NSND Đặng Nhật Minh: 'phim là người và người là phim'

Ông được nhận giải 'Thành tựu điện ảnh' tại Liên hoan phim quốc tế Đà Nẵng và lần đầu tiên có một hội thảo quốc tế bàn về phong cách nghệ thuật của một đạo diễn hàng đầu Việt Nam. Ông Jean Mark Theroanne - đồng sáng lập, đồng Giám đốc Liên hoan phim châu Á Versoul (Pháp) - gọi đạo diễn Đặng Nhật Minh là 'đạo diễn Việt Nam vĩ đại'. Còn với ông, 'phim là người và người chính là phim'.

1.Có lẽ, đó cũng là những khoảnh khắc hiếm có trong cuộc đời làm nghệ thuật của vị đạo diễn hàng đầu Việt Nam, khi ông được gặp lại những "người quen" của mình, những nhân vật đã góp phần làm nên tên tuổi của ông. Họ đã ôm nhau rất chặt.

Tọa đàm về phong cách sáng tác của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh.

Tọa đàm về phong cách sáng tác của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh.

Những ký ức của một thời tuổi trẻ ùa về. Đó là cô Nguyệt (NSND Minh Châu) trong phim "Cô gái trên sông", cô Thủy (NSND Lan Hương) trong phim "Mùa ổi", thầy giáo Khang (NSND Hữu Mười) và Nam, chồng Duyên (Đặng Lê Việt Bảo) phim "Bao giờ cho đến tháng Mười", Lâm (Quang Hải), Toàn (Võ Hoài Nam), Huệ (Mai Thu Huyền) và Lê (Quách Thu Phương) phim "Hà Nội mùa đông 1946".

Tất cả họ rưng rưng xúc động chia sẻ những kỷ niệm, những bước ngoặt trong sự nghiệp khi tham gia làm phim cùng đạo diễn Đặng Nhật Minh và họ đều thành danh từ những vai diễn trong phim của ông.

"Phải rất lâu nữa, điện ảnh Việt mới có một nhân vật kiệt xuất như vậy. Chúng tôi cảm kích, biết ơn ông", NSND Minh Châu nói. Trước khi vào vai Nguyệt trong phim "Cô gái trên sông" bà từng tham gia nhiều phim khác nhưng vai Nguyệt đã mang lại cho bà một "cú nhảy vọt" trong sự nghiệp. Bà kể, từng nghe nhiều câu hỏi của khán giả là tại sao phim của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh phần lớn về đề tài phụ nữ. "Tôi chỉ nghĩ một điều, có những thân phận của những người phụ nữ Việt Nam luôn làm cho người ta động lòng và anh Đặng Nhật Minh cũng không nằm ngoài cảm xúc đó. Bản thân các nhân vật cũng nói lên rất nhiều điều trong cuộc sống và xã hội Việt Nam".

Bộ phim ra mắt lần đầu tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8 năm 1988 và đã được trao giải Bông Sen Bạc (không có Bông Sen Vàng). Khi đó, bộ phim đã tạo nên một cơn sốt vô cùng lớn tại Đà Nẵng và với NSND Minh Châu, đây cũng là một kỷ niệm đẹp trong sự nghiệp của bà. "Nhờ có bộ phim của anh Đặng Nhật Minh mà khán giả biết nhiều về tôi. Xin cảm ơn anh vì đã tạo ra được Minh Châu như ngày hôm nay", nữ nghệ sĩ xúc động bày tỏ. Còn với nghệ sĩ Lan Hương, vai diễn trong phim "Mùa ổi" đã giúp bà làm quen với điện ảnh và không còn sợ đứng sau ống kính. "Phim của anh rất kỳ lạ, chẳng hiểu sao có những phim xem đi xem lại vẫn không chán", nghệ sĩ Lan Hương nói.

Đối với đạo diễn NSND Hữu Mười, duyên gặp gỡ với đạo diễn Đặng Nhật Minh đã làm thay đổi sự nghiệp của anh. Năm 1983, khi biết đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh chuẩn bị làm "Bao giờ cho đến tháng Mười", ông đã đến tìm đạo diễn để "xin vai", nhưng không được đồng ý. Trước đó, Hữu Mười đã vào vai một thầy giáo. "Tôi mê kịch bản quá nên không từ bỏ, xin theo chân làm trợ lý. Và, may mắn, cuối cùng, ông lại được chọn vào vai thầy giáo Khang trong "Bao giờ cho đến tháng Mười" vì "chẳng tìm được ai đóng hợp hơn anh". "Phim của anh luôn khai thác tâm lý từ những lát cắt của số phận, không ồn ào mà nhẹ nhàng, sâu lắng và rất thấm. Cũng vì mê đạo diễn Đặng Nhật Minh mà sau này tôi đi học khóa đạo diễn điện ảnh, theo gót chân anh làm phim. Tôi rất cảm ơn vì anh đã chọn tôi".

Có mặt tại hội thảo về vị đạo diễn tài ba, đạo diễn Ngô Quang Hải, người đóng vai Đông trong "Hà Nội mùa đông năm 1946" bày tỏ sự biết ơn đến đạo diễn Đặng Nhật Minh. "Cháu một lần nữa cảm ơn chú, cháu là một cậu bé không biết gì cả, từ Hải Phòng lên Hà Nội để học làm diễn viên".

Anh kể, một ngày, khi đó anh đã chuyển vào TP Hồ Chí Minh sinh sống, nhận được điện thoại của NSND Đặng Nhật Minh, ông đọc thơ "Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác heo may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy" rồi nói: "Cháu ra đây, chú có một vai cho cháu". Và, anh quay ra Hà Nội. Với anh, những ngày làm phim với ông là những bài học quý giá trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật, anh học từ cách quan sát góc máy, cách chuẩn bị bối cảnh chỉn chu... Những điều này đã truyền cảm hứng cho anh trong các phim sau này, kể cả ở vai trò của diễn viên trong các phim của Trần Anh Hùng hay Phillip Noyce, hay vai trò đạo diễn.

Cũng từ bộ phim kinh điển, "Hà Nội mùa đông năm 1946" ấy, NSƯT Quách Thu Phương lần đầu tiên vào một vai diễn điện ảnh, trong khi xuất thân từ một diễn viên sân khấu. "Những gì chú mong muốn diễn viên thể hiện trong bộ phim là không diễn, mà hãy làm như ngoài đời sống thực. Chú muốn mọi thứ phải chân thực nhất, đời thường và không có gì đao to búa lớn. Đây là những điều đi suốt trong tất cả những phim sau này của cháu trong gần 30 năm qua. Nhờ những điều được chú dạy bảo", chị nói.

2. Ở góc nhìn của những người làm phê bình, nghiên cứu về sự nghiệp của đạo diễn 86 tuổi, Tiến sĩ Phạm Xuân Thạch đánh giá: "NSND Đặng Nhật Minh có thẩm mỹ vượt thời đại. Ông biến phim thành một công cụ để nói và làm xúc động một số lượng người đông nhất có thể về những vấn đề bức thiết đặt ra với xã hội". Còn ông Jean Mark Theroanne - đồng sáng lập, đồng Giám đốc Liên hoan phim châu Á Versoul (Pháp) - gọi đạo diễn Đặng Nhật Minh là "đạo diễn Việt Nam vĩ đại", "bậc thầy của điện ảnh Việt Nam". Theo ông nhận xét, phim của Đặng Nhật Minh thể hiện cái nhìn rộng lớn về xã hội Việt Nam, trong đó nổi bật hình ảnh người phụ nữ kiên cường, dũng cảm, không ngại hy sinh.

NSND Đặng Nhật Minh được trao giải “Thành tựu điện ảnh”.

NSND Đặng Nhật Minh được trao giải “Thành tựu điện ảnh”.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Phương, Viện Phim Việt Nam, đánh giá: Đạo diễn Đặng Nhật Minh mong muốn được làm phim về những vấn đề trong cuộc sống "đời thường". Đó là các vấn đề ông bắt gặp trong cuộc sống khiến ông luôn trăn trở và cả bằng những trải nghiệm của đời người với đầy ắp niềm vui, nỗi buồn. Qua những bộ phim của ông, người xem có thể thấy được phần nào xã hội Việt Nam ở những thời kỳ khác nhau, theo dòng chảy lịch sử dân tộc. Tất cả những con người - nhân vật ấy được ông tái hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh theo cách đời thường hóa, giàu chất thơ và tính triết lý nhân sinh.

Được bạn bè, đồng nghiệp tôn vinh, nhưng NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ, những gì ông đóng góp cho điện ảnh Việt Nam chỉ "nhỏ bé, khiêm nhường". Ông cũng tự rút ra 4 đặc điểm trong phim của mình.

“Thứ nhất, câu chuyện trong phim của tôi bao giờ cũng gắn liền với bối cảnh xã hội Việt Nam trong những giai đoạn nhất định. Thứ hai, những câu chuyện đó chỉ có thể xảy ra ở Việt Nam chứ không phải ở nơi nào khác. Do vậy, những ai muốn tìm hiểu về xã hội, con người, văn hóa Việt Nam có thể quan tâm đến các phim của tôi. Thứ ba, thông qua nhiều tình tiết ly kỳ, éo le, tôi cố gắng để phim gần nhất với đời sống. Thứ tư, quá trình sáng tác của tôi là đi từ cảm xúc hình thành nên câu chuyện để kể với người xem. Tôi thường tự viết kịch bản cho mình, chỉ đề cập đến những vấn đề mà tôi quan tâm, tôi rung động", đạo diễn nói.

Nhưng, chính những giá trị đó đã làm nên giá trị và sức sống vượt thời gian của những bộ phim mà ông để lại.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh có sự nghiệp sáng tác kéo dài hơn nửa thế kỷ, đạt nhiều thành tựu nổi bật tại các liên hoan phim ở Việt Nam và quốc tế như giải “Thành tựu trọn đời” vì những cống hiến xuất sắc cho điện ảnh châu Á tại Liên hoan phim quốc tế Gwangju 2005; Giải thưởng Điện ảnh Hòa bình Kim Daejung năm 2013. Ông được phong tặng NSND năm 1993 và nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất năm 1998. Năm 2007, đạo diễn nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho các tác phẩm "Thị xã trong tầm tay", "Bao giờ cho đến tháng Mười", "Hà Nội mùa đông năm 1946" và "Mùa ổi". Ông từng là Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nsnd-dang-nhat-minh-phim-la-nguoi-va-nguoi-la-phim-i737130/