Nông thôn thêm mới
Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), các miền quê trong tỉnh đã khoác lên diện mạo mới, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng được nâng cao. Hiện nhiều xã tiếp tục hướng đến chuẩn nông thôn mới NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Năm 2014, Mỹ Bằng (Yên Sơn) là 1 trong 7 xã đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Không bằng lòng với kết quả đã đạt được, cán bộ và nhân dân Mỹ Bằng chung sức, đồng lòng bước vào cuộc đua mới, với đích đến nông thôn mới nâng cao, tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu.
Đồng chí Lý Văn Huynh, Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng cho biết, xác định phát triển kinh tế là cốt lõi để nâng cao đời sống người dân và là đòn bẩy để thực hiện các tiêu chí khác, xã không ngừng khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đóng trên địa bàn, các tổ hợp tác, người dân đầu tư phát triển kinh tế trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Chuỗi liên kết sản xuất chè xuất khẩu giữa Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm và người dân xã Mỹ Bằng đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Ông Lê Quang Chuyền, Giám đốc Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm cho biết, năm 2015, công ty thực hiện mô hình liên kết sản xuất chè nguyên liệu với các nhóm hộ có diện tích chè gần nhau. Theo hợp đồng, công ty sẽ hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật canh tác, đổi lại đến kỳ thu hoạch người làm chè sẽ bán lại sản phẩm cho công ty. Hiện tại công ty đang liên kết sản xuất 60 tổ, với trên 400 hộ, gần 900 ha chè.
Ông Vũ Hải Bảy, thôn Thọ Bằng, xã Mỹ Bằng cho biết, liên kết với công ty chè, ông không phải quá tốn kém về chi phí mua vật tư sản xuất cho đầu vào và lo lắng tìm đầu ra cho sản phẩm nữa. Công ty có tổ thu hái chè bằng máy, sau khi trừ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, số chè còn lại gia đình ông Bảy được lĩnh về. Theo ông Bảy, từ năm 2018 đến nay, trung bình mỗi năm gia đình thu về 150 triệu đồng tiền bán chè cho công ty, tăng 15 - 20 triệu đồng so với trước khi chưa liên kết.
Liên kết sản xuất chè xuất khẩu, chuỗi sản xuất chè đặc sản, chuỗi cung ứng thức ăn chăn nuôi bò sữa, chuỗi chăn nuôi gà thịt chất lượng cao cũng đã hình thành thu hút hàng trăm hộ tham gia. Sản xuất phát triển, nhiều việc làm được tạo ra, thu nhập của người dân tăng lên đáng kể. Bình quân thu nhập đầu người của xã Mỹ Bằng đạt 46 triệu đồng/người/năm, tăng gần gấp đôi so với thời kỳ đầu cán đích NTM.
Kể từ khi đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều tiêu chí của xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) đã được nâng cao hơn rất nhiều. Tỷ lệ đường nội đồng được bê tông đạt trên 70%; 100% xóm đạt tiêu chí văn hóa; bà con đã đóng góp 190 triệu đồng “phủ sáng” 7.000 m đường nông thôn; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng/người/năm. Tràng Đà là địa phương đầu tiên của tỉnh đầu tư lắp đặt camera giám sát do nhân dân đóng góp kinh phí, góp phần đấu tranh phòng ngừa tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Đồng chí Vũ Thị Thu Hoài, Chủ tịch UBND xã cho rằng, thành quả đó có công sức rất lớn của người dân - chủ thể xây dựng NTM. Người dân tích cực chủ động từ những việc giản đơn nhất như công tác vệ sinh môi trường, cải tạo sân vườn, chỉnh trang nhà ở đến đóng góp công, của xây dựng các công trình lớn như nhà văn hóa, đường giao thông...
Khắp các thôn, xóm từ xã Thái Bình, Mỹ Bằng (Yên Sơn) đến Tràng Đà (TP Tuyên Quang)... điều dễ dàng nhận thấy là những con đường luôn được giữ gìn sạch đẹp và rực rỡ sắc hoa; những ngôi nhà khang trang, kiên cố được xây dựng theo đúng quy hoạch; những vườn mẫu được hình thành, tạo không gian sống trong lành, trù phú.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, thôn 6, xã Thái Bình (Yên Sơn) phấn khởi cho biết, nông thôn mới giúp ông thay đổi tư duy sản xuất cũng như nếp sống. Trước vườn rộng, những người nông dân như ông xả rác vô tư. Giờ thì khác rồi, rác được phân loại, xử lý ngay tại hộ vì thế môi trường sạch hơn rất nhiều. Riêng đối với phát triển kinh tế, lựa chọn những cây, con có tiềm năng, lợi thế để đầu tư sản xuất.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND xã Thái Bình (Yên Sơn) khẳng định, chương trình NTM không những làm đổi thay bề ngoài, tạo môi trường sống tốt nhất cho cư dân nông thôn mà hơn hết còn trao niềm tin, truyền khát vọng, tạo cơ hội để người dân vươn lên. Trong 10 năm xây dựng nông thôn mới, hàng chục dự án sản xuất lớn, nhỏ như dự án nuôi bò sinh sản, gà đồi, cải tạo vườn nhãn... với số vốn lên đến vài chục tỷ đồng đã được triển khai.
Đánh giá của Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, tại 3 xã Mỹ Bằng, Thái Bình (Yên Sơn) và Tràng Đà (TP Tuyên Quang) đã đạt đủ các tiêu chuẩn về NTM nâng cao. Trong đó, có nhóm tiêu chí tưởng chừng rất khó như môi trường, thu nhập cũng đã đạt được những thành công ngoài mong đợi.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Nguyễn Văn Việt khẳng định, xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Thành công hôm nay tiếp tục mở ra chặng đường mới để Tuyên Quang nâng số xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, hướng tới mục tiêu nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có trên 68% số xã đạt chuẩn xã NTM, trong đó có ít nhất 30% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; không còn xã dưới 10 tiêu chí. Có thêm ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Một mùa xuân mới lại về mang theo bao khát vọng xây dựng những miền quê giàu mạnh, văn minh, đậm đà bản sắc văn hóa, trở thành những miền quê đáng sống.