Nóng trong tuần: Xung đột leo thang ở Gaza; Thảm họa động đất tại Afghanistan
Trong tuần qua, dư luận thế giới chủ yếu xoay quanh cuộc xung đột Israel-Hamas, thảm họa động đất ở Afghanistan khiến hàng ngàn người thiệt mạng, dự báo kinh tế mới của IMF và cuộc khủng hoảng tìm người lãnh đạo Hạ viện Mỹ.
Giao tranh đẫm máu và khủng hoảng nhân đạo ở Gaza
Một tuần đã trôi qua kể từ khi lực lượng Hamas ở Palestine bất ngờ tấn công xuyên biên giới vào Israel, sát hại nhiều dân thường và bắt giữ khoảng 150 con tin. Ngay lập tức, quân đội Israel đã phát động chiến dịch “Những thanh kiếm sắt” nhằm trả đũa phong trào Hamas, đồng thời phong tỏa Dải Gaza. Động thái trên đã làm xung đột leo thang đáng lo ngại cũng như một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại khu vực Trung Đông.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Israel có kế hoạch tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào Gaza hay không.
Nhưng trong suốt tuần qua, Israel đã tiến hành những đòn không kích dữ dội vào Gaza, khẳng định sẽ còn nhiều đợt tấn công hơn nữa nhằm “xóa sổ” phong trào Hồi giáo Hamas cùng các nhóm tay súng khác.
Bên cạnh các cuộc không kích dồn dập, các lực lượng của Israel cũng triển khai tìm kiếm con tin bị Hamas bắt giữ. Cùng lúc đó, hơn 300.000 quân dự bị đã được huy động dọc biên giới Gaza, báo hiệu về khả năng xảy ra một chiến dịch toàn diện trên bộ.
Giới chức Israel cũng yêu cầu hơn một triệu người ở Gaza sơ tán về phía Nam trong vòng 24 giờ. Nhiều người dân bắt đầu rời bỏ nhà cửa vào ngày 13/10. Nhưng trên thực tế, dải đất dài 40km này - một bên giáp biển Địa Trung Hải và một bên giáp Israel và Ai Cập -đã không còn nơi nào an toàn để trú ẩn.
Trước tình hình người dân Palestine mắc kẹt giữa làn đạo trong hoàn cảnh không có điện, nước hay lương thực, Liên hợp quốc (LHQ) cho rằng việc kêu gọi sơ tán 1,1 triệu người ở Gaza là bất khả thi. Tổng Thư ký Antonio Guterres đã kêu gọi bảo vệ dân thường trong cuộc xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel, nhấn mạnh rằng "ngay cả chiến tranh cũng phải có những nguyên tắc" và không được dùng các con tin làm lá chắn sống.
Theo người phát ngôn Stéphane Dujarric của Tổng thư ký Liên hợp quốc, cuộc sơ tán quy mô lớn như vậy sẽ gây ra hậu quả nhân đạo tàn khốc. Cơ quan này đồng thời kêu gọi Israel rút quân.
Về phía Hamas, phong trào này đã kêu gọi người Palestine ở lại, phớt lờ lệnh trên, đồng thời cáo buộc đó là một nỗ lực táo bạo nhằm buộc người dân bản địa rời khỏi vùng đất của họ. Hamas cũng tiếp tục phóng hàng ngàn quả rocket về phía lãnh thổ Israel.
Tại Mỹ, Nhà Trắng cho biết giới chức an ninh quốc gia đã liên tục trao đổi với các quan chức LHQ về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza, song từ chối cung cấp thông tin chi tiết về tiến trình giải cứu công dân nước ngoài ra khỏi khu vực giao tranh. Bà Vassily Nebenzia, đại diện thường trực của Nga tại LHQ đang thúc đẩy một dự thảo nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm kêu gọi ngừng bắn giữa Israel và Hamas.
Cuộc tấn công chưa từng có của Hamas vào ngày 7/10 và các cuộc tấn công nhỏ sau đó đã giết chết trên 1.300 người ở Israel, trong đó có 247 binh sĩ. Đây là con số thương vong chưa từng có ở Israel trong nhiều thập kỷ. Đợt không kích trả đũa của Israel đã giết chết trên 1.530 người ở Gaza. Israel cho biết khoảng 1.500 tay súng Hamas đã thiệt mạng bên trong Israel và hàng trăm tay súng thiệt mạng ở Gaza. Hàng nghìn người bị thương ở cả hai phía.
Ngày 12/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh quan ngại sâu sắc về xung đột Israel-Hamas đang leo thang. Theo bộ trên, trong cuộc điện đàm với quan chức Bộ Ngoại giao Israel Rafael Harpaz, Đặc phái viên Trung Quốc tại Trung Đông, ông Trác Tuyển nhấn mạnh: “Trung Quốc quan ngại sâu sắc về căng thẳng và bạo lực leo thang giữa Israel và Palestine, đồng thời rất đau buồn trước việc dân thường thương vong do xung đột”.
Báo Ahram Online của Ai Cập ngày 12/10 dẫn báo cáo của Axios cho biết Ai Cập, Mỹ và Israel đang thảo luận về khả năng thiết lập một hành lang an toàn cho việc sơ tán công dân nước ngoài khỏi Dải Gaza. Theo báo cáo của Axios, hiện hơn 500 người Mỹ và công dân các nước khác, bao gồm nhân viên LHQ, nhân viên của các tổ chức phi chính phủ và nhà báo, đang bị mắc kẹt ở Dải Gaza do các cửa khẩu biên giới giữa Gaza với Israel và Ai Cập đều bị đóng. Báo cáo dẫn lời các quan chức Mỹ và Israel cho hay Israel và Ai Cập đã tạm thời thống nhất trên nguyên tắc về tạo ra một hành lang an toàn từ Gaza cho các công dân Mỹ và người nước ngoài. Tuy nhiên, hai bên đều nhấn mạnh rằng điều này sẽ cực kỳ phức tạp, bởi nó đòi hỏi một số hình thức ngừng bắn.
Cùng lúc đó tại Liban, Israel cũng mở cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào lực lượng Hezbollah. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết động thái này nhằm đáp trả một vụ nổ tại hàng rào an ninh gần biên giới Liban-Israel vào cuối tuần trước.
Trong bối cảnh xung đột leo thang nghiêm trọng ở Gaza, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng lo ngại về nguy cơ xung đột sẽ nhân rộng trong khu vực. Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi cho biết nước này cực kỳ quan ngại về việc xung đột ở Israel có thể lan rộng nên Jordan đang nỗ lực giảm leo thang tình hình. Trong số các nước láng giềng, Israel chỉ có mối quan hệ hòa bình với Jordan và Ai Cập, còn lại chính thức rơi vào tình trạng chiến tranh với Liban và Syria. Israel cho biết họ đã chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp xảy ra tấn công từ hai nước này.
Động đất chồng động đất tại Afghanistan
Trong tuần qua, đất nước Afghanistan liên tục hứng chịu nhiều trận động đất lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về con người và tài sản. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết trận động đất xảy ra ngày 7/10 có độ lớn 6,3 kèm theo nhiều dư chấn mạnh đã làm rung chuyển khu vực miền Tây Afghanistan. Đây là một trong những thảm họa động đất cướp đi nhiều sinh mạng nhất xảy ra trên thế giới trong năm nay sau trận động đất kinh hoàng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hồi tháng 2 khiến hơn 50.000 người thiệt mạng.
Chính quyền Taliban ngày 8/10 đã ghi nhận hơn 2.400 nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất gây thiệt hại về người nghiêm trọng nhất tại quốc gia Tây Nam Á này trong những năm gần đây., 1.320 ngôi nhà đã bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn. Tiếp đến, ngày 11/10, một trận động đất khác có độ lớn 6,3 cũng đã làm rung chuyển tỉnh Herat, khiến 1 người thiệt mạng, hơn 150 người khác bị thương và gây thiệt hại về tài sản.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết phụ nữ và trẻ em chiếm 2/3 trong số các nạn nhân phải nhập viện do bị thương nặng trong các trận động đất vừa qua tại Afghanistan. Do động đất xảy ra vào khoảng 11h sáng, khi nam giới đều vắng nhà nên phần lớn những người tử vong và bị thương là phụ nữ và trẻ em. Giờ đây hàng nghìn người Afghanistan sống sót đang phải đối mặt với cuộc sống khó khăn không có nhà ở vào mùa Đông giá rét, trong khi lực lượng cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm người sống sót trong những đống đổ nát. LHQ và các đối tác nhân đạo đang tăng cường hỗ trợ Afghanistan ứng phó với hậu quả của trận động đất đã tàn phá tỉnh Herat ở miền Tây nước này.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) ngày 9/10 cho biết LHQ đã cử các nhóm chuyên gia đến Afghanistan để đánh giá tình hình và cung cấp khẩn cấp các nhu yếu phẩm như lều bạt, chăn, quần áo ấm, lương thực, xô đựng nước, chất clo và nhiều vật dụng thiết yếu khác. Các đối tác nhân đạo cũng đã cử các đội y tế đến Afghanistan và cung cấp những thiết bị y tế phục vụ công tác cấp cứu và phẫu thuật.
Hệ thống y tế của Afghanistan, vốn chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ của nước ngoài, đã đối mặt với nhiều khó khăn kể từ khi lực lượng Taliban lên nắm quyền. Nhiều khoản viện trợ quốc tế, vốn đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế, đã bị tạm dừng. Theo các nhà ngoại giao và các quan chức viện trợ, nguyên nhân là do các cuộc khủng hoảng trên khắp thế giới như tại Trung Đông, Ukraine, hay mối quan ngại đối với các biện pháp hạn chế của chính quyền Taliban đối với phụ nữ.
Cuộc khủng hoảng Hạ viện Mỹ chưa có lối thoát
Theo hãng tin AFP ngày 13/10, ứng cử viên của đảng Cộng hòa cho vị trí Chủ tịch Hạ viện Mỹ Steve Scalise đã bỏ cuộc sau khi không nhận đủ sự ủng hộ để giành được phiếu bầu của toàn thể Hạ viện, khiến cơ quan đang bị tê liệt của Quốc hội Mỹ ngày càng rơi vào khủng hoảng.
Ông Scalise đã giành chiến thắng sít sao trong cuộc bỏ phiếu nội bộ của đảng Cộng hòa hôm 12/10 để trở thành ứng viên thay thế Chủ tịch Hạ viện bị phế truất Kevin McCarthy. Tuy nhiên, ông Scalise không thể có được 217 phiếu ủng hộ cần thiết trong một cuộc bỏ phiếu của toàn bộ Hạ viện vì các đối thủ trong chính đảng Cộng hòa tuyên bố không ủng hộ ông Scalise.
Sau khi ông Scalise rời khỏi cuộc đua, các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ tiếp tục chọn ra ông Jim Jordan - Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện - làm ứng cử viên của đảng này cho chức lãnh đạo Hạ viện.
Ông Jordan hiện phải đối mặt với một thách thức tương tự như ông Scalise, bởi ông cần ít nhất 217 phiếu ủng hộ từ các nghị sĩ Cộng hòa để trở thành Chủ tịch Hạ viện Mỹ. Đảng Cộng hòa giữ đa số mong manh tại Hạ viện, với tỷ lệ 221-212. Một số nghị sĩ Cộng hòa có tư tưởng ôn hòa cho biết họ sẽ không ủng hộ ông Jordan. Điều này đồng nghĩa chức Chủ tịch Hạ viện có nguy cơ tiếp tục bị để trống, trong bối cảnh Hạ viện đã tê liệt trong nhiều ngày sau khi Chủ tịch McCarthy bị bãi nhiệm hôm 3/10.
Hạ viện không có người lãnh đạo đồng nghĩa với việc không có bất kỳ dự luật nào được thông qua hoặc chấp thuận liên quan tới các yêu cầu viện trợ khẩn cấp của Nhà Trắng, trong bối cảnh Israel - đồng minh hàng đầu của Mỹ ở Trung Đông - đang trong cuộc chiến với lực lượng Hamas. Trong khi đó, các nhà lập pháp đang xem xét khả năng chính phủ Mỹ sắp đóng cửa vì họ chỉ có một tháng để thống nhất về mức chi tiêu liên bang năm 2024 trước khi hết ngân sách và không đạt được tiến triển nào trong cuộc khủng hoảng lãnh đạo.
IMF: Nền kinh tế toàn cầu đang “đi khập khiễng”
Ngày 10/10, Tổ chức Tiền tệ Thế giới (IMF) đã công bố báo cáo mới về mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong đó, tổ chức này nhận xét nền kinh tế thế giới đang khập khiễng, với sự khác biệt ngày càng gia tăng.
IMF cho biết nền kinh tế tiếp tục phục hồi sau cú sốc của đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Nhìn lại, khả năng phục hồi trên là rất đáng chú ý.
Bất chấp thị trường năng lượng và thực phẩm bị gián đoạn do chiến tranh cũng như chính sách thắt chặt tiền tệ chưa từng có để chống lạm phát cao hàng thập kỷ của các ngân hàng trung ương, hoạt động kinh tế chậm lại nhưng không bị đình trệ. Mặc dù vậy, tăng trưởng vẫn chậm và không đồng đều, với sự phân hóa ngày càng mở rộng.
Theo dự báo mới nhất của chúng tôi, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chậm lại từ mức 3,5% vào năm 2022 xuống còn 3% trong năm nay và 2,9% vào năm tới, giảm 0,1 điểm phần trăm so với bản dự báo hồi tháng 7 cho năm 2024. Con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình trong lịch sử.
Theo báo cáo Giám sát tài khóa mà IMF mới đưa ra, trong năm 2022, nợ toàn cầu ở mức 235.000 tỷ USD, tương đương 238% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, bất chấp rủi ro nợ ở mức cao, IMF dự báo ít có nguy cơ xảy ra làn sóng vỡ nợ toàn cầu “mang tính hệ thống" tác động mạnh đến nhiều quốc gia cùng một lúc.
Theo nhà kinh tế trưởng của IMF, Pierre-Olivier Gourinchas, nền kinh tế toàn cầu đã tránh được kịch bản suy thoái dù phải đương đầu với những cú sốc lớn trong 2-3 năm qua nhưng cũng không thể hiện quá xuất sắc. IMF nhận thấy kinh tế toàn cầu đang "khập khiễng" tiến về phía trước chứ không chạy nước rút như được mong chờ.
Theo đó, các dự báo nhìn chung đều cho thấy nền kinh tế toàn cầu "hạ cánh mềm" nhưng IMF vẫn quan ngại các nguy cơ liên quan cuộc khủng hoảng lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc, giá cả hàng hóa chưa ổn định, sự phân mảnh về địa chính trị và lạm phát có thể tăng trở lại. Một nguy cơ mới xuất hiện là xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới công bố, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Chỉ có một số ít nền kinh tế, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga đi ngược xu hướng này khi là những điểm sáng trong triển vọng kinh tế toàn cầu.
Về lạm phát, dù đã giảm mạnh kể từ năm 2022 nhưng IMF dự báo chỉ số này sẽ vẫn ở mức khá cao là 6,9% trong năm 2023, từ mức 8,7% của năm 2022 nhưng vẫn tăng nhẹ so với mức dự báo hồi tháng 7, trong khi năm 2024, lạm phát được dự báo là 5,8%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với mức dự báo trước đó.
Theo IMF, lạm phát cao có thể buộc các ngân hàng trung ương phải duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn. Điều này có thể gây tác động liên hoàn tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu. IMF dự báo lạm phát lõi toàn cầu, không tính giá thực phẩm và năng lượng, sẽ giảm đều hơn, xuống 6,3% trong năm 2023 (từ 6,4%) năm 2022 và 5,3% trong năm 2024 trên cơ sở các thị trường lao động vẫn chặt chẽ. Trong bối cảnh này, nhà kinh tế trưởng Gourinchas nêu rõ IMF cảnh báo các nhà quản lý ở các nước chưa vội nới lỏng chính sách tiền tệ.