Nóng trong tuần: Tín hiệu đàm phán hòa bình từ Nga và Ukraine; Israel tấn công quy mô lớn ở Gaza

Tuần qua nổi lên một số sự kiện đáng chú ý như: Tín hiệu đàm phán hòa bình từ Nga và Ukraine; Israel tấn công quy mô lớn ở Gaza; Mỹ công bố Chiến lược Bắc Cực nhằm ứng phó với biến động địa chính trị ở khu vực và Lễ khai mạc Thế vận hội Paris đề cao văn hóa và sự đa dạng của Pháp.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bày tỏ sự cần thiết phải chấm dứt xung đột càng sớm càng tốt để giảm thiểu thêm thương vong. Ảnh: Getty Images/ TTXVN

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bày tỏ sự cần thiết phải chấm dứt xung đột càng sớm càng tốt để giảm thiểu thêm thương vong. Ảnh: Getty Images/ TTXVN

Tín hiệu đàm phán hòa bình từ Nga và Ukraine

Ngày 24/7, một tín hiệu đáng chú ý đã xuất hiện liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine, khi Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Trung Quốc kể từ khi giao tranh nổ ra. Tại cuộc hội đàm kéo dài hơn ba giờ với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ở Quảng Châu, ông Kuleba đã khẳng định sự sẵn sàng của Ukraine trong việc tiếp tục đối thoại và đàm phán với Nga. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán phải được thực hiện một cách hợp lý và thực tế, nhằm hướng tới một nền hòa bình công bằng và lâu dài.

Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng bày tỏ sự cần thiết phải chấm dứt xung đột càng sớm càng tốt để giảm thiểu thêm thương vong, trong cuộc gặp với Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican vào ngày 23/7. Những phát biểu này cho thấy Ukraine đang mở ra cơ hội cho đàm phán hòa bình, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết thúc xung đột.

Phản ứng từ phía Nga cũng cho thấy một sự cởi mở về đàm phán. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga chưa bao giờ từ chối đàm phán và luôn duy trì sự cởi mở trong quá trình này. Tuy nhiên, ông Peskov cũng lưu ý rằng cần phải làm rõ thêm các chi tiết quan trọng về các tín hiệu từ Ukraine. Ông nhấn mạnh rằng thông điệp từ Ngoại trưởng Kuleba có vẻ nhất quán với quan điểm của Nga, nhưng cần phải hiểu rõ hơn về những điều kiện và yêu cầu cụ thể.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất một lệnh ngừng bắn vào tháng 2 năm nay nhằm đóng băng xung đột. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị Mỹ bác bỏ. Đến tháng 5, ông Putin đã bày tỏ sẵn sàng đạt được một lệnh ngừng bắn qua đàm phán, đồng thời tuyên bố rằng Nga cũng sẵn sàng tiếp tục cuộc chiến nếu Kiev và phương Tây không có phản ứng tích cực. Gần đây hơn, vào tháng 6, ông Putin cho biết Nga sẽ chỉ chấm dứt xung đột nếu Ukraine đồng ý từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và kèm theo một số điều kiện khác liên quan đến vấn đề lãnh thổ. Ngược lại, Tổng thống Zelensky đã thúc đẩy "công thức hòa bình" 10 điểm của riêng mình, trong đó yêu cầu Nga rút quân khỏi các vùng lãnh thổ mà Kiev tuyên bố chủ quyền.

Bogdan Bezpalko, thành viên của Hội đồng Tổng thống Nga về Quan hệ Liên sắc tộc, nhận định rằng khả năng khởi động các cuộc đàm phán trong năm nay vẫn có thể xảy ra, tuy nhiên chưa có sự hiểu biết rõ ràng về cách thức và điều kiện của chúng. Ông Bezpalko chỉ ra rằng vào cuối năm nay sẽ có một tổng thống mới ở Mỹ, và Ukraine đang chịu sức ép ngày càng lớn trong “cuộc chiến tiêu hao”, với việc các nhà tài trợ quân sự lớn như Đức dự kiến sẽ giảm hỗ trợ vào năm 2025.

Về phần mình, Giám đốc nghiên cứu của Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga (RIAC) Andrey Kortunov cho rằng, các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine có thể gặp khó khăn hơn so với việc thực hiện một cuộc đối thoại qua trung gian. Trung Quốc, trước đó đã trình bày kế hoạch 12 điểm để giải quyết xung đột, có thể đóng vai trò là bên trung gian, cùng với các ứng cử viên khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và các nước ở Trung Đông. Ông Kortunov cho rằng mô hình đàm phán qua bên thứ ba có thể là phương án khả thi hơn trong giai đoạn đầu của tiến trình hòa bình.

Hiện trường đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 24/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Hiện trường đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 24/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Israel tấn công quy mô lớn ở Gaza

Ngày 27/7, một cuộc không kích của quân đội Israel đã nhắm vào một trường học có bệnh viện dã chiến tại khu vực Deir el-Balah, Gaza, dẫn đến ít nhất 30 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Ngôi trường này, được biết đến với tên gọi trường Khadija, đã trở thành nơi trú ẩn tạm thời cho khoảng 4.000 người dân phải di dời khỏi các khu vực khác do xung đột. Bệnh viện dã chiến nằm bên trong trường học thuộc Bệnh viện Al-Aqsa Martyrs ở Deir el-Balah, cung cấp dịch vụ y tế cho những nạn nhân của xung đột, bao gồm cả những người dân thường.

Thông tin từ cơ quan truyền thông của Hamas cho biết, trong số những người thiệt mạng có 15 trẻ em và 8 phụ nữ. Ngược lại, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố rằng cuộc tấn công nhắm vào một trung tâm chỉ huy của Hamas nằm trong khuôn viên trường học. Theo IDF, đây là một cơ sở quân sự của nhóm này, và họ đã thực hiện các biện pháp để giảm thiểu thương vong cho dân thường.

Cuộc tấn công vào trường học ở Gaza chỉ là một phần trong các hành động quân sự gần đây của Israel. Vào ngày 25/7, IDF cũng thừa nhận đã tìm cách bắn hạ một thiết bị bay không người lái (UAV) từ Hezbollah nhưng không thành công. UAV này đã vượt qua hệ thống phòng thủ của Israel và gây thiệt hại ở các ngôi làng nông nghiệp miền Bắc, đồng thời gây hỏa hoạn trên các cánh đồng. Trước đó, vào ngày 19/7, lực lượng Houthi từ Yemen cũng đã sử dụng UAV để tấn công một mục tiêu tại Tel Aviv, gây ra thương vong.

Cuộc tấn công vào trường học ở Gaza, cùng với các sự kiện khác, làm nổi bật sự căng thẳng không chỉ giữa Israel và các nhóm vũ trang Palestine mà còn giữa Israel và các lực lượng khác trong khu vực. Trong bối cảnh này, dư luận quốc tế đang đặc biệt chú ý đến tình hình và lo ngại về khả năng cuộc xung đột tiếp tục leo thang, với những hệ quả nghiêm trọng cho khu vực và cộng đồng quốc tế.
Cơ quan y tế Gaza đã báo cáo rằng ít nhất 39.250 người Palestine đã thiệt mạng và hơn 90.500 người bị thương kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng phát vào tháng 10 năm ngoái.

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 23/7/2024 đã công bố Chiến lược Bắc Cực năm 2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 23/7/2024 đã công bố Chiến lược Bắc Cực năm 2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Mỹ công bố Chiến lược Bắc Cực nhằm ứng phó với biến động địa chính trị ở khu vực

Ngày 22/7, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố Chiến lược Bắc Cực năm 2024, phản ánh sự nhận thức ngày càng cao về những thay đổi nhanh chóng trong khu vực Bắc Cực và những tác động của chúng đối với an ninh quốc gia Mỹ. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks, trong cuộc họp tại Lầu Năm Góc, nhấn mạnh rằng Bắc Cực là một khu vực quan trọng đối với việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và duy trì các cam kết phòng thủ của Mỹ. Chiến lược này được thiết kế để định hướng các nỗ lực của Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm đảm bảo rằng "Bắc Cực vẫn giữ được trạng thái an toàn và ổn định".

Khu vực Bắc Cực hiện đang được 8 quốc gia chú ý: Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Mỹ và Nga. Tất cả các quốc gia này đều có lợi ích thương mại và an ninh ở Bắc Cực. Biến đổi khí hậu đã dẫn đến hiện tượng băng tan, mở ra các tuyến đường biển mới và tạo cơ hội khai thác tài nguyên, đồng thời cũng làm gia tăng rủi ro đối với các quốc gia có biên giới trước đây được bảo vệ bởi băng.

Nhà nghiên cứu hàng đầu Ekaterina Labetskaya từ Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế của Nga cho rằng, Chiến lược Bắc Cực mới của Mỹ không gây ngạc nhiên. Theo bà, chiến lược này thay thế một tài liệu cũ hơn từ tháng 6/2019 và phản ánh việc Bắc Cực đã trở thành một mặt trận chính trong cuộc cạnh tranh địa chính trị toàn cầu giữa phương Tây do Mỹ dẫn đầu và Nga cùng các quốc gia khác. Bà Labetskaya cũng chỉ ra rằng căng thẳng đã gia tăng sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, làm cho Bắc Cực trở thành một khu vực chiến lược quan trọng.

Chuyên gia Labetskaya cũng lưu ý rằng các quốc gia Bắc Cực đang xem xét lại học thuyết quân sự của họ, đặc biệt là sau khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Các cuộc tập trận quân sự Arctic Edge 2024 tổ chức tại Alaska vào tháng 3 năm nay đã chỉ ra sự thay đổi trong chiến lược quân sự của NATO và phản ánh những nỗ lực của Lầu Năm Góc trong việc cập nhật chiến lược Bắc Cực để thể hiện sự gia tăng năng lực của các thành viên mới của NATO.

Thuyền chở các đoàn thể thao diễu hành trên sông Seine trong Lễ Khai mạc Olympic Paris 2024. Ảnh: THX/TTXVN

Thuyền chở các đoàn thể thao diễu hành trên sông Seine trong Lễ Khai mạc Olympic Paris 2024. Ảnh: THX/TTXVN

Lễ khai mạc Thế vận hội Paris 2024 đề cao văn hóa và sự đa dạng của Pháp

Lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Paris 2024 đã diễn ra vào tối 26/7 (giờ địa phương), nhấn mạnh văn hóa và sự đa dạng của Pháp. Hơn 300.000 người đã tập trung dọc theo bờ sông Seine để theo dõi và cổ vũ cho gần 11.000 vận động viên di chuyển trên 94 chiếc thuyền, khởi hành từ cầu Austerlitz, đi qua các địa danh gồm Bảo tàng Louvre và Nhà thờ Đức Bà trước khi kết thúc tại Trocadero, không gian mở dưới chân Tháp Eiffel hùng vỹ. Buổi diễu hành bắt đầu từ đoàn vận động viên của Hy Lạp và kết thúc với đoàn của nước chủ nhà Pháp. Đây là một phần của màn trình diễn hoành tráng, phản ánh không chỉ sự chuẩn bị công phu mà còn tinh thần chào đón nồng nhiệt của Paris.

Lễ khai mạc không giống bất kỳ buổi lễ nào trước đây và đã tạo nên một dấu ấn đặc biệt trong lịch sử Olympic. Paris đã tận dụng cơ hội để giới thiệu toàn bộ vẻ đẹp của thành phố cũng như sự phong phú của nền văn hóa địa phương. Những chiếc thuyền diễu hành trên Sông Seine mang đến những cảnh tượng ấn tượng, với các địa danh nổi tiếng như Tháp Eiffel được trang trí bằng vòng tròn Olympic làm nền. Lịch sử và văn hóa của thành phố cũng được đề cao qua nhiều màn biểu diễn độc đáo, bao gồm một buổi biểu diễn ca nhạc tại Conciergerie và một sàn diễn thời trang ngay trên sông Seine. Đặc biệt, màn trình diễn của Lady Gaga đã thể hiện nền văn hóa cabaret của Paris một cách sống động.

Thế vận hội Olympic Paris 2024, kéo dài từ ngày 26/7 đến 11/8, đánh dấu kỳ Thế vận hội thứ 33 trong lịch sử và là lần thứ ba Pháp tổ chức Thế vận hội mùa hè. Đây cũng là thành phố thứ hai, sau London, đăng cai tổ chức ba kỳ Thế vận hội. Sự kiện quy tụ gần 11.000 vận động viên từ 206 quốc gia và vùng lãnh thổ, thi đấu ở 32 môn thể thao với 329 bộ huy chương. Đoàn thể thao Việt Nam có 16 vận động viên tham dự.

Một điểm mới nổi bật của Thế vận hội Paris 2024 là sự xuất hiện của môn breakdance (nhảy đường phố), lần đầu tiên có mặt trong lịch sử Olympic. Các môn thể thao như trượt ván, leo núi thể thao, và lướt sóng cũng tiếp tục xuất hiện. Các sự kiện chính diễn ra tại Stade de France và các địa điểm khác ở Paris, trong khi một số môn thể thao như bóng đá và bắn súng sẽ được tổ chức ở các thành phố khác của Pháp.

Thế vận hội Olympic, với hơn một thế kỷ lịch sử, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc xây dựng một thế giới hòa bình và tốt đẹp hơn thông qua thể thao, bất chấp giai cấp và giàu nghèo, trong tinh thần hữu nghị, đoàn kết và công bằng.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Tổng hợp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nong-trong-tuan-tin-hieu-dam-phan-hoa-binh-tu-nga-va-ukraineisrael-tan-cong-quy-mo-lon-o-gaza-20240727222642817.htm