Nộp khoản thu lợi bất hợp pháp do vi phạm về đất đai: Vẫn vướng mắc
Thực hiện quy định buộc nộp lại khoản thu lợi bất hợp pháp do vi phạm về đất đai mà có, một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực, sát sao thu khoản tiền này. Tuy nhiên, có nơi vẫn chưa chủ động, kêu khó triển khai.
Nơi tích cực, chỗ chưa triển khai
Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đã quy định phải thu lại khoản lợi bất hợp pháp do vi phạm mà có. Tiếp đến, Nghị định 91/2019/NĐ- CP thay thế Nghị định 102 quy định rõ hơn nội dung này.
Số lợi bất hợp pháp là tiền, tài sản, giấy tờ và vật có giá có được từ hành vi vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức đó đã thực hiện. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đến năm 2023, việc triển khai thu lại khoản lợi bất hợp pháp nộp về ngân sách đối với các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai mới được triển khai trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, các trường hợp vi phạm như: Sử dụng đất sang mục đích khác mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; lấn chiếm, chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất không đủ điều kiện theo quy định..., ngoài bị xử phạt hành chính còn phải thực hiện một số biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó có việc phải nộp lại khoản thu lợi bất hợp pháp.
Việc xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được thể hiện trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Khoảng thời gian để tính số lợi bất hợp pháp là từ khi có hành vi vi phạm đến thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm hoặc có quyết định xử phạt hoặc quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Thực hiện nhiều hành vi vi phạm thì xác định số lợi bất hợp pháp có được theo từng hành vi; thực hiện vi phạm nhiều lần thì xác định số lợi bất hợp pháp có được từng lần một.
Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU (Chỉ thị 19) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, đến nay, toàn tỉnh mới có một số huyện như Lạng Giang, Yên Thế, Lục Nam và Yên Dũng tổ chức thu được khoản lợi bất hợp pháp. Địa phương làm được nhiều nhất là huyện Lạng Giang. Tính từ tháng 6/2023 đến nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lạng Giang đã lập hồ sơ xử phạt 32 trường hợp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, buộc các đối tượng vi phạm nộp lại tổng số tiền thu lợi bất hợp pháp gần 738 triệu đồng.
Ông Nghiêm Phú Sơn, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Lạng Giang cho biết: “Đến thời điểm này, nhiều cá nhân, hộ gia đình vi phạm đã nộp khoản tiền thu lợi bất hợp pháp vào ngân sách nhà nước. Xã Đào Mỹ có 7 trường hợp vi phạm đều đã nộp khoản thu lợi bất hợp pháp. Các xã, thị trấn đang tiếp tục thiết lập hồ sơ xử lý các trường hợp còn lại”.
Cùng với huyện Lạng Giang, quá trình xử lý vi phạm được rà soát, phát hiện theo Chỉ thị 19, các huyện Yên Thế, Yên Dũng đã đưa nội dung thu lại khoản lợi bất hợp pháp vào trong các quyết định xử phạt. TP Bắc Giang và các huyện còn lại như Sơn Động, Lục Ngạn, Hiệp Hòa, Tân Yên, Việt Yên chưa tổ chức thu khoản tiền này. Riêng huyện Lục Nam đã ban hành quyết định xử phạt, yêu cầu nộp lại khoản thu lợi bất hợp pháp đối với một số trường hợp vi phạm nhưng chưa thu được, do đối tượng vi phạm chưa hợp tác.
Tránh mỗi nơi mỗi kiểu
Lý giải về việc chưa buộc cá nhân, hộ gia đình, tập thể vi phạm về đất đai phải nộp lại khoản tiền thu lợi bất hợp pháp do vi phạm mà có, lãnh đạo phòng TN&MT ở các địa phương chưa thực hiện nêu nhiều lý do.
Quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai đều có điều khoản quy định rõ các trường hợp phải nộp lại khoản thu lợi bất hợp pháp và phương thức tính toán cụ thể. Đơn vị, địa phương chưa quan tâm triển khai là do chưa tích cực nghiên cứu để nắm rõ quy định”.
Ông Phí Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở TN&MT.
Đại diện Phòng TN&MT TP Bắc Giang cho rằng, các trường hợp vi phạm thống kê theo Chỉ thị 19 chuyển từ đất nông nghiệp sang xây dựng nhà cửa, công trình trên địa bàn TP rất ít và hầu hết đã quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính nên đơn vị chỉ lập danh sách, thiết lập hồ sơ để quản lý chứ không xử phạt, không buộc nộp lại khoản thu lợi bất hợp pháp.
Hơn nữa việc buộc đối tượng vi phạm nộp lại khoản lợi bất hợp pháp khó thực hiện do chưa biết tính như thế nào...
Trao đổi nội dung này, bà Nguyễn Thị Yên, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Tân Yên thông tin, việc yêu cầu các trường hợp vi phạm phải nộp lại khoản lợi bất hợp pháp rất khó khăn. Các trường hợp vi phạm trước ngày 1/7/2014 rà soát, thống kê theo Chỉ thị 19 trên địa bàn huyện hầu hết đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính nên không thể thu lại khoản lợi bất hợp pháp.
Đối với các vi phạm sau ngày 1/7/2014, toàn huyện còn vài chục trường hợp song việc xử lý vi phạm nan giải do nhiều hộ xây nhà ở trên đất nông nghiệp, theo quy định phải tháo dỡ trả lại nguyên hiện trạng, trong khi các hộ này không còn đất ở khác. Nếu phải cưỡng chế tháo dỡ thì việc thu lại khoản lợi bất hợp pháp càng khó khả thi. Đại diện lãnh đạo Phòng TN&MT một số huyện khác lại cho rằng, quy định về cưỡng chế thu hồi khoản tiền thu lợi bất hợp pháp vẫn chưa cụ thể, chi tiết nên các đơn vị còn băn khoăn, lo ngại thực hiện không đúng gây khiếu kiện.
Ông Phí Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở TN&MT khẳng định: “Nghị định 91/NĐ-CP và Nghị định 04/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai đều có điều khoản quy định rõ các trường hợp phải nộp lại khoản thu lợi bất hợp pháp và phương thức tính toán cụ thể. Địa phương chưa quan tâm triển khai là do chưa tích cực nghiên cứu để nắm rõ quy định”.
Quy định buộc nộp lại khoản thu lợi bất hợp pháp trong quá trình xử lý vi phạm về đất đai là nội dung mới được triển khai, khó tránh khỏi những vướng mắc. Để quy định được thực hiện nghiêm, nhất là trong xử lý các vi phạm phát hiện theo Chỉ thị 19, góp phần tăng thu ngân sách, ngăn ngừa vi phạm, Sở TN&MT nên có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục thiết lập hồ sơ; bảo đảm việc tổ chức khoản thu này được thực hiện thống nhất, khách quan tại các huyện, TP, tránh tình trạng nơi làm, nơi không hoặc mỗi nơi tổ chức làm một kiểu.
Tuấn Dương