Nông thôn mới | Xã Hội | Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Nhớ lại cách đây hơn 10 năm khi huyện Than Uyên bước vào công cuộc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) với bao khó khăn. Đảng bộ, chính quyền huyện đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thu hút mọi nguồn lực xã hội và nòng cốt là Nhân dân đồng sức, đồng lòng thực hiện xây dựng NTM theo đúng phương châm 'Nhà nước và Nhân dân cùng làm'. Nhờ đó, đến nay bộ mặt kinh tế - xã hội của huyện đã thay đổi, quê hương cách mạng Than Uyên ngày càng phát triển khởi sắc.
Đến bản Chít, xã Phúc Than những ngày giữa tháng 9, dưới cái nắng oi ả ở miền đất gió làm nhiệt độ nóng hơn. Trên những cánh đồng bà con vẫn tích cực lao động, chăm sóc lúa, cây màu. Đường vào bản được đổ bê tông sạch đẹp; đường nội đồng được đổ bê tông nối liền với nhau, thuận lợi cho đi lại, vận chuyển nông sản. Vòng quanh bản, chúng tôi quan sát thấy có nhiều ngôi nhà sàn được xây dựng khang trang, sạch sẽ, không còn nhà dột nát. Dưới gầm sàn mỗi gia đình đều có 2-3 chiếc xe máy; nhiều hộ đã sắm được các vật dụng như: tủ lạnh, ti vi kết nối mạng phục vụ đời sống hàng ngày.
Ông Lò Văn Hè - Bí thư Chi bộ bản Chít chia sẻ: “Thực hiện xây dựng NTM, bản nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia, xây dựng cảnh quan khu dân cư; di dời chuồng nuôi gia súc xa nơi ở, làm nhà vệ sinh, đảm bảo vệ sinh môi trường. Tích cực vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa tập trung đáp ứng nhu cầu thị trường và đem lại hiệu quả kinh tế. Thông qua chương trình NTM và các chương trình, dự án về giảm nghèo xã cấp cây, con giống, máy móc cho người dân; các tổ chức hội từ xã, tới bản ký kết với ngân hàng hỗ trợ người dân vay vốn để đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Có được khởi sắc tích cực như ngày hôm nay phần lớn từ chương trình xây dựng NTM. Hệ thống nước sinh hoạt, nhà văn hóa, đường, điện… được đầu tư xây dựng, nâng cấp kiên cố, khang trang; các thiết bị âm thanh tại nhà văn hóa được sắm sửa đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân mỗi dịp lễ, tết hoặc sinh hoạt thường kỳ mỗi tháng. Đến nay, bản chỉ còn 13/137 hộ nghèo”.
Đồng chí Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Phúc Than cho biết: Cuối năm 2018 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM, đem “luồng sinh khí mới” tới người dân trên địa bàn. Giờ đây, bà con đang tích cực phát triển sản xuất theo hướng xây dựng các mô hình kinh tế tổng hợp, liên kết theo chuỗi giá trị, hướng tới xây dựng mỗi xã một sản phẩm OCOP. Những mô hình kinh tế tổng hợp như: bò sinh sản ở Nậm Sáng, bò vỗ béo ở 2 bản: Nậm Ngùa, Nà Phái; lợn của Hợp tác xã Hồng Nhung, Hợp tác xã Minh Thuận đang phát triển và cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Cơ sở hạ tầng được đầu tư, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người tăng đều: từ 29 triệu đồng/người/ năm (năm 2019) lên 33 triệu đồng/người/năm (năm 2020), phấn đấu cuối năm 2021 đạt 36 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn 9,16%; khoảng 95% đường giao thông liên bản được bê tông hóa; tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 79%; tỷ lệ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 97%. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên”.
Pha Mu là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện, xã cách trung tâm huyện gần 30km. Xã có 5 bản/186 hộ dân là đồng bào dân tộc Thái, Mông sinh sống. Bộ mặt nông thôn của xã đã “thay da đổi thịt”, đến nay, xã đạt được 15/19 tiêu chí NTM; dự kiến cuối năm 2021 thu nhập bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 12%. Thời gian tới, xã tập trung các giải pháp, nguồn lực hoàn thành 4 tiêu chí: thông tin và truyền thông, thu nhập, nhà ở dân cư, hộ nghèo; phấn đấu cuối năm 2021 xã đạt chuẩn NTM.
Được biết, đóng vai trò cốt lõi của sự thành bại trong thực hiện chương trình xây dựng NTM đó là người dân. Vì vậy, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi”, huyện Than Uyên đã đẩy mạnh tuyên truyền tới Nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước gắn với chương trình xây dựng NTM để người dân hiểu cùng chung sức, đồng lòng với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Từ chương trình NTM, đến nay, toàn huyện đã có hơn 699km đường giao thông nông thôn được cứng hóa; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; trên 99,1% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia thường xuyên. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 37,1 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,98%. 7/11 xã đạt chuẩn NTM: Mường Cang, Phúc Than, Mường Kim, Ta Gia, Mường Mít, Hua Nà, Mường Than. Chất lượng các tiêu chí được duy trì và từng bước nâng lên.
Ông Lò Văn Hương - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Phấn đấu đến năm 2025 huyện đạt chuẩn NTM, ngay từ đầu nhiệm kỳ huyện đã xây dựng lộ trình cụ thể từng năm và xác định các chỉ tiêu cần thực hiện. Trên cơ sở đó, tổ chức thực hiện với cách thức, cách làm “rõ người, rõ việc, rõ địa chỉ” để từ đó các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn có cơ sở để tuyên truyền, vận động người dân và triển khai thực hiện. Huyện chú trọng duy trì và phát triển các tiêu chí tại các xã đã đạt chuẩn NTM, trong đó tập trung vào các tiêu chí đạt thấp như: hộ nghèo, thu nhập. Để nâng cao các tiêu chí đã đạt và duy trì xã đạt chuẩn NTM, thông qua các chủ trương về phát triển nông nghiệp, chương trình giảm nghèo, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, huyện hỗ trợ giống lúa, cây trồng, triển khai các mô hình liên kết như nuôi ong cho người dân. Đồng thời, thu hút và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển kinh tế theo mô hình trang trại, gia trại. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng thực hiện chương trình NTM trên địa bàn, phấn đấu đạt huyện chuẩn NTM theo lộ trình đề ra”.