Nộp thuế bán hàng online: Đau dài chi bằng đau ngắn

Việc nộp thuế khi bán hàng online không chỉ góp phần bảo vệ người tiêu dùng, người bán hàng mà còn ngăn chặn các vi phạm diễn ra trong môi trường trực tuyến, hạn chế thất thu thuế. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng các quy định về nộp thuế kinh doanh online còn rắc rối nên tìm cách né nộp thuế.

Theo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), tính đến tháng 6/2023 đã có hơn 53.000 cá nhân và 14.800 tổ chức bán hàng trên các sàn thương mại điện tử (Sendo, Shopee, Lazada) nhưng chưa kê khai doanh thu để nộp thuế…

Bảo nhau cách... né nộp thuế

Thực trạng này được cho là do người kinh doanh online vẫn chưa nắm bắt được các quy định của pháp luật nên chưa chủ động trong kê khai và nộp thuế theo quy trình. Chính vì vậy mà cơ quan thuế đã phải có “giấy mời” các cá nhân, tổ chức này lên cơ quan thuế địa phương để làm việc.

Chị Lê Thủy (Bắc Giang) đang bán mặt hàng gia dụng và cây cảnh online trên trang cá nhân và sàn Lazada gần đây đã được Cục thuế gọi lên làm việc về vấn đề kê khai doanh thu, nộp thuế. “Tôi đã nghe đến vấn đề nộp thuế nhưng vẫn chưa hiểu và nghĩ chắc mình chưa đến mức phải nộp nên không để ý, khi hỏi ra mới biết là cơ quan thuế tra thông tin bên đơn vị giao hàng”, chị Thủy cho biết.

Cũng chưa hiểu rõ quy trình, không biết phải bắt đầu từ đâu, chị Phạm Thị Hoa (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng mình đang bán hàng trên Shopee, hiện đã có mã số thuế cá nhân rồi nhưng không biết có cần đi đăng ký kinh doanh không. Và trước thì chị bán hàng ở Bắc Ninh, giờ chuyển lên Hà Nội nộp thuế ở đâu?

Dù bán hàng qua sàn thương mại điện tử hay trang cá nhân theo hình thức thu cod thì người kinh doanh online vẫn phải nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Dù bán hàng qua sàn thương mại điện tử hay trang cá nhân theo hình thức thu cod thì người kinh doanh online vẫn phải nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Vậy nhưng, thay vì làm theo hướng dẫn của cơ quan thuế hay đi hỏi các đơn vị liên quan để được hướng dẫn và hoàn thành nghĩa vụ theo quy định pháp luật, nhiều người bán hàng online lại... chỉ cho nhau cách né nộp thuế như: Nếu có gửi hàng chuyển phát nhanh thì yêu cầu chuyển khoản trước, không thu cod hoặc yêu cầu khách hàng ghi nội dung chuyển tiền bằng các nội dung có ký hiệu riêng, dặn khách không ghi nội dung gì…

Theo những người này, họ né nộp thuế bởi thời buổi hiện nay, bán hàng online phải cạnh tranh rất khốc liệt. Những người phải nộp thuế thường phải thuê kho hàng. Dù bán trên các nền tảng thương mại điện tử thì người kinh doanh cũng phải nộp các loại thuế, phí từ lúc đăng ký cho đến hàng tháng. Ngoài ra còn tiền thuê nhân viên, thậm chí phải sử dụng lao động trong nhà làm theo kiểu lấy công làm lãi nên "nếu phải nộp thuế thì có khi chẳng có lãi lời gì".

Nộp hay bị phạt?

Theo quy định, cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên phải nộp thuế theo tỷ lệ thuế đối với từng ngành nghề trên tổng doanh thu. Bởi bán hàng online là hoạt động phân phối, cung cấp hàng hóa nên tỷ lệ thuế giá trị gia tăng cho hoạt động này là 1%, tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 0,5%.

Đối với những người làm trên nền tảng YouTube, Facebook, Google có thu nhập sẽ nộp mức thuế là 7% trên thu nhập (bao gồm 5% thuế giá trị gia tăng, 2% thuế thu nhập cá nhân).

Như vậy, dù là kinh doanh online thông qua các sàn thương mại điện tử hay trên trang cá nhân theo hình thức thu cod thì cá nhân, đơn vị kinh doanh đều phải thực hiện nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Theo các chuyên gia, thay vì né nộp thuế thì các cá nhân, đơn vị kinh doanh online nên chủ động nộp thuế vì cơ quan quản lý hiện này có thể kiểm tra và phát hiện bằng nhiều cách: thông qua các đơn vị giao hàng, các sàn thương mại điện tử, yêu cầu người kinh doanh online in sao kê tài khoản và tài khoản giao dịch càng nhiều thì bị cơ quan quản lý mời lên giải trình.

Cụ thể hơn, Nghị định số 91 năm 2022 của Chính phủ đã quy định, các chủ sàn giao dịch thương mại điện tử phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế định kỳ hằng quý thông qua cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế, thời hạn chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau. Chính vì vậy mà những người kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử khó có thể né được việc nộp thuế.

Chị Nguyễn Hướng Dương (Vân Canh, Bình Định) cho biết, có thể nhiều người kinh doanh online từ trước đến giờ chưa nộp thuế nên chưa biết quy trình, thủ tục như thế nào. Nhiều người đến cơ quan thuế dù được hướng dẫn nhưng cũng bất ngờ vì quy trình giấy tờ thủ tục rất nhiều nên tốt nhất là đóng thuế theo đúng quy định và đúng thời gian, vì quá hạn thì sẽ phát sinh thêm giấy tờ thủ tục cho chính người kinh doanh online và còn bị phạt bằng từ 1-3 số tiền nộp thuế.

“Vậy, đau dài chi bằng đau ngắn, cứ nghĩ là nộp thuế tức là bán được nhiều hàng và bán được nhiều hàng nghĩa là kinh doanh tốt”, chị Nguyễn Hướng Dương chia sẻ

Còn anh Lê Việt Hà, chủ shop kinh doanh online đồ nam ở Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, với doanh thu một năm 600 triệu đồng, số tiền đóng thuế mà anh phải đóng là hơn 10 triệu đồng. Việc nộp thuế đầy đủ, theo anh, là tốt hơn. Trước đó, vợ chồng anh chưa đăng ký kết hôn, bán hàng trên sàn thương mại điện tử bằng 2 tài khoản khác nhau thì không những phải nộp thuế mà còn bị phạt.

TS Lê Đạt Chí (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho biết, kinh doanh và nộp thuế là chuyện không có gì phải bàn cãi nhưng thực chất người kinh doanh ở Việt Nam chưa nắm bắt được các quy trình nộp thuế nên các cơ quan thuế cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn quy trình cho người dân tại các địa phương thì sẽ nâng cao được tính tự giác, tránh thất thu thuế của Nhà nước.

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/nop-thue-ban-hang-online-dau-dai-chi-bang-dau-ngan-1095643.html