Nóng trong tuần: Mỹ, Pháp thoát nguy cơ đóng cửa chính phủ; Tướng cấp cao Nga bị ám sát

Trong tuần qua, truyền thông thế giới đã đưa đậm về thông tin Mỹ và Pháp tránh được tình trạng đóng cửa chính phủ, Tổng thống Nga Vladimir Putin họp báo cuối năm, thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng tại Pháp và Vanuatu.

Mỹ, Pháp thoát rủi ro đóng cửa chính phủ

Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật sửa đổi nhằm ngăn chặn nguy cơ chính phủ đóng cửa một phần lần đầu tiên kể từ năm 2019, đe dọa gây gián đoạn nhiều hoạt động. Thượng viện thông qua dự luật vào nửa đêm 20/12 (giờ địa phương) với số phiếu 85/11. Trước đó, Hạ viện Mỹ vào chiều tối cùng ngày cũng thông qua với tỷ lệ phiếu áp đảo 366/34.

Kết quả này đã giúp giảm xoa dịu lo lắng của khoảng 800.000 nhân viên liên bang đang có nguy phải trở về nhà trong kỳ nghỉ Giáng sinh mà không được trả lương.

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson khẳng định rằng Quốc hội sẽ "thực hiện nghĩa vụ" và ngăn không để hoạt động liên bang “đóng băng” trước kỳ nghỉ Đông. Lãnh đạo phe đa số Dân chủ Chuck Schumer đã nói với Thượng viện: “Tin vui là cuối cùng cách xử lý của lưỡng đảng đã giành ưu thế... Đây là kết quả tốt đẹp cho nước Mỹ và người dân Mỹ”.

Dự luật này gia hạn cấp ngân sách cho hoạt động của chính phủ cho đến ngày 14/3 và cung cấp 100 tỷ USD cho các tiểu bang bị thiên tai cùng 10 tỷ USD cho nông dân. Dự luật này cũng gia hạn các chương trình viện trợ nông nghiệp và lương thực dự kiến sẽ hết hạn vào cuối năm.

Chủ tịch Hạ viện Johnson bổ sung rằng Tổng thống đắc cử Trump "chắc chắn cũng rất vui mừng về kết quả này". Chính phủ liên bang đã chi khoảng 6,2 nghìn tỷ USD vào năm ngoái và gánh hơn 36 nghìn tỷ USD nợ. Đáng chú ý, ông Trump tuyên bố sẽ cắt giảm ngân sách liên bang và sa thải hàng nghìn nhân viên nhà nước khi nhậm chức vào tháng 1 tới.

Tương tự Mỹ, trong tuần vừa qua cũng có một quốc gia tránh được tính trạng phải đóng cửa chính phủ, đó là Pháp. Hạ viện Pháp, đã thông qua luật đặc biệt có mục đích chính là duy trì các chức năng cốt lõi của nhà nước và ngăn chặn gián đoạn dịch vụ công.

Diễn biến này xảy ra 3 ngày sau khi Tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm ông Francois Bayrou làm thủ tướng thứ tư trong năm 2024. Hiến pháp Pháp cho phép thông qua luật đặc biệt tại quốc hội để đảo ngược các điều khoản tăng thuế và chi tiêu trong ngân sách hiện tại, nhằm đảm bảo không đóng cửa chính phủ trong trường hợp chưa có dự luật ngân sách phù hợp.

Luật này sẽ chỉ đóng vai trò như một giải pháp tạm thời cho đến khi quốc hội Pháp thông qua dự luật ngân sách phù hợp cho năm tới do chính phủ Thủ tướng Bayrou soạn thảo, nhiều khả năng là vào đầu năm 2025. Luật phải được ban hành trước ngày 31/12 để đảm bảo các dịch vụ công không bị gián đoạn.

Lộ trình chuyển tiếp của Syria

Người dân bán hàng trên đường phố Damascus, Syria. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân bán hàng trên đường phố Damascus, Syria. Ảnh: THX/TTXVN

Hơn 10 ngày sau khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ, cuộc sống ở Syria đang dần ổn định trở lại bình thường. Máy bay thương mại bắt đầu cất cánh, trường học đón học sinh trở lại. Trong khi đó, chính quyền mới của Syria đang bận rộn cho quá trình chuyển tiếp. Bên cạnh đó, Liên hợp quốc (LHQ) và nhiều quốc gia ngỏ ý muốn hỗ trợ quá trình chuyển tiếp của Syria.

Các trường học tại Syria đã mở cửa trở lại vào ngày 15/12. Chuyến bay nội địa đầu tiên ở Syria kể từ khi Tổng thống al-Assad bị lật đổ, đã cất cánh từ sân bay Damascus đến Aleppo hôm 18/12 với 43 người trên máy khoang, bao gồm một nhóm nhà báo.

Cựu Tổng thống al-Assad cũng đã lên tiếng công khai đầu tiên kể từ khi rời khỏi Syria. Trong tuyên bố được đăng tải trên kênh Telegram của phủ tổng thống Syria ngày 16/12, ông Assad cho biết việc rời Syria không phải là có kế hoạch từ trước. Ông khẳng định đã ở lại Damascus, thực hiện nhiệm vụ của mình cho đến những giờ đầu tiên của ngày 8/12.

Lực lượng đối lập, do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu, đã đột ngột tấn công vào các thành phố do chính phủ nắm giữ vào tuần cuối tháng 11. Lực lượng này đã có mặt tại Damascus vào rạng sáng 8/12 và thông báo về hồi kết của chính quyền Tổng thống al-Assad tại Syria.

Ngày 17/12, ông Murhaf Abu Qasra - lãnh đạo quân sự của HTS – tuyên bố nhóm này sẽ tiêu phong giải tán đơn vị vũ trang để sáp nhập vào quân đội quốc gia. HTS đã cam kết thành lập một chính phủ chuyển tiếp tôn trọng tất cả các nhóm sắc tộc và phe phái chính trị của Syria. Bên cạnh đó, lực lượng đối lập sẽ trao quyền kiểm soát cho một chế độ dân sự vào tháng 3/2025.

Xem video chợ Giáng sinh mở tại thủ đô Damascus ngày 19/12 (nguồn: Reuters):

Trong diễn biến liên quan, cộng đồng quốc tế đang thể hiện sẵn sàng hỗ trợ quá trình chuyển giao chính trị tại Syria. Các quốc gia Arab ngày 14/12 cam kết ủng hộ tiến trình chuyển tiếp chính trị ở Syria, đồng thời tuyên bố sẽ phối hợp với LHQ để tạo điều kiện thuận lợi cho người tị nạn Syria được trở về an toàn.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 20/12 ngỏ ý rằng Ankara sẽ hỗ trợ quá trình chuyển tiếp của Syria và đóng góp vào sự phục hồi và ổn định của đất nước này. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ lưu ý rằng nước này và Syria có thể hợp tác trên nhiều lĩnh vực, bao gồm quốc phòng, giáo dục và năng lượng. Ngoài ra, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan sẽ sớm tới thăm Syria để thảo luận về việc tạo ra một "khuôn khổ hợp tác" cho tương lai của Syria.

Đặc phái viên LHQ về Syria, ông Geir Pedersen, đã tiếp xúc với lãnh đạo HTS, ông Abu Mohammed al-Jolani (tên thật là Ahmed al-Sharaa), và Thủ tướng Chính phủ chuyển tiếp Syria, ông Mohammad al-Bashir. Trong cuộc gặp diễn ra ở Damascus, ông Pedersen thông báo việc LHQ sẽ cung cấp hỗ trợ cho người dân Syria, đồng thời nhấn mạnh Syria cần có một tiến trình chuyển giao toàn diện và tin cậy, với sự tham gia của tất cả các lực lượng chính trị, kinh tế, xã hội và tôn giáo.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Trung Đông Barbara Leaf đã dẫn đầu phái đoàn các nhà ngoại giao Mỹ đến Damascus và gặp gỡ thủ lĩnh của HTS al-Sharaa. Bà Barbara Leaf cho biết ông Sharaa đã đảm bảo trong cuộc họp ở Damascus rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm khủng bố khác sẽ không được phép hoạt động trên lãnh thổ Syria. Bà Leaf cũng tiết lộ rằng Mỹ sẽ xóa treo thưởng mà nước này đưa ra, trị giá 10 triệu USD cho việc bắt giữ ông al-Sharaa. Bà lập luận rằng khoản tiền thưởng sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực đàm phán với thủ lĩnh HTS.

Tổng thống Nga họp báo, Tướng quân đội bị ám sát

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trả lời hơn 70 câu hỏi trong cuộc họp báo cuối năm kéo dài 4 tiếng 26 phút. Năm nay sự kiện vẫn kết hợp với hình thức giao tiếp cùng người dân thông qua “Đường dây trực tiếp”. Xung đột Nga-Ukraine là một trong những chủ đề chính. Năm nay, người Nga ít quan tâm đến các chủ đề quốc tế và hầu hết các câu hỏi về chính sách đối ngoại đều do các nhà báo đặt ra, chủ yếu từ phương tiện truyền thông phương Tây. Người dân Nga bận tâm nhiều hơn đến các vấn đề trong nước như: kinh tế, lĩnh vực xã hội, giao thông và chăm sóc sức khỏe.

Trong sự kiện ngày 19/12, ông Putin khẳng định kinh tế Nga hiện nay là ổn định và bền vững. Theo người đứng đầu nước Nga, trong hai năm qua nền kinh tế Nga đã tăng trưởng khoảng 8%, được đánh giá là nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới về sức mua tương đương và vượt qua tất cả các nền kinh tế châu Âu. Dù lạm phát vẫn đang là vấn đề báo động ở mức 9,3%, song tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục 2,3%, công nghiệp tăng trưởng 4,4%, công nghiệp chế biến tăng trưởng 8%. Về tổng thể, Tổng thống Putin đánh giá Chính phủ Nga đã hoạt động thành công, xây dựng được các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển và có tầm nhìn tương lai.

Nhà lãnh đạo Nga tái khẳng định Moskva sẵn sàng đàm phán với chính quyền hợp pháp tại Kiev mà không cần điều kiện tiên quyết, đồng thời chỉ trích phương Tây vì đã ngăn cản cơ hội hòa bình với thỏa thuận Istanbul năm 2022. Tổng thống Putin cũng nói rằng gần 3 năm qua là bài kiểm tra nghiêm khắc với cả ông và nước Nga.

Phiên hỏi đáp dài nhất từng được ghi nhận của Tổng thống Putin là vào năm 2013, khi cuộc trò chuyện trực tiếp của nhà lãnh đạo Nga với người dân kéo dài 4 tiếng 47 phút và có hơn 3 triệu câu hỏi. Năm 2008, ông Putin đã lập kỷ lục khi trao đổi với các nhà báo và trả lời hơn 100 câu hỏi trong 4 tiếng 40 phút. Lần này, phiên hỏi đáp của Tổng thống Putin đã nhận được khoảng 2,5 triệu câu hỏi. Năm nay, trí tuệ nhân tạo (AI) lần đầu tiên được sử dụng trong việc thu thập và xử lý câu hỏi.

Trung Tướng Igor Kirillov. Ảnh: TASS/TTXVN

Trung Tướng Igor Kirillov. Ảnh: TASS/TTXVN

Trong một diễn biến khác đáng quan tâm tại Nga trong tuần qua, Ủy ban điều tra Liên bang Nga vào ngày 17/12 xác nhận một thiết bị nổ tự chế điều khiển từ xa gắn vào xe điện đỗ gần lối vào tòa chung cư đã khiến Tư lệnh Lực lượng phòng vệ Phóng xạ, Hóa học và Sinh học Nga - Trung tướng Igor Kirillov và trợ lý tử nạn. Vị tướng 54 tuổi này đảm nhận cương vị lãnh đạo Lực lượng phòng vệ Phóng xạ, Hóa học và Sinh học Nga từ năm 2017. Ông Igor Kirillov được chú ý với vai trò là quan chức quân sự thường xuyên công bố báo cáo cáo buộc Ukraine cùng Mỹ sử dụng vũ khí hóa học trong xung đột với Nga.

Đến ngày 18/12, Ủy ban điều tra Liên bang Nga cho biết đã bắt giữ một nghi phạm trong vụ nổ, đó là công dân Uzbekistan Ahamd Kurbanov sinh năm 1995. Đối tượng này đã thừa nhận được cơ quan mật vụ nước ngoài tuyển mộ và đã đến Moskva để thực hiện vụ tấn công.

Bão lớn tại Pháp, Vanuatu rung chuyển vì động đất

Người dân sơ tán khỏi các tòa nhà khi xảy ra động đất ở Port Vila, Vanuatu, ngày 17/12. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân sơ tán khỏi các tòa nhà khi xảy ra động đất ở Port Vila, Vanuatu, ngày 17/12. Ảnh: THX/TTXVN

Ba ngày sau trận động đất dữ dội độ lớn 7,3 xảy ra tại Vanuatu, vẫn chưa thể xác định chính xác con số thương vong. Trận động đất đã gây ra thiệt hại to lớn đối với Vanuatu. Nhiều bệnh viện, tòa nhà bị đổ sập. Mạng lưới truyền thông ở nhiều khu vực cũng bị cắt đứt.

Theo LHQ, thiệt hại tập trung ở khu vực trung tâm thành phố Port Vila. Đến nay, đã ghi nhận 12 người tử vong và hơn 200 người bị thương, tuy nhiên, con số dự kiến sẽ tăng lên. Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), hơn 1.000 người đã phải di dời. Chính phủ Vanuatu đã buộc chính phủ phải ban bố tình trạng khẩn cấp trong 7 ngày kể từ trận động đất hôm 17/12.

Nỗ lực cứu trợ bị cản trở bởi đường sá bị chặn, kẹt xe và thông tin liên lạc không đồng đều. Dự báo mưa trong vài ngày tới có thể làm trầm trọng thêm tình trạng lở đất do trận động đất gây ra.

Hiện nhiều nước đã cử lực lượng hỗ trợ đến Vanuatu. Hơn 100 người từ Australia và New Zealand cùng thiết bị cứu hộ, chó và hàng cứu trợ, đã đến Port Vila bằng máy bay vận tải quân sự. Các đội cứu hộ của Pháp cũng đã tham gia tìm kiếm người sống sót. Người dân Vanuatu cùng lực lượng hỗ trợ địa phương cũng tham gia công tác tìm kiếm và cứu hộ.

Chuyên gia nước sạch, vệ sinh môi trường và sức khỏe cá nhân của UNICEF tại Vanuatu Brecht Mommen cho biết nguy hiểm lớn nhất hiện nay là tình trạng lây lan bệnh tật từ những người uống phải nước bị ô nhiễm.

Cảnh đổ nát sau khi bão Chido quét qua lãnh thổ hải ngoại Mayotte của Pháp, ngày 15/12. Ảnh: Reuters/TTXVN

Cảnh đổ nát sau khi bão Chido quét qua lãnh thổ hải ngoại Mayotte của Pháp, ngày 15/12. Ảnh: Reuters/TTXVN

Cũng trong tuần này, Pháp đã phải hứng chịu Chido - cơn bão tồi tệ nhất tấn công vùng lãnh thổ hải ngoại Mayotte của Paris ở Ấn Độ Dương, trong 90 năm qua.

Chido phát triển từ một vùng áp thấp nhiệt đới ở lưu vực Đông Nam Ấn Độ Dương từ ngày 7 đến ngày 8/12. Sau đó, Chido mạnh lên thành bão và đổ bộ vào Mayotte, quần đảo có 320.000 người sinh sống, vào sáng 15/12 với sức gió hơn 220km/h. Mặc dù Mayotte nằm ở Ấn Độ Dương nhưng đây là vùng lãnh thổ của Pháp và nằm dưới sự quản lý trực tiếp của Paris.

Chido cực kỳ mạnh. Nó tương đương với cơn bão cấp 4 khi đổ bộ vào Mayotte. Ngày 19/12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến thị sát Mayotte để đánh giá thiệt hại do cơn bão Chido gây ra. Nhà lãnh đạo Pháp cam kết thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả của bão Chido. Tổng thống Macron cũng tuyên bố ngày 22/12 sẽ là ngày quốc tang tại Pháp để tưởng niệm những nạn nhân xấu số bị ảnh hưởng bởi cơn bão. Bão Chido đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 31 người, khiến 2.500 người bị thương.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Aljazeera, Guardian, Reuters, CNN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nong-trong-tuan-my-phap-thoat-nguy-co-dong-cua-chinh-phu-tuong-cap-cao-nga-bi-am-sat-20241221192940433.htm