Nova Consumer tiến vào thị trường thực phẩm tiêu dùng
Với việc thâu tóm AFF, Nova Consumer đánh dấu việc lấn sân sang lĩnh vực thực phẩm tiêu dùng sau nhiều năm hoạt động trong mảng trang trại, thức ăn chăn nuôi.
Công ty cổ phần Tập đoàn Nova Consumer thông báo chào bán ra công chúng lần đầu (IPO) 10,9 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn. Giá chào bán tối thiểu 43.462 đồng mỗi cổ phiếu, tương đương lượng vốn huy động dự kiến khoảng 474 tỷ đồng.
Số tiền huy động được, doanh nghiệp dự kiến dùng 430 tỷ đồng để mua lại phần vốn Công ty TNHH Thực phẩm Mặt Trời Mọc thuộc sở hữu Công ty cổ phần Đầu tư Tiêu dùng để phát triển chuỗi thực phẩm và gần 35 tỷ đồng để góp vốn vào công ty này.
Được biết, Công ty TNHH Thực Phẩm Mặt Trời Mọc hiện đang sở hữu 99,32% cổ phần của Công ty Thực Phẩm Gia Đình An Co (AFF), đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chế biến và sản xuất thực phẩm đóng gói. Do đó, sau khi thực hiện giao dịch, Nova Consumer sẽ gián tiếp kiểm soát chi phối AFF thông qua Công ty TNHH Thực Phẩm Mặt Trời Mọc, theo đó, Nova Consumer sẽ mở rộng danh mục sản phẩm của mình sang lĩnh vực thực phẩm hàng tiêu dùng.
AFF đang vận hành 1 nhà máy chế biến ở Đồng Nai với công suất 11,7 nghìn tấn/năm gồm 3 loại sản phẩm, tập trung sản xuất xúc xích (chiếm 70%), còn lại là thịt đóng hộp và các loại bánh từ bột gạo. Về tài sản, tính tới tháng 6/2021, tổng tài sản của AFF đạt khoảng 300 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 221 tỷ đồng. Công ty ghi nhận doanh thu đạt 284 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021 và lợi nhuận sau thuế 23 tỷ đồng.
Nova Consumer được đổi tên từ Tập đoàn Anova, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và đang mở rộng sang lĩnh vực hàng tiêu dùng. Bên cạnh việc mở rộng hệ thống phân phối, doanh nghiệp cho biết sẽ đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm và mua bán, sáp nhập (M&A) để sớm có danh mục sản phẩm đa dạng, tập trung vào ba nhóm ngành chính: thực phẩm, đồ uống và dinh dưỡng. Trong đó, các sản phẩm đồ uống hiện đại sẽ là trọng tâm.
Giai đoạn 2022 - 2024, Nova Consumer dự kiến phát triển đội ngũ bán hàng khoảng 1.500 nhân sự, mỗi nhân sự phụ trách từ 200 đến 300 điểm bán hàng. Từ năm 2025, công ty này sẽ phát triển mạnh các nền tảng phân phối O2O (Online to Offline), kết nối tốt hơn giữa nhà phân phối, cửa hàng với Nova Consumer, tạo ra liên kết trực tiếp với 250.000 điểm bán và gián tiếp trên 400.000 điểm bán hàng.
Về chiến lược phát triển, năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế và lợi ích cổ đông thiểu số lần lượt 3.700 tỷ đồng và 300 tỷ đồng. Nova Consumer đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trong giai đoạn 2022 – 2026 từ 4 đến 5 lần, đạt mức 1.300 đến 1.500 tỷ đồng.
Cơ sở của tham vọng này đến từ thế mạnh 30 năm trong lĩnh vực nông nghiệp và mở rộng sang thị trường hàng tiêu dùng, hoàn thiện mô hình 3F. Với mảng thức ăn chăn nuôi, Nova Consumer gia nhập thị trường khoảng 9 năm.
Doanh nghiệp hiện sở hữu 3 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại các địa bàn có ưu thế về địa điểm và lợi thế về chi phí nhân công, thuế. Trong đó, nhà máy Anova Feed tại Long An với năng suất đạt 130.000 tấn mỗi năm. Hai nhà máy đặt tại Đồng Nai và Hưng Yên, mỗi mỗi nhà máy đạt năng suất 300.000 tấn một năm. Tổng sản lượng của 3 nhà máy này đến năm 2025 đạt gần một triệu tấn mỗi năm.
Doanh nghiệp hiện có nhiều trang trại heo, bò, gà đạt chuẩn GlobalGAP ở các tỉnh Việt Nam với các công ty thành viên Anova Feed, Anova Farm và Anova Agri Bình Dương. Ngoài ra, Nova Consumer đang có kế hoạch hợp tác đầu tư với nhiều doanh nghiệp có kinh nghiệm để mở rộng quy mô chăn nuôi trong năm 2022.
Năm 2022, Nova Consumer lên kế hoạch hoàn thiện chuỗi 3F (từ trang trại đến bàn ăn) để sản xuất thực phẩm tươi sạch. Cùng hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu đô thị, chuỗi siêu thị, chuỗi bán lẻ... thuộc NovaGroup, đến năm 2025, Nova Consumer sẽ phát triển mạnh các sản phẩm thực phẩm tươi sống tới tay người tiêu dùng.