Novaland tái xuất mảng F&B

Hơn nửa năm kể từ ngày có thông tin Nova F&B 'bán mình' cho đối tác Singapore, mới đây, Novaland đã rục rịch tái xuất trở lại mảng F&B dưới danh nghĩa Global X.

 Novaland tái xuất mảng F&B thông qua Global X. Ảnh: Quỳnh Danh.

Novaland tái xuất mảng F&B thông qua Global X. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trong tài liệu giới thiệu về Tập đoàn Novaland được công bố hồi tháng 10/2023, CTCP Trải nghiệm toàn cầu - Global X - được giới thiệu là một mảnh ghép trong hệ sinh thái giữa Bất động sản - Dịch vụ vui chơi giải trí ẩm thực - Nghỉ dưỡng lưu trú - Du lịch thể thao.

Nhà phát triển bất động sản này còn giới thiệu Global X là công ty hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh và vận hành các tổ hợp chuyên về giải trí, ẩm thực tại Việt Nam.

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, CTCP Trải nghiệm toàn cầu được thành lập vào tháng 4/2023 với tên ban đầu là CTCP ẩm thực Tokyo Sushi do bà Nguyễn Như Xuân Trang - Tổng giám đốc của Nova Service - là Người đại diện pháp luật.

Sau đó, công ty đổi tên thành CTCP Ẩm thực châu Á và hiện tại là CTCP Trải nghiệm toàn cầu với Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Thảo Quân, Phó tổng giám đốc Nova Service. Đầu tháng 12/2023, doanh nghiệp này vừa tăng vốn điều lệ từ 1 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng.

 Lĩnh vực hoạt động của Global X được công bố trên website doanh nghiệp. Ảnh: Global X.

Lĩnh vực hoạt động của Global X được công bố trên website doanh nghiệp. Ảnh: Global X.

Là doanh nghiệp chưa đầy một năm tuổi, nhưng Global X lại đang sở hữu hàng loạt nhà hàng, quán cà phê với các thương hiệu như Dragon, Coco Thai, Tokyo House, Chillhouse, Hải Cảng, K-House, Cơm Niêu Vietnam House... Đáng chú ý, ở danh mục thương hiệu nhượng quyền còn xuất hiện 2 cái tên quen thuộc là Bon Chon và Phở Lý Quốc Sư.

Bên cạnh nhà hàng, chuỗi cà phê, Global X còn tập trung đầu tư vào mảng Beer Garden với các thương hiệu Yoyo, Warehouse, Lalaland. Đồng thời, còn có mảng Nightlife - chuyên phục vụ đồ uống có cồn, hoạt động từ tối đến rạng sáng.

Chủ yếu các thương hiệu này đều nằm tại những vị trí cũ của Nova F&B. Trong đó, đa phần các thương hiệu đều có mặt tại Novaworld Phan Thiết.

Trên thực tế, lĩnh vực F&B tại Việt Nam là miếng bánh béo bỡ khi chứng kiến sự hồi phục nhanh kể từ sau đại dịch Covid-19 đến nay. Theo Thống kê của iPOS.vn, dù kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều sức ép, song doanh thu ngành F&B tại Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao gần 610.000 tỷ đồng trong năm 2022. Đơn vị này dự báo thị trường sẽ đạt giá trị gần 1 triệu tỷ đồng vào năm 2026.

Trong đó, Golden Gate là doanh nghiệp dẫn đầu về độ phủ, quy mô cửa hàng và doanh thu. Được thành lập từ năm 2005, đến nay Golden Gate sở hữu hơn 22 thương hiệu cùng gần 400 nhà hàng đa phong cách trên 40 tỉnh thành, phục vụ 18 triệu lượt khách hàng mỗi năm. Doanh thu lợi nhuận cũng tăng trưởng mạnh, từ mức 40 tỷ đồng trong năm 2009 lên 4.800 tỷ đồng trong năm 2019, tức tăng hơn 100 lần sau 10 năm.

Riêng về Công ty Nova F&B, hiện đã được đổi tên thành CTCP IN Dining do bà Nguyễn Thanh Hà Ngọc làm Tổng giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật mới. Bà Ngọc đồng thời là Tổng giám đốc Công ty CP IN Hospitality, chủ thương hiệu trung tâm hội nghị GEM Center và White Palace.

Liên Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/novaland-tai-xuat-mang-f-b-post1456926.html