NSND chèo Thanh Tâm: Khổ luyện mới thành tài
Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Thanh Tâm có may mắn là chồng làm cùng nghề. Điểm tựa ấy tạo động lực giúp chị dành mọi tâm huyết cho từng vai diễn. Tuy vậy, đời sống nghệ sĩ nhiều lúc chông chênh muốn bỏ nghề, rồi lại có lúc vịn câu chèo mà đứng dậy.
NSND Thanh Tâm. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Sinh ra ở làng Tạnh Xá (nay thuộc phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa), NSND Thanh Tâm bén duyên chèo từ bé. Mỗi lần trên Đài Tiếng nói Việt Nam có chương trình dạy và hát dân ca là chị không thể rời. Khi Đoàn Nghệ thuật Chèo (nay đã sáp nhập vào Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa) về làng tuyển diễn viên, chị rụt rè tham gia và bén duyên từ thuở đó, năm 1979. Quá nhút nhát, vào đoàn chị cũng không phát huy được năng lực. Có thời điểm chị định bỏ nghề nhưng nhờ sự động viên của các cô chú và hơn hết vì mê chèo, dần dần tiếng í ì i ngấm lúc nào không biết. Cũng bởi mê chèo mà chị suốt ngày ngồi bên cánh gà nghe và xem các cô chú diễn. NSND Thanh Tâm chia sẻ: “Năng khiếu cũng chỉ một phần, còn phải khổ luyện mới thành tài được”.
Sau lần ngồi ghế Ban Giám khảo Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Chèo toàn quốc năm 2020 tại Hà Nam, NSND Thanh Tâm càng thấu hiểu sự khắc nghiệt của nghề. Hồi tưởng về thời vàng son của nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật chèo nói riêng, chị thấy mình và những người cùng thế hệ còn may mắn. Khi đó các phương tiện giải trí ít, nhiều người mê chèo, yêu chèo. Giờ đây, thầy già con hát trẻ, số lượng biên chế bị hạn định, hợp đồng cũng không được ký, nhiều diễn viên dù rất có khả năng cũng không trụ nổi.
Sau thế hệ của NSND Thanh Tâm, kế tiếp là Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Thu Hài, Thương Hiền... Đoàn Nghệ thuật Chèo đang vất vả để tìm được một “đào” sáng sân khấu được cả thanh cả diễn. Vừa buồn vừa thương là cảm giác của một người đi trước như chị. Vì quá nhiều áp lực về kinh tế mà các diễn viên trẻ ít sự khổ luyện, ít đam mê, ít dành tình yêu cho chèo.
Giờ đây, đã ngoài 60 tuổi, đi qua quá nhiều vất vả của nghề và của cuộc sống, NSND Thanh Tâm thỉnh thoảng nhớ lại những khó khăn đã vượt qua. Chị chia sẻ: “Ngày ấy, trong căn phòng hơn 30m2 ở Khu tập thể Nhà hát Nhân dân, 4 người chui vào chui ra, lại còn nuôi thêm 3 con lợn. Chồng tôi ngoài giờ lên đoàn, là đi đóng gạch tro lò thuê, rồi đi buôn. Còn tôi, cứ 2-3 giờ sáng đạp xe lên cầu Thiều mua lúa về xát gạo đem bán và kiếm chút cám gạo nuôi lợn. Tôi chỉ dám mong đủ ăn và dư dật tí ti để con cái học hành. Nhiều khi đau ốm, khan tiếng, thậm chí nằm liệt cả tuần nhưng vẫn phải gắng gượng lên sân khấu. 50 con người trông chờ vào đêm diễn, chí ít là được mấy nghìn đồng bồi dưỡng, khiến không phải riêng tôi mà tất cả đều phải cố gắng. Thậm chí mang thai đôi mà tôi cũng không biết, 6 tháng vẫn còn diễn, chạy qua chạy lại và phải nịt bụng thường xuyên”.
Ai trong nghề cũng biết NSND Thanh Tâm chỉ cần hóa trang xong bước lên sân khấu là sống và nhập vào nhân vật, quên hết tất cả xung quanh. Là diễn viên đa năng, khi trẻ chị đã rất thành công trong các vai diễn: Tấm trong Tấm Cám, hoàng hậu Dubai trong Hoàng hậu Ba Tư, Gru-chơ trong vở Vòng phấn Kavka... Sau này là các vai phản diện, như: Mụ Quán trong trích đoạn Xúy Vân giả dại, Mỹ Kim trong Cà phê chín đỏ...
Chia sẻ về những vai diễn mẫu trong chèo, chị cho biết: “Tôi vẫn nói với các diễn viên trẻ rằng, mỗi người một phong cách riêng, duyên nghề và duyên sân khấu khác nhau. Để lấy được cảm tình của khán giả thì diễn viên phải hóa thân vào nhân vật chân thật nhất với những câu nói từ đáy lòng, chứ không phải từ đầu lưỡi thốt ra”.
Nổi tiếng ngay lần đầu tham gia Hội diễn sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990 tại Thái Bình với vai nàng Mai trong Đồng tiền vạn lịch. Chị còn nhớ trước khi tham gia hội diễn, vở này được quay phát trên truyền hình, gương mặt của các diễn viên được khán giả ghi nhớ. Vì thế, mỗi lần đoàn đi diễn, chỉ cần nhìn thấy xe ô tô có dòng chữ Đoàn Nghệ thuật Chèo Thanh Hóa và cái giỏ rất to (đạo cụ) là mọi người đã reo: Đoàn chèo Thanh Hóa ơi, vào ăn cơm miễn phí... Rồi những tiếng hỏi: Nàng Mai đâu? Nàng Mai đâu rồi? Hay như năm 1993, chị tham gia vai Tấm trong vở chèo Tấm Cám, nhiều người nghe chị cất lời đã ồ lên: Là nàng Mai của Đồng tiền vạn lịch. NSND Thanh Tâm chia sẻ: “Mệt nhọc vất vả nhưng đổi lại mình được phục vụ hàng ngàn người. Đó là những thời khắc vinh quang của đời diễn viên. Điều đó đã bù đắp lại những khó khăn vất vả để mình tiếp tục theo đuổi nghiệp”.
Năm 1997, ở tuổi 34 chị là người trẻ nhất được phong tặng danh hiệu NSƯT lúc bấy giờ. Đến năm 2017, chị được phong tặng danh hiệu NSND. Nhắc lại những dấu mốc ấy, NSND Thanh Tâm, cho biết: “Chưa bao giờ trong đầu tôi nghĩ và quan tâm đến các danh hiệu. Tôi chỉ tâm niệm là diễn và cháy hết mình trên sân khấu. Bởi, chỉ rất nhanh thôi sau những giây phút thăng hoa, cánh màn nhung khép lại, là những vất vả, lo toan cuộc sống”. Nhưng may mắn là sau tất cả những chùng chình, chông chênh, NSND Thanh Tâm không cho phép mình giữa đường đứt gánh.
Đến nay chị vẫn nghĩ, nghề đi với nghiệp. Đời diễn viên với chị vinh quang nhiều hơn cay đắng. Gần đây nhất, trước khi dịch COVID-19 xuất hiện, đoàn đi diễn ở Yên Định. 5 giờ chiều bà con trải chiếu choán chỗ. “Chúng tôi vui ơi là vui, như được sống lại những năm mới vào nghề. Vở diễn xong rồi mà bà con vẫn ngồi lại, không muốn ra về”, chị kể.
Phải khẳng định, kể từ hội diễn năm 1990, Đoàn Nghệ thuật Chèo Thanh Hóa qua các kỳ hội diễn đều ghi được dấu ấn nghệ thuật trong lòng đồng nghiệp và khán giả. Lớp lớp thế hệ thành danh khẳng định tên tuổi của mình. Tuy vậy, đã mang cái kiếp cầm ca, bên trong những câu hát ngọt ngào là những đau đáu của người nghệ sĩ về đời sống. Biết bao giờ nghệ sĩ mới sống nhàn nhã? Tôi vẫn tự hỏi: Sống sung sướng đủ đầy, liệu nghệ sĩ có còn đau cái đau của nhân vật, còn nhỏ lệ với những thân phận nhỏ bé, đơn độc? Sự thực thì các nghệ sĩ hiện nay đã có đời sống khá hơn nhiều, dù họ phải chân trong chân ngoài.
Dù đã nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội, NSND Thanh Tâm vẫn tham gia một số vai diễn cùng Đoàn Nghệ thuật Chèo. “Bỏ âu lo bớt ưu phiền/ Tĩnh tâm tìm chút bình yên riêng mình”, dẫu hát đi hát lại nhiều lần, nhưng chị vẫn đau đáu vì chưa tìm được người nối nghiệp ưng ý, chưa có những cô đào vừa hát hay vừa diễn giỏi.