Novaland và Hưng Thịnh kiến nghị gì để gỡ khó cho thị trường bất động sản?
Tại hội nghị trực tuyến với Thủ tướng, các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều kiến nghị để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Không hình sự hóa, bảo vệ quyền tài sản doanh nghiệp tư nhân
Tại hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết số 33 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, Chủ tịch HĐQT Novaland Bùi Thành Nhơn cho biết Nghị quyết 33 của Chính phủ ban hành như một "nguồn oxy" quý báu đúng thời điểm, giúp cộng đồng doanh nghiệp không rơi vào bất ổn, kịp thời ngăn chặn nhiều hệ lụy xấu ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính, đến đà phát triển của quốc gia, đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và an sinh xã hội.
Ông Nhơn kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tháo gỡ triệt để các vướng mắc về pháp lý cho toàn bộ các dự án bất động sản trên cả nước trong thời gian ngắn nhất trên nền tảng pháp luật nhất quán thông suốt từ Địa phương - Chính phủ - Quốc hội.
Bên cạnh đó làm rõ hơn Kết luận số 14 của Đảng về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm để cán bộ địa phương có cơ sở pháp lý rõ ràng, nhằm an tâm quyết liệt hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, sáng tạo đột phá góp phần cho một nước Việt Nam phát triển.
Chủ tịch Novaland cũng kiến nghị tăng cường xây dựng bảo đảm pháp lý cho kinh tế tư nhân yên tâm phát triển. Không hình sự hóa kinh tế trên cơ sở ban hành các văn bản pháp lý. Bảo vệ quyền tài sản của doanh nghiệp tư nhân và quyền lợi ích của doanh nhân theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, ông Nhơn cũng đề nghị có chính sách khuyến khích hỗ trợ, đặc biệt cho các doanh nghiệp phải trực tiếp làm hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội tại các dự án ở những vùng khó khăn, các doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao, đô thị xanh giúp giảm phát thải, giúp phát triển địa phương tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống người dân; góp phần vào an sinh xã hội.
Để có được giấy phép xây dựng rất khó khăn
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Corp, đánh giá Nghị quyết 33 của Chính phủ đã đi vào thực tế. Tuy nhiên, hiện nay quy trình thủ tục để có được giấy phép xây dựng chưa đảm bảo vì nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan. Trong khi đó, một dự án phát triển đến được giai đoạn có giấy phép xây dựng để thi công mới tạo ra công ăn việc làm, tạo ra đơn đặt hàng cho hàng trăm ngành nghề liên quan.
“Chúng tôi mong rằng các cơ quan ban ngành từ Chính phủ đến các tỉnh, thành có giải pháp hỗ trợ đặt mục tiêu doanh nghiệp được cấp phép xây dựng để đưa dự án vào triển khai”, ông Trung nhấn mạnh.
Về tiếp cận vốn vay, ông Trung kiến nghị trong ngắn hạn ngân hàng cần điều chỉnh điều kiện cho vay linh hoạt theo từng giai đoạn như dự án có chấp thuận chủ trương đầu tư thì có thể được phép tiếp cận vốn vay. Theo ông, những vấn đề này giúp doanh nghiệp, ngân hàng, người tiêu dùng luân chuyển dòng tiền, tạo thanh khoản, tạo ra công ăn việc làm, tăng chi tiêu của người dân.
Liên quan đến đến mục tiêu chung tay tạo ra 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030 như Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã đăng ký tham gia, ông Trung đề xuất: Cần phải cho phép người mua nhà ở xã hội được phép chuyển nhượng bất động sản của mình tự do; trường hợp này có thể quy định bên nhận chuyển nhượng lại phải nộp thêm khoản tiền tương ứng phần giá trị tiền sử dụng đất nhưng người sử dụng tài sản có thể trong hoàn cảnh khó khăn họ bán được bất động sản để lo cho gia đình mình và Nhà nước có thể thu ngay được tiền mà do họ chuyển nhượng tương đương giá trị sử dụng đất
Lãnh đạo Hưng Thịnh Corp cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng nên tính tới giải pháp sử dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất (hay còn gợi là phương pháp hệ số K) như nhiều chuyên gia và Hiệp hội Bất động sản TP HCM đã kiến nghị.
Với phương pháp này, doanh nghiệp có thể tính toán được tiền sử dụng đất mình phải đóng trước khi quyết định đầu tư và hợp tác đầu tư. Nhà nước không khó khăn trong việc định giá đất.
Khi áp dụng phương pháp hệ số K, để đảm bảo nguồn thu ngân sách và hài hòa lợi ích giữa người dân - nhà nước - doanh nghiệp, đại diện Hưng Thịnh kiến nghị tăng thuế thu nhập doanh nghiệp của ngành nghề kinh doanh bất động sản lên từ 20% tăng lên 28 - 30% dưới mức thuế khai thác tài nguyên quý hiếm hiện là 32 - 50%.
Khoản thuế này đánh trực tiếp vào lợi nhuận của doanh nghiệp bất động sản chứ không phải ở chi phí đầu vào mà người tiêu dùng phải gánh. Điều này góp phần tạo thuận lợi cho đại đa số người dân tiếp cận nhà với giá hợp lý.