Nộp hàng trăm tỷ, dân vẫn mòn mỏi chờ đất dịch vụ
Trên địa bàn huyện Hoài Đức (Hà Nội), hiện có hơn 200 ha đất dịch vụ, nằm trên địa bàn của 10 xã, thị trấn. Chủ trương giao đất dịch vụ để người dân ổn định cuộc sống đã được huyện tiến hành từ cả chục năm nay. Người dân đã nộp hàng trăm tỷ để giải phóng mặt bằng, làm cơ sở hạ tầng cho các dự án nhưng đến nay, họ vẫn mòn mỏi chờ đất dịch vụ để ổn định cuộc sống.
Phản ánh của các hộ dân các thôn An Thọ, Vân Lũng, Yên Lũng, Phú Vinh (xã An Khánh, huyện Hoài Đức) cho thấy, từ năm 2000 - 2003 UBND huyện Hoài Đức có quyết định thu hồi đất nông nghiệp để chuyển đổi sang mục đích khác. Chính quyền đến từng hộ gia đình để vận động giao nộp đất nông nghiệp cam kết sẽ bồi thường thỏa đáng với mức 45,7 triệu đồng/sào (360m2) và giao 10% đất dịch vụ cho những hộ bị thu hồi đất. Tháng 4/2011, chính quyền địa phương tiếp tục vận động người dân nộp tiền để lấy kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng đất dịch vụ với mức là 810.000 đồng/m2.
Với mong muốn sớm có đất ở, nhiều người dân đã phải đi vay lãi hàng trăm triệu để có tiền đóng cho xã. Thế nhưng hơn 10 năm nay, cơ sở hạ tầng khu đất dịch vụ một số bỏ hoang cỏ dại mọc um tùm, một số chỉ làm sơ sài.
Ghi nhận của PV Tiền Phong tại xã An Khánh, đan xen những dự án chung cư cao tầng là những bãi đất chia lô. Các lô đất dịch vụ dễ nhận thấy bằng lớp đường trải đá dăm, không trải bê tông, không vỉa hè và không có hệ thống điện nước.
Tình trạng tương tự diễn ra tại các xã Kim Chung, Vân Canh, Lại Yên… Tại khu đất dịch vụ tại xã Lại Yên, khu đất được quy hoạch cho gần 2.000 hộ dân nhưng lác đác mới chỉ có vài chục hộ sinh sống. Lý do bởi cơ sở hạ tầng ở khu đất dịch vụ hầu như không có gì. Không có điện, không nước, nắp hố ga lộ thiên giữa đường… Muốn có điện nhiều người phải dùng chung công tơ điện với các nhà khác khiến giá điện tăng 3- 4 lần. Nước sinh hoạt tất cả đều phải sử dụng nước giếng khoan. Được biết, riêng xã Lại Yên đã thu 91 tỷ đồng của người dân tiền đầu tư hạ tầng các khu đất dịch vụ.
Người dân vô cùng bức xúc bởi hàng trăm tỷ người dân nộp cho chính quyền địa phương để làm hạ tầng, sau cả chục năm đã được sử dụng làm việc gì?!
Có tiếp tục trễ hẹn?
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức cho biết, trên địa bàn huyện có gần 30 dự án đất dịch vụ được giao cho Trung tâm thực hiện. Việc giao đất được thực hiện theo Nghị định 17/2006/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Mỗi hộ bị thu hồi đất nông nghiệp trên 30% được giao đất dịch vụ để ổn định đời sống tương đương 10% nhưng không quá 150m2. Trên cơ sở đó địa phương đã tiến hành thực hiện.
Vị này cho biết, tiền dân đóng góp là 810.000 đồng/m2 đã được huyện sử dụng để giải phóng mặt bằng (GPMB) và làm hạ tầng tối thiểu như: rải đá cốt đường (chưa thảm bê tông), cống thoát nước…
Khó khăn chính của huyện khi thực hiện giao đất dịch vụ là chi phí GPMB tăng cao sau khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội. Ngoài ra, năm 2013 - 2014 Chính phủ điều chỉnh lại quy hoạch phân khu nên một số dự án bị chồng lấn quy hoạch. Tiêu biểu như tại xã Vân Canh, dự án đã bố trí đủ đất dịch vụ, nhưng đến khi duyệt lại quy hoạch phân khu bị chồng lấn. Do đó, huyện lại phải tìm địa điểm mới, rà soát, lập dự án mới bổ sung, báo cáo UBND thành phố… riêng công việc này đã khiến kéo dài 2- 3 năm.
“Đến nay, huyện đã bố trí đủ nguồn lực để đầu tư giai đoạn 2, trong đó bổ sung hạ tầng đầy đủ như điện, nước, vỉa hè… Một số dự án đã mở thầu, một số đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Huyện cố gắng phấn đấu hoàn thành cơ bản giao đất dịch vụ trong năm 2019”, đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất, nói.
Ông Nguyễn Huy Hoán, Chủ tịch UBND xã An Khánh thông tin: “Số tiền 810.000 đồng/m2 thu của dân là tiền sử dụng đất chứ không phải tiền xây dựng cơ sở hạ tầng”. Nhà nước cho sử dụng tiền sử dụng đất để GPMB và xây dựng hạ tầng. Do đó, có tiền đến đâu làm đến đó, nhà nước không đầu tư. “Nhưng khi thực hiện thì số tiền thu được của dân không đủ để bồi thường GPMB chứ đừng nói đến làm hạ tầng”, lãnh đạo xã nói.
Được biết, ban đầu huyện giao xã làm chủ đầu tư, sau này thấy nguồn lực không đủ nên huyện đứng ra làm chủ đầu tư, vay gói của Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Hà Nội.
Về phía xã, đến nay vẫn còn nhiều đơn thư không đồng ý cho chia đất dịch vụ do người dân kiến nghị về chính sách đền bù không hợp lý. Đơn cử như có trường hợp bị thu 5.000m2 đất cũng chỉ được đền bù bằng diện tích người bị thu 1.500m2 đất. Đơn thư kiến nghị nhiều nhưng UBND thành phố vẫn chưa có phản hồi để giải quyết dứt điểm đơn thư cho người dân.
Về việc tiến độ hoàn thành cơ bản giao đất cuối năm 2019 của huyện đề ra, lãnh đạo xã cho biết sẽ cố gắng hoàn thành. Nhưng giao được hay không còn phụ thuộc vào tiến độ GPMB. Hiện nay có những dự án mới làm công tác kiểm đếm như dự án X9, X11.
Từ năm 2011, UBND huyện Hoài Đức đã có nhiều văn bản đốc thúc và “chốt” tiến độ triển khai đất dịch vụ. Trong đó, nhìn nhận tiến độ triển khai đất dịch vụ còn rất chậm. Trong đó công tác GPMB, các ngành chỉ đạo chưa quyết liệt; tiến độ xét hộ chậm, xét hộ của các xã có nhiều sai sót… Trách nhiệm thuộc về một số ngành, một số xã, thị trấn còn hạn chế, chưa tập trung triển khai theo chỉ đạo.