn phải thực hiện cơ giới hóa. Tuy nhiên, chi phí đầu tư lớn là lực cản đối với HTX.

“Việc khó phát triển theo hướng hàng hóa hiện đại khiến mục tiêu nâng cao thu nhập cho thành viên, người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới bị ảnh hưởng”, ông Dậy nói.

Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh, muốn xây dựng nông thôn mới hiệu quả, nông dân phải có thu nhập cao, ổn định và làm giàu bằng các sản phẩm nông nghiệp do mình làm ra. Đây là mấu chốt trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Quảng Ngãi.

Thời gian qua, người dân đã được định hướng chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sản xuất cái thị trường cần thông qua các chuỗi giá trị hàng hóa nhưng vẫn còn gặp những khó khăn nhất định.

Trước thực trạng này, ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ người dân, thành viên HTX phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế theo phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị, Quảng Ngãi đang tập trung đứng ra làm khâu trung gian trong việc hỗ trợ người dân, HTX tạo thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Theo đó, nếu được “cầm tay chỉ việc”, thời gian tới, nhiều người dân, thành viên HTX sẽ thay đổi nhận thức, tư duy và tự vươn lên thoát nghèo, nâng cao được thu nhập thông qua những mô hình sản xuất bền vững.

Bên cạnh đó, hiện khả năng huy động nguồn lực trong nhân dân, HTX không nhiều. Chính vì vậy, Quảng Ngãi đang tập trung mọi nguồn lực để người dân, thành viên HTX có thể tiếp cận với một số nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX hay từ Hội nông dân… để chủ động khắc phục khó khăn, vươn lên trong sản xuất hàng hóa.

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/nong-thon-moi-voi-suc-bat-tu-kinh-te-nong-nghiep-1091655.html