Nóng trong tuần: Phát động 'Bình dân học vụ số'; công tác thi và tuyển sinh 2025
Phát động 'Bình dân học vụ số'; hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT; triển khai công tác thi, tuyển sinh là thông tin giáo dục nổi bật tuần qua.

Nghi thức phát động phong trào “Bình dân học vụ số” và công bố nền tảng “Bình dân học vụ số”.
Lễ phát động phong trào và ra mắt nền tảng “Bình dân học vụ số”
Chiều 26/3, tại ĐH Bách khoa Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tổ chức Lễ phát động phong trào và ra mắt nền tảng “Bình dân học vụ số”.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo, các đại biểu đã thực hiện nghi thức phát động phong trào và ra mắt nền tảng "Bình dân học vụ số" tại địa chỉ https://binhdanhocvuso.gov.vn/.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đây là một nhiệm vụ quan trọng nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hưởng ứng và thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về học tập suốt đời và triển khai phong trào "Bình dân học vụ số".
Thủ tướng đề nghị tập trung thực hiện "Một mục tiêu, hai phát huy, ba bảo đảm, bốn nhiệm vụ trọng tâm" trong triển khai phong trào.
Một mục tiêu là phổ cập tri thức, kỹ năng số cơ bản cho mọi người dân với tinh thần cách mạng, toàn dân, toàn diện, bao trùm, sâu rộng, không ai bị bỏ lại phía sau.
Hai phát huy gồm: Phát huy và huy động tổng thể, có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước, của xã hội, của doanh nghiệp và của toàn dân; phát huy truyền thống văn hóa, hiếu học, tinh thần học tập suốt đời, khát vọng vươn lên của con người Việt Nam.
Ba bảo đảm là: Bảo đảm các cơ chế, chính sách thông thoáng, phù hợp để triển khai phong trào thiết thực, hiệu quả; bảo đảm thông suốt về hạ tầng, tính đồng bộ, tính liên kết, tính linh hoạt, không hình thức, màu mè và đúng đối tượng; bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tăng cường công khai minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo.
Bốn nhiệm vụ trọng tâm gồm: Nhiệm vụ xây dựng hệ sinh thái học tập số (phát triển nền tảng học tập số toàn dân, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn); nhiệm vụ xây dựng cơ chế khuyến khích và tạo động lực học tập (đưa kỹ năng số vào hệ thống đánh giá lao động, tuyển dụng, ưu đãi cho đối tượng yếu thế, khuyến khích doanh nghiệp tham gia); nhiệm vụ xây dựng và nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên số (phát triển đội ngũ giảng viên, tình nguyện viên số, huy động lực lượng đoàn viên, hội viên tham gia); nhiệm vụ xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả (xây dựng cơ chế đánh giá; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền; thực hiện giám sát độc lập từ tổ chức xã hội, báo chí và cộng đồng để bảo đảm tính minh bạch).
Để thực hiện thành công phong trào "Bình dân học vụ số" với những quyết tâm, kỳ vọng và quan điểm, mục tiêu nêu trên, Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt người đứng đầu, cần tiên phong nâng cao năng lực số, thúc đẩy chuyển đổi số tại địa phương và cơ quan, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, gắn kết với cải cách hành chính và phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện để người dân tiếp cận kỹ năng số, dịch vụ, nền tảng số, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, động lực của chuyển đổi số.
Thủ tướng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp, doanh nhân, các cơ sở giáo dục, các nhà khoa học, các tổ chức, cộng đồng, tất cả mọi người cùng chung tay tích cực hưởng ứng phong trào có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2025
Ngày 24/3, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 1239/BGDĐT-QLCL về hướng dẫn một số nội dung tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Theo đó, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được tổ chức vào các ngày 25, 26, 27, 28/6/2025. Trong đó: Ngày 25/6/2025 làm thủ tục dự thi; ngày 26, 27/6/2025 tổ chức coi thi; ngày 28/6/2025 dự phòng.
Thí sinh sẽ bắt đầu đăng ký dự thi từ 21/4 đến 17 giờ ngày 28/4. Việc đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến. Cũng trong khoảng thời gian này, các đơn vị đăng ký dự thi (do Sở GD&ĐT quy định) sẽ tổ chức cho các thí sinh đăng ký xét công nhận tốt nghiệp theo hình thức trực tuyến; nhập phiếu đăng ký dự thi, đăng ký xét công nhận tốt nghiệp đối với các thí sinh nộp hồ sơ theo hình thức trực tiếp.
Trước đó, các nhà trường đã tổ chức cho thí sinh là học sinh đang học lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến trên Hệ thống Quản lý thi, thời gian từ ngày 15/4 đến hết ngày 18/4.
Trong tháng 4 và tháng 5 năm 2025, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức các Hội nghị tập huấn kỹ thuật về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cho tất cả các địa phương.
Kết quả thi sẽ được công bố vào 8 giờ ngày 16/7. Trước đó, công tác tổ chức chấm thi, tổng kết công tác chấm thi, gửi dữ liệu kết quả thi về Bộ GD&ĐT, đối sánh kết quả thi sẽ hoàn thành chậm nhất 17 giờ ngày 13/7.
Bộ GD&ĐT lưu ý, tổ chức thi cho các thí sinh dự thi với Đề thi của Chương trình GDPT 2006, căn cứ vào số lượng thí sinh đăng ký dự thi, các Sở GD&ĐT bố trí một số điểm thi dành riêng cho các thí sinh. Trong đó, các thí sinh có thể đăng ký dự thi, đăng ký xét công nhận tốt nghiệp theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến. Các mốc thời gian trong công tác tổ chức thi và mã các hội đồng thi thực hiện theo Công văn này.
Sở GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành địa phương bảo đảm thực hiện đúng Quy chế thi, Công văn hướng dẫn này và các hướng dẫn thực hiện công tác phối hợp tổ chức thi của các cấp có thẩm quyền (nếu có). Công tác bảo đảm an toàn, an ninh của Kỳ thi tiếp tục thực hiện theo Hướng dẫn phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Các Sở GD&ĐT thực hiện chế độ báo cáo bảo đảm kịp thời, đúng biểu mẫu quy định; cập nhật đầy đủ số liệu và kiểm tra độ chính xác trước khi báo cáo Bộ GD&ĐT.
Nếu phát sinh tình huống bất thường ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị và tổ chức thi, đặc biệt các khâu in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, các đơn vị phải báo cáo ngay về Thường trực Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị tổng kết, đánh giá công tác tuyển sinh năm 2024, triển khai công tác tuyển sinh năm 2025, 2026, khối đại học và cao đẳng sư phạm.
Triển khai công tác thi, tuyển sinh năm 2025
Hai hội nghị quan trọng về công tác thi, tuyển sinh năm 2025 được Bộ GD&ĐT tổ chức trong tuần qua.
Sáng 29/3, tại Trường ĐH Hàng hải, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá công tác tuyển sinh năm 2024, triển khai công tác tuyển sinh năm 2025, 2026, khối đại học và cao đẳng sư phạm. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì hội nghị.
Về điểm mới trong công tác tuyển sinh năm 2025, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Anh Dũng cho biết: Thông tư số 06/2025/TT-BGDĐT quy định: Không còn xét tuyển sớm; phải dùng kết quả học tập của cả năm lớp 12 để xét tuyển; công khai quy tắc quy đổi tương đương điểm trúng tuyển; không giới hạn số tổ hợp xét tuyển; sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ phù hợp để quy đổi thành điểm môn ngoại ngữ trong xét tuyển; tổng điểm cộng không vượt quá 10% mức điểm tối đa của thang điểm xét tuyển…
Theo dự kiến kế hoạch tuyển sinh năm 2025, Bộ GD&ĐT sẽ công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào với khối ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe ngày 21/7; từ 13/8- 17h ngày 20/8 tổ chức xử lý nguyện vọng xét tuyển.
Kế hoạch tuyển sinh với các cơ sở đào tạo, từ ngày 15/6- 22/8 hoàn thành cập nhật thông tin tuyển sinh vào hệ thống; hoàn thành công tác xét tuyển thẳng cập nhật lên hệ thống; tải dữ liệu, thông tin xét tuyển, tổ chức xét tuyển; hoàn thành thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1. Từ tháng 9 đến tháng 12/2025, xét tuyển bổ sung.
Kết luận hội nghị, đánh giá cao kết quả tuyển sinh 2024 và những năm trước, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, không chỉ là kết quả qua những con số, mà công tác tuyển sinh những năm qua đã cải tiến, đáp ứng yêu cầu của người học, yêu cầu quy mô đào tạo, tuân thủ pháp luật, đáp ứng những nguyên tắc trong phát triển giáo dục và đào tạo.
Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng khẩn trương, cùng phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm, hiệu quả, với tinh thần những gì khó khăn thì Bộ GD&ĐT và các trường sẽ khắc phục tốt nhất cho các thí sinh, để các em yên tâm học tập và thi tốt, đảm bảo công bằng trong tuyển sinh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác tuyển sinh đầu cấp, tổ chức thi tốt nghiệp THPT và đánh giá việc thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT.
Ngày 28/3, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tuyển sinh đầu cấp, tổ chức thi tốt nghiệp THPT và đánh giá thực hiện Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội nghị.
Báo cáo triển khai công tác chuẩn bị tổ chức thi tốt nghiệp THPT, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nguyễn Ngọc Hà cho biết: Bộ GD&ĐT luôn dành sự thuận lợi nhất cho các thí sinh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chỉ tổ chức 3 buổi thi và buổi thứ 3 sẽ thi cả 2 môn tự chọn. Các thí sinh được sắp xếp ở một phòng thi duy nhất, không phải di chuyển phòng thi. Việc thu bài sẽ theo phòng mà không cần phân loại theo môn. Giữ nguyên 24 thí sinh/phòng thi, 1 phòng thi có thể sắp xếp tối đa tới 5 môn.
Để bảo đảm yếu tố an ninh, thay vì chỉ có 24 mã đề cho 24 học sinh trong 1 phòng thi như trước đây, kỳ thi năm nay nâng số mã đề lên thành 48 mã cho 2 khung thời gian của buổi thi thứ 3.
Đối với công tác tuyển sinh đầu cấp, Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông Thái Văn Tài cho biết: Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, hướng dẫn các nhà trường, các cơ sở giáo dục phổ thông triển khai thực hiện nghiêm túc Thông tư 30, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về công tác tuyển sinh. Giải đáp và giải quyết triệt để những vướng mắc của một số địa phương về chế độ tuyển thẳng, về tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT chuyên.
Đến nay, 100% các địa phương, các cơ sở giáo dục đại học có trường THCS, trường THPT đã ban hành phương án, kế hoạch tuyển sinh năm học 2025-2026.
Theo thống kê có 60 tỉnh/thành phố tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10, trong đó có 58 tỉnh lựa chọn môn thi thứ 3 là môn Tiếng Anh, 2 tỉnh (Hà Giang và Bình Thuận) lựa chọn môn thi thứ 3 là Lịch sử và Địa lí. 3 tỉnh tổ chức xét tuyển học sinh vào trường công lập (Cà Mau, Vĩnh Long, Gia Lai). Đa số các Sở GD&ĐT đã xây dựng và công bố đề thi tham khảo tuyển sinh vào lớp 10 để làm cơ sở, định hướng ôn tập cho học sinh lớp 9.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ 3 điểm nhấn trong công tác tuyển sinh đầu cấp, thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Theo đó, đây là kỳ tuyển sinh đầu tiên thực hiện theo Chương trình GDPT 2018; ít nhiều có ảnh hưởng tác động từ quy định mới về dạy thêm, học thêm; triển khai trong bối cảnh sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính các cấp. Vì thế, ngành Giáo dục cần có nhiệm vụ, giải pháp để ứng phó với bối cảnh mới.
Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng lưu ý 4 nội dung nhằm triển khai tốt công tác tuyển sinh đầu cấp, cũng như tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Thứ nhất, tuyệt đối không được để ảnh hưởng đến chất lượng dạy - học và công tác tổ chức thi, tuyển sinh. Như vậy, cần chỉ đạo công tác dạy-học, quản lý thường xuyên, liên tục, không để gián đoạn.
Thứ hai, tuyệt đối không được buông lỏng công tác bồi dưỡng, phụ đạo 3 đối tượng học sinh đã được nêu trong Thông tư 29, đó là: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Tinh thần tất cả vì học sinh.
Thứ ba, để bảo đảm tổ chức thi, tuyển sinh chất lượng, các Sở GD&ĐT tổ chức thi thử nhưng đánh giá thật, chấm đúng kết quả để phục vụ công tác quản lý và giảng dạy. Qua kết quả thi thử để đánh giá năng lực học sinh, cũng như làm quen quy trình tổ chức thi để rút kinh nghiệm cho tổ chức kỳ thi chính thức. Với học sinh, lưu ý các em làm bài thi thử nghiêm túc để kết quả phản ánh đúng năng lực; từ đó thầy cô, nhà trường có phương pháp bổ sung kiến thức cho các em một cách hiệu quả nhất.
Thứ tư, ra đề thi tuyển sinh đầu cấp, thi tốt nghiệp THPT phù hợp với chuẩn đầu ra của chương trình, phù hợp với năng lực của học sinh và mục tiêu của các kỳ thi. Theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 29, Kết luận 91, của Thủ tướng Chính phủ là giảm áp lực, giảm tốn kém, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng; mục tiêu để học sinh không học thêm tràn lan, giáo viên không dạy thêm tràn lan.