Nord Stream 2 trước nguy cơ đi vào 'ngõ cụt'

Nhiều tuần qua, Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đã sẵn sàng luân chuyển khí đốt từ Nga sang Đức nhưng đột nhiên bị dừng lại mà chưa định rõ ngày khơi thông.

Một cơ sở trong hệ thống đường ống Nord Stream 2 ở khu Lubmin, bang Mecklenburg-Vorpommern, Đức. Ảnh: REUTERS

Một cơ sở trong hệ thống đường ống Nord Stream 2 ở khu Lubmin, bang Mecklenburg-Vorpommern, Đức. Ảnh: REUTERS

Công bố lần đầu tiên vào năm 2015, đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức trị giá 11 tỷ USD thuộc sở hữu của tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) được xây dựng để cùng Nord Stream 1 tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu. Đường ống này dọc đáy Biển Baltic có tổng chiều dài 1.230km, công suất dự kiến khoảng 55 tỷ m3/năm.

Khủng hoảng năng lượng bao trùm châu Âu đang ngày càng trầm trọng hơn khi “lục địa già” bước vào mùa đông. Trữ lượng khí đốt ít ỏi khiến giá tăng vọt gấp 8 lần so với đầu năm. Nord Stream 2 dự kiến vận hành vào cuối năm giúp giải quyết khủng hoảng, mang tới cho người dân châu Âu nguồn cung năng lượng lớn. Song, dự án đang vướng vào nhiều rào cản pháp lý về cấp phép hoạt động. Hiện, Nord Stream 2 đang chờ hoàn tất thủ tục cấp phép của cơ quan quản lý Đức và Liên minh châu Âu (EU). Theo thông báo mới đây của cơ quan quản lý năng lượng Đức, chưa thể phê duyệt chính thức cho Nord Stream 2, ít nhất là đến giữa năm 2022.

Theo bình luận của giới chuyên gia chính trị quốc tế, đường ống này sẽ vận chuyển khối lượng lớn khí đốt thẳng từ Nga tới Đức, thay vì phải đi qua các nước trung chuyển Ukraine và Ba Lan như hiện nay. Vì vậy, Nord Stream 2 vấp phải sự phản đối gay gắt từ một số nước phương Tây. Theo giới chuyên gia quốc tế, luận điểm Nga sử dụng khí đốt làm “vũ khí” đe nạt các nước phương Tây là điều viển vông, bởi ngoài Nga, châu Âu vẫn còn nhiều nguồn cung thay thế nếu Nga thực sự có những hànhh động tiêu cực.

Mặt khác, chính phủ mới vừa được thành lập của Đức cũng có những động thái khác biệt so với chính quyền của cựu Thủ tướng Angela Merkel. Trước sức ép từ phương Tây, tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định, việc trì hoãn chấp thuận Nord Stream 2 không phải vì chính trị, trong khi tân Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết, việc chấp thuận cấp phép đường ống này phải dựa trên cơ sở pháp luật của châu Âu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối tuần trước nhận định rằng, có những nước đang trì hoãn vận hành Nord Stream 2 bởi lượng khí đốt được vận chuyển lớn hơn các nguồn cung trên thị trường châu Âu và chắc chắn làm giảm ngay giá cả thị trường, tác động đến lợi ích của nhiều bên. Nhiều chuyên gia cho rằng, Nord Stream 2 đang đứng trước nguy cơ tạm dừng trong khoảng thời gian dài vì những mâu thuẫn phức tạp của các nước phương Tây. Đức có thể sẽ là nước chịu thiệt hại khi không thể tiếp cận trực tiếp khí đốt từ Nga mà phải thông qua đường ống của các nước trung chuyển, điều này sẽ cản trở tham vọng Đức trở thành trung tâm khí đốt cho châu lục. Mặt khác, Nord Stream 2 chưa hoạt động cũng khiến Đức và Áo vẫn phải chịu áp lực giá khí đốt tăng cao.

Ở chiều ngược lại, nhiều chuyên gia cho rằng, Nga là nước thiệt thòi nhất. việc Nord Stream 2 dừng lại không gây ảnh hưởng đáng kể đến lượng khí đốt đến châu Âu vì vẫn có thể đi qua các đường ống hiện có và Nga vẫn sẽ phải chuyển khí đốt dựa vào hệ thống truyền dẫn của Ukraine. Trong khi đó, Ba Lan đang có ý định trở thành một trung tâm khí đốt mới tại khu vực. Hiếm có dự án kỹ thuật nào đặt ra nhiều vấn đề như Nord Stream 2, thậm chí, triển vọng hiện thực hóa dự án này cũng nhiều lần có nguy cơ đi vào “ngõ cụt”. Một danh sách dài các mối nguy hại về kinh tế, chính trị khu vực có thể do dự án này gây nên được vạch ra, song, nhiều học giả cho rằng, đây là một sự cường điệu hóa các quan điểm để kìm hãm dự án được triển khai.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nord-stream-2-truoc-nguy-co-di-vao-ngo-cut-post446804.html