Nóng trong tuần: Phê duyệt chiến lược phát triển GD; quy định mới về dạy học thêm
Chiến lược phát triển giáo dục, quy định mới về dạy học thêm, ban hành Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi là thông tin giáo dục nổi bật tuần qua.
Ban hành Thông tư mới quy định về dạy thêm, học thêm
Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGD&ĐT ngày 30/12/2024 quy định về dạy thêm, học thêm.
Theo Thông tư mới ban hành, các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm gồm: Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Về vấn đề giám sát việc dạy thêm, học thêm, Thông tư quy định: Việc giám sát không chỉ có ngành Giáo dục hay chính quyền địa phương mà còn phải có giám sát toàn dân, của chính học sinh và phụ huynh trên cơ sở những quy định đã được ban hành.
Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, Thông tư mới hạn chế đối tượng được học thêm trong nhà trường gồm 3 đối tượng, là những đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường và không thu tiền của học sinh: (i) Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; (ii) Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; (iii) Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Về đối tượng người dạy: Với những đối tượng học sinh học thêm như trên, Thông tư mới chỉ quy định giáo viên thuộc các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường để hạn chế việc giáo viên đưa học sinh của mình ra ngoài dạy thêm.
Về kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm: 3 đối tượng này thuộc trách nhiệm của nhà trường phải bồi dưỡng, được đưa vào nội dung xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường để đáp ứng mục tiêu giáo dục của nhà trường, bảo đảm quyền lợi của tất cả các học sinh phải đáp ứng được yêu cầu cần đạt của chương trình và không thu tiền học của học sinh.
Bên cạnh đó, Thông tư quy định về việc xếp lớp, phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu và tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm yêu cầu sau:
Lớp dạy thêm được xếp theo môn học đối với từng khối lớp; mỗi lớp có không quá 45 học sinh theo quy định của Điều lệ trường phổ thông; trong một tuần, mỗi môn học thêm không quá 2 tiết (để bảo đảm không vượt quá số tiết trung bình của các môn học theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông); không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu thực hiện chương trình chính khóa (để hạn chế tiêu cực bắt ép học sinh học thêm); không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Các quy định như trên nhằm đảm bảo tăng cường trách nhiệm của các nhà trường trong việc thực hiện đầy đủ các yêu cầu cần đạt theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông. Các nhà trường có cơ hội dành quỹ thời gian và không gian của nhà trường chưa được khai thác hết để tổ chức các hoạt động giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… nhằm phát triển toàn diện học sinh; đồng thời, hạn chế được hành vi “ép buộc học sinh học thêm” gây bức xúc trong dư luận.
Theo quy định của Thông tư mới, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng phải tăng cường công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở dạy thêm hoặc niêm yết tại cơ sở dạy thêm về các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm nhằm tăng cường sự giám sát của toàn dân và sự quản lý an toàn, an ninh của cấp xã đối với cơ sở dạy thêm.
Thông tư tăng trách nhiệm quản lý của Hiệu trưởng đối với giáo viên thuộc sự quản lý của mình khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường bằng quy định: “Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm”.
Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm. Việc thu, quản lý, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, tài sản, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan.
Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045
Ngày 31/12, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1705/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Chiến lược đưa ra mục tiêu phát triển giáo dục Việt Nam hiện đại, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn minh nhân loại, phát triển toàn diện con người Việt Nam, đáp ứng những yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên mới, chủ động tham gia và thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các tiến bộ mới nhất của khoa học và công nghệ.
Chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, tạo nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc.
Phát triển hệ thống giáo dục mở, đảm bảo công bằng và bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, phục vụ học tập suốt đời, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa, hội nhập quốc tế. Đến năm 2030, giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á và đến năm 2045 đạt trình độ tiên tiến của thế giới.
Chiến lược đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục thường xuyên.
Theo đó, tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; phấn đấu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường đạt 38% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 97% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo. Phấn đấu có 99,5% trẻ em mầm non đến trường được học 2 buổi/ngày. Phấn đấu tỷ lệ trường mầm non dân lập, tư thục đạt 30%, số trẻ em theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục đạt 35%. Phấn đấu tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 100%; có trên 65% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia…
Duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS; 75% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 40% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; 60% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2.
Tỷ lệ đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,5%, cấp THCS đạt 97%; tỷ lệ hoàn thành cấp tiểu học đạt 99,7%, THCS đạt 99% và hoàn thành cấp THPT đạt 95%; tỷ lệ chuyển cấp từ tiểu học lên THCS đạt 99,5%, từ THCS lên THPT và các trình độ khác đạt 95%; 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. 100% giáo viên phổ thông đạt chuẩn trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục.
Phấn đấu số cơ sở giáo dục phổ thông tư thục đạt 5% và số học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục phổ thông tư thục đạt 5,5%.
Phấn đấu tỷ lệ phòng học kiên cố cấp tiểu học, cấp THCS, cấp THPT đạt 100%; có 70% trường tiểu học, 75% trường THCS và 55% trường THPT đạt chuẩn quốc gia.
Số sinh viên đại học/vạn dân đạt ít nhất là 260, tỷ lệ sinh viên đại học trong nhóm độ tuổi 18-22 đạt ít nhất 33%, tỷ lệ sinh viên quốc tế theo học các chương trình giáo dục đại học tại Việt Nam đạt 1,5%; tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt ít nhất 40%.
Mở rộng không gian phát triển và nâng cao năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học, bảo đảm 100% cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn…
Phấn đấu 100% cơ sở đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng theo các chu kỳ kiểm định phù hợp.
Số lượng công bố khoa học và công trình ứng dụng khoa học công nghệ tính bình quân trên 1 giảng viên toàn thời gian đạt 0,6 công trình/năm.
Có ít nhất 5 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 500 trường đại học tốt nhất thế giới,5 cơ sở giáo dục đại học vào nhóm 200 trường đại học hàng đầu châu Á; Việt Nam nằm trong 4 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất khu vực Đông Nam Á và trong 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á.
Phấn đấu tỷ lệ người biết chữ mức độ 1 trong độ tuổi từ 15 - 60 đạt 99,15%. Trong đó, tỷ lệ người biết chữ mức độ 1 trong độ tuổi từ 15 - 60 ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt 98,85%. Có 90% các tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2…
Chiến lược đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, bao gồm: Hoàn thiện thể chế; Đổi mới quản lý giáo dục và quản trị nhà trường; Thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục; Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; Đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục;
Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Bảo đảm nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học; Tăng cường hội nhập quốc tế.
Ban hành Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 4222/QĐ-BGDĐT ngày 27/12/2024 về việc ban hành Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi.
Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi gồm 22 chuẩn, 70 chỉ số thuộc 6 lĩnh vực: thể chất, tình cảm và xã hội, ngôn ngữ và giao tiếp, nhận thức, thẩm mĩ, tiếp cận với việc học.
Bộ chuẩn quy định, trẻ em 5 tuổi là trẻ em trong độ tuổi từ 60 tháng đến 71 tháng (71 tháng 29 ngày). Bộ chuẩn là tập hợp những chuẩn, chỉ số thuộc các lĩnh vực, định hướng về sự phát triển toàn diện của trẻ em 5 tuổi. Chuẩn là những mong đợi trẻ em 5 tuổi biết và có thể làm được sau quá trình giáo dục.
Theo đó, những năng lực cơ bản trong lĩnh vực thể chất được phản ánh thông qua sức khỏe thể chất; thực hiện các kỹ năng vận động; hiểu biết, thực hành dinh dưỡng, vệ sinh và an toàn.
Về năng lực cơ bản trong lĩnh vực tình cảm - xã hội được phản ánh thông qua nhận thức bản thân và năng lực quan hệ xã hội.
Năng lực cơ bản trong lĩnh vực ngôn ngữ và giao tiếp được phản ánh thông qua nghe hiểu và biểu đạt thông tin phù hợp trong giao tiếp và sẵn sàng cho việc học đọc, học viết.
Năng lực cơ bản trong lĩnh vực nhận thức được phản ánh thông qua hiểu biết và kỹ năng tư duy; vận dụng kiến thức, kỹ năng sơ đẳng để giải quyết một số vấn đề đơn giản trong cuộc sống hàng ngày.
Năng lực cơ bản trong lĩnh vực thẩm mĩ được phản ánh thông qua cảm thụ cái đẹp và sử dụng nghệ thuật như là phương tiện để thể hiện cảm xúc, hiểu biết và sự sáng tạo của bản thân. Các chuẩn, chỉ số trong lĩnh vực này đề cao cảm xúc, ý tưởng của bản thân trẻ em trong các hoạt động nghệ thuật và ứng dụng sáng tạo nghệ thuật vào cuộc sống.
Năng lực cơ bản trong lĩnh vực tiếp cận với việc học được phản ánh thông qua một số yếu tố cần thiết hướng đến hình thành các năng lực học tập bền vững sau này như tự chủ với việc học, giải quyết vấn đề đơn giản trong cuộc sống.