'Nốt trầm' sau những bản án ly hôn 'yêu sớm, cưới vội'
Những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi chơi bỗng chốc làm bố, làm mẹ. Trong số những cặp vợ chồng 'trẻ con' đó, không ít trường hợp ly dị sau thời gian ngắn chung sống.
Phía sau mỗi bản án...
Mặc dù có giảm bớt so với trước đây, nhưng tình trạng tảo hôn vẫn dai dẳng trong cộng đồng dân tộc ít người ở Thanh Hóa và kìm hãm họ trong vòng luẩn quẩn của đói nghèo, lạc hậu. Tình trạng này diễn ra chủ yếu ở các thôn, bản vùng sâu, xa, thuộc một số huyện miền núi của tỉnh.
Đơn cử, trường hợp của em Hờ Thị Chư và chồng là Giàng A Vệt (tên 2 nhân vật đã được thay đổi) cùng SN 1999, thuộc diện hộ nghèo nhất nhì bản Pha Đén, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.
Như nhiều trai gái người Mông khác, năm 2015 lúc chưa đầy 16 tuổi, họ được gia đình tổ chức đám cưới để về chung một nhà. Khi những rẫy sắn, nương ngô không thể đủ bữa cho gia đình 5 miệng ăn, hai người đã quyết định gửi 3 đứa con nhỏ nhờ ông bà nội nuôi nấng, rồi khăn gói ra Bắc Ninh làm công nhân từ khoảng năm 2018.
Những tháng ngày làm công nhân, vợ ca ngày, chồng ca đêm, tối vắng chồng, Hờ Thị Chư thường theo bạn đi chơi, mua những áo váy đắt tiền, làm móng tay, móng chân... Con gái Mông uống được rượu, Chư còn được những người đàn ông, đàn bà trong xóm trọ rủ rê nhậu nhẹt giải sầu. Dần dà, người này đồn thổi, người kia rỉ tai Chư có bạn trai mới. Rồi câu chuyện cũng đến tai Vệt...
Vệt bán tín bán nghi, theo dõi vợ, cuối cùng cũng chạm mặt đôi "tình nhân". Nghĩ cho các con thơ ở nhà, Vệt bỏ qua chuyện cũ, khuyên ngăn vợ mãi cũng chẳng được... Buồn đời, một thời gian sau, anh cũng bén duyên với một cô gái làm cùng công ty.
Qua nhiều lần hòa giải của hai bên gia đình, rồi chính quyền địa phương, cuối cùng chuyện vợ chồng của Hờ Thị Chư và Giàng A Vệt chính thức khép lại sau bản án của Tòa án Nhân dân huyện Mường Lát. Hạnh phúc đôi vợ chồng trẻ chia đôi từ đó, Chư và Vệt mỗi người đều vun vén cho sự lựa chọn của riêng mình. Chỉ những đứa trẻ của họ ở nhà chịu cảnh thiếu thốn, bữa đói nhiều hơn bữa no, ngô sắn nhiều hơn cơm gạo.
Hai người thuận tình ly hôn. Về trách nhiệm với 3 đứa con, đứa đầu 9 tuổi, còn đứa út mới 6 tuổi, Vệt nuôi đứa đầu và đứa út. Còn Chư nuôi đứa thứ hai. Sau phiên tòa, cả hai đều gửi chúng lại cho ông bà, nội ngoại nơi núi rừng Mường Lát để tiếp tục tha hương.
Từ một gia đình tuy nghèo nhưng đầm ấm, có bố có mẹ, giờ những đứa trẻ ấy bữa đến trường, bữa lang thang nơi góc rừng, xó núi. Chẳng ai biết, rồi cuộc sống của chúng sẽ về đâu. Chư và Vệt còn trẻ, khỏe, ai cũng có cơ hội đi tiếp bước nữa, lo hạnh phúc cho riêng mình. Nhưng sau phiên tòa, những đứa con của họ, đứa được giao cho bố, đứa theo mẹ... khiến chúng bất đắc dĩ phải chia lìa.
Số liệu đáng báo động
Đây chỉ là một trong số nhiều trường hợp tảo hôn, ly hôn tại địa phương. Một cặp vợ chồng trẻ ở bản Xi Lô, xã Mường Lý, huyện Mường Lát mới đây đã phải nhờ tòa án giải quyết ly hôn là Vàng Thị Du và Chảo A Khé cùng SN 2000 (tên nhân vật đã được thay đổi).
Hai người được gia đình tổ chức đám cưới khi mới 14 tuổi, có với nhau 3 đứa con, 1 trai, 2 gái. Rồi Khé đi làm công nhân ở tỉnh Nam Định. Sống nơi đô thị hào nhoáng, phồn hoa hơn quê mình, Khé thấy nhiều phụ nữ hơn người vợ đầu bù tóc rối nên nảy sinh thích thú... Rồi những cuộc gọi điện về thăm vợ con cứ thưa dần.
Về sau, những đồng tiền Khé gửi về quê cũng nhỏ giọt dần. Năm mấy bận chồng về thăm, chẳng lần nào Du không khóc vì những quát mắng, đánh đập. Chị nghĩ, Khé chẳng quan tâm đến gia đình, không thương mẹ con chị nữa nên viết đơn nhờ tòa án phân xử.
Tòa án Nhân dân huyện Mường Lát mở phiên tòa xét xử việc tranh chấp ly hôn và nuôi con chung của họ. Chảo A Khé vắng mặt dù đã được tòa thông báo triệu tập nhiều lần. Căn cứ theo nguyện vọng và điều kiện của hai người, hội đồng xét xử đã quyết định cho người mẹ được nuôi 3 con nhỏ. Sau ly hôn, chị Du mang những đứa trẻ về quê ở Suối Phái, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, mẹ con rau cháo nuôi nhau.
Theo thông tin từ Tòa án Nhân dân huyện Mường Lát , số vụ ly hôn của vợ chồng trẻ trên địa bàn huyện Mường Lát đang có chiều hướng tăng trong thời gian qua. Cụ thể, năm 2023 Tòa án huyện đã thụ lý, giải quyết 49 vụ án hôn nhân gia đình, tăng 10 vụ so với năm 2022.
Từ ngày 1/10/2023 đến 20/3/2024 đã thụ lý, giải quyết 30 vụ hôn nhân gia đình. Chưa kể, án ly hôn thường tăng vào dịp cuối năm; hầu hết số vụ ly hôn là thuận tình của những cặp vợ chồng trẻ.
Phía sau mỗi phiên tòa, nguyên nhân ly hôn được khái quát là do bất đồng quan điểm, không tìm được tiếng nói chung, vợ chồng thường xuyên cãi vã... Cái gốc của vấn đề có một phần là họ kết hôn còn quá sớm, khi kiến thức, kỹ năng, sức khỏe còn chưa đảm bảo.
Phần lớn số vụ này là tảo hôn, vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình. Khi đang còn tuổi ăn tuổi chơi, có thêm những đứa trẻ, lại thiếu kiến thức nên những ông bố, bà mẹ ấy dễ dàng buông bỏ gia đình cũng là điều dễ hiểu.
Hệ quả của việc lấy chồng, lấy vợ sớm, sinh nhiều con là nghèo đói, thất học. Nhưng cái vòng luẩn quẩn "Tảo hôn - sinh nhiều - nghèo đói - thất học" vẫn tồn tại trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Nó không chỉ là gánh nặng gia đình mà cho toàn xã hội.