NPK tăng trưởng tốt, Đạm Cà Mau có hơn 8.300 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng
Trong 2 quý đầu 2023, doanh thu ure của Đạm Cà Mau giảm sâu nhưng sự tăng trưởng các mảng khác, bao gồm NPK đã phần nào bù đắp sự sụt giảm này. Mặt khác, tiền gửi tại các ngân hàng thương mại trên 3 tháng của công ty cũng tăng lên mức 8.372 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất công bố ngày 25/7, quý 2/2023 CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HoSE: DCM) mang về 3.290 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh nghiệp cho biết, doanh thu giảm chủ yếu do giá bán phân bón giảm mạnh với giá bán bình quân ure quý 2/2023 giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm trước.
Giá vốn hàng bán của doanh nghiệp lại ghi nhận tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước (đạt 2.920 tỷ đồng) nên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp còn đạt 370 tỷ đồng, giảm 72%.
Lợi nhuận sau thuế quý 2/2023 của Đạm Cà Mau đạt 289,8 tỷ đồng, giảm 71% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 2 quý đầu năm 2023, Đạm Cà Mau thu về 6.286 tỷ đồng tổng doanh thu và 6.025 tỷ đồng doanh thu thuần (giảm 26% so với mức 8.158 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm 2022).
Tại mảng ure, mức giảm diễn ra chủ yếu ở phần doanh thu xuất khẩu khi giảm tới 60% (đạt 1.316 tỷ đồng) trong khi tiêu thụ tại thị trường nội địa giảm 9,6%.
Mặc dù giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng so với kế hoạch năm đã đề ra của doanh nghiệp (xuất khẩu 225.000 tấn ure năm 2023), Đạm Cà Mau đã hoàn thành 63% so với kế hoạch, tương ứng 142.460 tấn.
Đối với mảng NPK, Đạm Cà Mau lại ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể về doanh thu tại thị trường nội địa khi tăng từ 544 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2022) lên mức 680 tỷ đồng vào nửa năm 2023. Doanh nghiệp cũng ghi nhận thêm 21 tỷ đồng từ việc xuất khẩu, trong khi cùng kỳ năm trước không có khoản này.
Doanh nghiệp cũng có thêm 196 tỷ đồng từ việc xuất khẩu phân bón và bao bì (cùng kỳ không ghi nhận doanh thu xuất khẩu).
Trong khi doanh thu giảm, giá vốn hàng bán của DCM nửa đầu năm 2023 lại tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Điều này kéo theo lợi nhuận gộp của doanh nghiệp còn đạt 939 tỷ đồng, giảm 71%.
6 tháng đầu năm 2023, khoản doanh thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp tăng 1,9 lần so với cùng kỳ năm trước, lên mức 262 tỷ đồng, phần lớn là do sự tăng trưởng lãi tiền gửi của doanh nghiệp (từ 105 tỷ đồng lên 249 tỷ đồng).
Ngược lại, chi phí tài chính giảm sâu 74%, xuống còn 8,5 tỷ đồng, chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá (từ 25,2 tỷ đồng xuống 4,9 tỷ đồng).
Các khoản chi phí khác như bán hàng, quản lý doanh nghiệp lần lượt ghi nhận +42% và -55% so với cùng kỳ năm trước.
Khấu trừ các khoản chi phí, Đạm Cà Mau thu về 519 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 79% so với cùng kỳ năm trước.
So với kế hoạch năm 2023, Đạm Cà mau đã hoàn thành 47% về doanh thu và 37% về lợi nhuận.
Theo DCM, 6 tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Giá phân bón vẫn trong xu hướng giảm (bình quân giảm 30-40% so với năm 2022), hiện vẫn duy trì ở mức thấp. Chi phí nguyên liệu khí lại tăng cao so với kế hoạch do giá dầu FO duy trì mức cao, làm giá thành sản xuất không cạnh tranh với đa số nguồn hàng từ các khu vực sản xuất ure đi từ khí thiên nhiên.
Tình hình lạm phát của kinh tế thế giới và chính sách thắt chặt tiền tệ của FED đã đẩy giá nguyên liệu đầu vào từ nguồn hóa thạch tăng lên cao, tác động rất lớn đến chi phí giá thành và làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của Đạm Cà Mau.
Bên cạnh đó, các vấn đề về cạnh tranh với phân bón nhập ngoại ngày càng gay gắt, tình trạng dư cung phân bón nói chung và phân bón NPK nói riêng; nông sản đầu rau quả nông nghiệp không mấy triển cũng tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh của DCM thời gian qua.
Trên bảng cân đối kế toán, tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của Đạm Cà Mau ở mức 15.599 tỷ đồng, tăng thêm 1.433 tỷ đồng so với mức 14.166 tỷ đồng ngày đầu năm 2023. Trong đó, khoản tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng của doanh nghiệp tại các ngân hàng thương mại đã tăng từ 6.812 tỷ đồng lên 8.372 tỷ đồng.
Tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn của Đạm Cà Mau ở mức 2.108 tỷ đồng, giảm 0,7% so với mức 2.124 tỷ đồng ghi nhận ngày đầu năm. Đến 30/6, doanh nghiệp có thêm 30 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn dưới 3 tháng (đầu năm không ghi nhận con số này).
Hàng tồn kho của doanh nghiệp ghi nhận giảm 121 tỷ đồng trong nửa năm, xuống còn 2.300 tỷ đồng.
Tính đến 30/6, tổng nợ của doanh nghiệp đạt 4.519 tỷ đồng, tăng 1.003 tỷ đồng so với mức 3.561 tỷ đồng ngày đầu năm 2023. Biến động chủ yếu mục dự phòng phải trả ngắn hạn, tăng từ 679 tỷ đồng lên 1.293 tỷ đồng (tăng thêm 542 tỷ đồng chi phí tiền khí và 71 tỷ đồng chi phí bảo dưỡng tổng thể).