Nộp lại bao nhiêu tiền nhận hối lộ thì thoát án tử hình?
Mới đây, theo kết luận điều tra của cơ quan chức năng, trong vụ án sai phạm của Công ty AIC tại Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Tử Quỳnh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã tự nguyện nộp lại tổng cộng 10,1 tỷ đồng nhận từ AIC và 1 bị can khác. Dư luận đặt câu hỏi, vậy số tiền nhận hối lộ nộp lại bao nhiêu thì sẽ thoát án tử hình?
Sai phạm của AIC tại Sở Y tế Bắc Ninh
Nộp lại 10,1 tỷ tiền nhận hối lộ
Trong kết luận điều tra vụ án liên quan Công ty AIC xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh và cựu Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến về tội “Nhận hối lộ”.
Theo tài liệu, năm 2013, ông Nguyễn Tử Quỳnh là Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách mảng văn xã, sau đó giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh. Thời điểm này, các bị can thuộc Công ty Sông Hồng và Công ty AIC thỏa thuận chia nhau đấu thầu 6 gói thầu tại các bệnh viện trong tỉnh. Công ty Sông Hồng thực hiện 3 gói thầu tại bệnh viện các huyện: Yên Phong, Tiên Du, Quế Võ. Còn Công ty AIC thực hiện 3 gói tại các huyện Gia Bình, Thuận Thành, Lương Tài.
Theo kết luận, quá trình đấu thầu, các bị can đã dùng thủ đoạn trái pháp luật, tung công ty quân xanh để thông thầu, nâng giá. Cuối cùng, toàn bộ 6 gói thầu đều được bàn giao cho hai DN trên và gây thiệt hại cho Nhà nước 48 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định, ông Nguyễn Tử Quỳnh với động cơ vụ lợi đã tạo điều kiện cho 2 DN trúng các gói thầu trái quy định của pháp luật.
Sau khi trúng thầu, năm 2013, Công ty Sông Hồng đã "biếu" bị can Trần Văn Tuynh - cựu Giám đốc Ban quản lý dự án công trình xây dựng y tế Bắc Ninh 6 tỷ đồng. Nhận được quà, bị can Tuynh mang đến gặp ông Quỳnh tại phòng làm việc, nhưng ông Quỳnh từ chối nhận vì ngại.
Từ năm 2015-2017, bị can Tuynh tiếp tục đến gặp ông Quỳnh vào các dịp lễ, Tết hay ngày kỷ niệm. Lúc đi, bị can Tuynh thường mang theo túi quà đựng rượu, hộp chè kèm theo phong bì đựng 200 triệu đồng. Cơ quan điều tra làm rõ, tổng cộng Tuynh đã đưa cho ông Quỳnh 1 tỷ đồng.
Đến khi Công ty AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trúng thầu, giai đoạn 2013-2019, bà Nhàn tiếp tục đến phòng làm việc của vị cựu Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh để biếu quà.
Theo điều tra, vào các dịp lễ, Tết… bà Nhàn gặp ông Quỳnh và cảm ơn số tiền từ 300 triệu đồng đến 2 tỷ đồng. Tổng cộng, ông Nguyễn Tử Quỳnh bị cáo buộc nhận từ phía bà Nhàn 9,1 tỷ đồng.
Cũng theo kết luận điều tra, ông Nguyễn Tử Quỳnh nhận thức việc Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Trần Văn Tuynh đưa cho Quỳnh tổng số tiền 10,1 tỷ đồng là số tiền hưởng lợi bất hợp pháp. Bị can Quỳnh và gia đình đã tự nguyện khắc phục 10,1 tỷ đồng.
Nhận định từ chuyên gia pháp lý
Dưới góc độ pháp lý, theo luật sư Nguyễn Thị Yến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, theo khoản 1, Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015, tội “Nhận hối lộ” là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc trung gian nhận hoặc sẽ bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Hình phạt đối với người nhận hối lộ, người phạm tội nhận hối lộ sẽ có 3 khung. Khung 1 phạt tù từ 2 năm đến 7 năm đối với hành vi nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; lợi ích phi vật chất.
Khung 2 phạt tù từ 7 năm đến 15 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tổ chức; lạm dụng chức vụ, quyền hạn; của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; gây thiệt hại về tài sản từ 1 tỷ đến dưới 3 tỷ đồng; phạm tội 02 lần trở lên; biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước; đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
Khung 3 phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên; gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Cũng theo luật sư Nguyễn Thị Yến, tử hình được quy định trong Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên, hình phạt này không áp dụng đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Ngoài ra, theo Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ được quy định như sau:
Trong quá trình tố tụng, người phạm tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.
Xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt, miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 Bộ luật Hình sự 2015 đối với người phạm tội có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc phạm tội lần đầu, là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể nếu thuộc trường hợp người phạm tội sau khi bị phát hiện đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra…''