Nóng trong tuần: Tuyển sinh vào lớp 10; HS Việt Nam đạt thành tích ấn tượng

Nhiều địa phương tổ chức thi vào lớp 10, Kết quả Olympic Vật lý Châu Á, Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á... là thông tin giáo dục nổi bật tuần qua.

Ảnh minh họa/Vân Anh.

Ảnh minh họa/Vân Anh.

Kết quả ấn tượng tại Olympic Vật lý Châu Á 2024, Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13

Tuần qua, những kết quả xuất sắc tại Olympic Vật lý Châu Á 2024 và Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 là hai tin vui với giáo dục Việt Nam.

Ngày 9/6, Bộ GD&ĐT nhận được thông tin về kết quả chính thức của đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Vật lý Châu Á (APhO) năm 2024 được tổ chức tại Malaysia.

Theo đó, đội tuyển quốc gia Việt Nam có 8 học sinh dự thi thì cả 8 học sinh đều giành huy chương, gồm: 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 6 huy chương đồng. Đây là kết quả vượt trội so với những năm trước và sau nhiều năm đoàn Việt Nam đã giành được huy chương vàng.

Học sinh xuất sắc giành huy chương vàng là em Thân Thế Công, lớp 12, Trường THPT chuyên Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

Kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á lần thứ 24 được tổ chức từ ngày 3/6 đến ngày 10/6/2024 có 28 đội đoàn từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ với 208 thí sinh dự thi.Đây là kỳ APhO đầu tiên do Malaysia tổ chức với số đội tham dự nhiều nhất từ trước đến nay. Các thí sinh dự thi trải qua 2 ngày thi với thời gian thi 5 tiếng/ngày.

Thành tích xuất sắc của đội tuyển quốc gia Việt Nam tại APhO 2024 tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông; đồng thời, khẳng định hướng đi đúng đắn trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng, tập huấn (cả về lý thuyết và thực hành) học sinh giỏi của Bộ GD&ĐT.

Từ trái sang phải: GS. Lục Huy Hoàng, Hà Duyên Phúc, Nguyễn Thành Duy, Nguyễn Nhật Minh, Trần Vũ Lê Hoàng, Thân Thế Công, Nguyễn Thế Quân, Hoàng Tuấn Kiệt, Trương Phi Hùng, PGS. Đặng Đức Vượng.

Từ trái sang phải: GS. Lục Huy Hoàng, Hà Duyên Phúc, Nguyễn Thành Duy, Nguyễn Nhật Minh, Trần Vũ Lê Hoàng, Thân Thế Công, Nguyễn Thế Quân, Hoàng Tuấn Kiệt, Trương Phi Hùng, PGS. Đặng Đức Vượng.

Chiều 7/6, Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 đã chính thức khép lại và tiến hành bế mạc. Kết thúc Đại hội, Việt Nam xuất sắc dẫn đầu toàn đoàn với tổng cộng 44 huy chương vàng.

Xếp thứ hai là Indonesia (22 huy chương vàng), thứ ba là Thái Lan (18 huy chương vàng). Đại hội ghi nhận 9 kỷ lục đã được phá, tất cả đều ở môn bơi và do các vận động viên Đoàn thể thao học sinh Việt Nam xác lập.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu bế mạc Đại hội.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu bế mạc Đại hội.

ASG lần thứ 13 diễn ra từ ngày 29/5 đến 9/6 với 6 bộ môn cùng 107 nội dung thi đấu, tương ứng 704 chiếc huy chương các loại, 107 bộ huy chương.

Theo Ban Tổ chức, ASG lần thứ 13 là một kỳ Đại hội hấp dẫn với chất lượng chuyên môn cao. Các đoàn thể thao tham gia Đại hội ấn tượng sâu sắc với sự hiếu khách và chuyên nghiệp của nước chủ nhà. Công tác tổ chức, hậu cần, truyền thông, an ninh an toàn… đều được đảm bảo xuyên suốt Đại hội.

Gần 106.000 thí sinh Hà Nội đã hoàn thành kỳ thi vào lớp 10 năm 2024. Ảnh: Vân Anh.

Gần 106.000 thí sinh Hà Nội đã hoàn thành kỳ thi vào lớp 10 năm 2024. Ảnh: Vân Anh.

Nhiều địa phương hoàn thành kỳ thi vào lớp 10

Tuần qua, nhiều địa phương đã hoàn thành Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025 như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thái Bình, Nam Định, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Hải Phòng, Phú Thọ, Bắc Kạn, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Cần Thơ, Lạng Sơn, Hưng Yên…

Trong đó, hai địa phương có mức độ cạnh tranh lớn, tỷ lệ thuận với sự căng thẳng của Kỳ thi là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

Tại Hà Nội, Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2024-2025 diễn ra trong ngày 8 và 9/6 với sự tham dự của gần 106 nghìn thí sinh.

Trong 2 ngày diễn ra kỳ thi với hơn 300 nghìn lượt thí sinh dự thi, chỉ có 2 thí sinh bị đình chỉ thi do mang điện thoại di động, giảm nhiều so với năm trước và không có cán bộ coi thi vi phạm quy chế thi. Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng khẳng định thông tin lộ đề thi môn Ngữ văn là sai sự thật.

Trong hai ngày kỳ thi diễn ra, dù thời tiết khu vực Hà Nội diễn biến phức tạp, song tại các điểm thi không xảy ra tình trạng úng ngập; không có ùn tắc, tập trung đông người tại cổng trường. Hệ thống điện lưới tại các điểm thi được vận hành ổn định.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, 201 điểm thi trên địa bàn thành phố đã hoàn thành khâu coi thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Kết quả ban đầu trong công tác tổ chức kỳ thi được coi là cuộc tập dượt ý nghĩa để Hà Nội có thêm kinh nghiệm trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT vào cuối tháng 6/2024.

Tại TP.Hồ Chí Minh, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 diễn ra vào 6 và 7/6. Gần 99.000 học sinh cạnh tranh 77.355 chỗ học trong trường công lập. Sở GD&ĐT bố trí 158 điểm thi.

Gần ngày thi, Sở GD&ĐT TP.HCM đã quyết định tăng 5.535 chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 tại 62 trường THPT công lập, giúp "hạ nhiệt" căng thẳng ở nhiều khu vực.

Cơ bản, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại các địa phương diễn ra an toàn, nghiêm túc. Tuy nhiên, cũng có một số sự cố xảy ra như: đề thi tuyển sinh lớp 10 chuyên Văn trích dẫn sai nguyên tác tại Gia Lai, nữ sinh đi thi lớp 10 mất tích tại TP Châu Đốc (An Giang); đề thi tiếng Anh vào lớp 10 có sai sót tại Tiền Giang…

Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2024-2029.

Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2024-2029.

Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2024-2029 họp phiên đầu tiên

Ngày 4/6, Hội đồng Giáo sư (HĐGS) nhà nước nhiệm kỳ 2024-2029 họp phiên lần thứ nhất. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch HĐGS nhà nước chủ trì phiên họp.

Đề cập tới các nhiệm vụ, công việc của Hội đồng các cấp trong năm 2024, Bộ trưởng - Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh tới việc tuân thủ đầy đủ các quy trình, lộ trình đặt ra, trong đó cần phát huy kết quả, kinh nghiệm các năm trước để công việc năm nay thuận lợi.

Bên cạnh một số lưu ý về thời gian, tiến độ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư cho năm 2024, Bộ trưởng cũng mong muốn Hội đồng Giáo sư nhà nước sẽ quan tâm, cho ý kiến tham mưu đối với nhiều công việc quan trọng của ngành Giáo dục và ngành Khoa học và công nghệ. Trước mắt là cho ý kiến đối với dự thảo Luật Nhà giáo đang được Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng, dự kiến trình Quốc hội trong các Kỳ họp sắp tới.

Theo thông tin từ Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước, năm nay cả nước có tổng số 110 Hội đồng Giáo sư cơ sở được thành lập với tổng số ứng viên đăng ký là 1.033 ứng viên, gồm 93 ứng viên Giáo sư, 940 ứng viên Phó Giáo sư.

Tại phiên họp đầu tiên, Hội đồng Giáo sư nhà nước đã công bố Quyết định số 05/QĐ-HĐGSNN ngày 31/5/2024 về việc bổ nhiệm Ủy viên Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2024-2029. Theo Quyết định này, Ủy viên Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2024-2029 gồm 28 thành viên.

Tuần qua cũng diễn ra một số sự kiện giáo dục đáng chú ý như: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho ông Nguyễn Tiến Thanh. Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc có buổi làm việc với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Séc tại Việt Nam và Đại học Quốc gia Singapore (NUS).

Tuần qua, Bộ GD&ĐT cũng ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BGDĐT ngày 3/6/2024 quy định công khai đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Thông tư này thay thế Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Hải Bình t/h

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nong-trong-tuan-tuyen-sinh-vao-lop-10-hs-viet-nam-dat-thanh-tich-an-tuong-post686950.html