NSND Hoàng Yến: Gìn giữ truyền thống cha ông qua nghệ thuật kịch

NSND Hoàng Yến (sinh năm 1972, tại Nam Định), hiện đang sống và làm việc tại TPHCM là nữ nghệ sĩ sớm đạt nhiều thành tích lớn trong sự nghiệp nghệ thuật với 5 huy chương Vàng và 3 giải Diễn viên xuất sắc toàn quốc, cùng với giải thưởng Nguyễn Khuyến tỉnh Hà Nam, giải thưởng Lương Thế Vinh tỉnh Nam Định.

Chưa đến tuổi 30 chị đã vinh dự nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Khi tới TPHCM năm 2003, nghệ sĩ Hoàng Yến tiếp tục làm nghệ thuật và đạt được các giải thưởng cá nhân có tiếng. Năm 2019, chị vinh dự đón nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

PV: Với tài năng như vậy, vì sao chị không đi theo những tác phẩm hiện đại, mà luôn hướng đến đề tài cách mạng và lịch sử truyền thống?

NSND HOÀNG YẾN: Khi vào đoàn kịch Hà Nam Ninh với những vở diễn như “Đợi đến mùa Xuân”, “Mùa hè ở biển”, “Nửa ngày về chiều”, “Tú Xương”… và nhiều vở diễn đề tài cách mạng đã ngấm vào tôi một cái gì đó khắc khoải, một cái gì đó như trách nhiệm.

Niềm đam mê, sự hy sinh thầm lặng của các nghệ sĩ với nghề nghiệp, với việc bảo tồn, phát triển để gìn giữ văn hóa nghệ thuật truyền thống luôn thắm đượm, cháy sáng giữa dòng chảy mạnh mẽ của nền kinh tế năng động như TPHCM.

Tưởng dứt áo ra đi, bỏ nơi cả một thời thanh xuân đẹp để đến một nơi hoàn toàn náo nhiệt như TPHCM, tưởng con đường đi sẽ khác, nhưng không, chỉ một thời gian quỹ đạo trong tôi vẫn quay về đúng con đường mình đã đi, từ những vở diễn như: “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, vở “Âm binh” đề tài chiến tranh, diễn tại Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM; hay như vở “Bảy sắc cầu vồng” đề tài hậu chiến tranh tại sân khấu 5B Võ Văn Tần những năm 2004, 2005… đến nay tôi tự thấy có lẽ nghiệp diễn mình đã được số phận giao trách nhiệm gánh trên vai gìn giữ truyền thống cha ông, thông qua con đường nghệ thuật kịch.

Chị đã chọn con đường nhiều khó khăn, vất vả?

- Đã đam mê rồi thì đâu còn thấy khó khăn vất vả nữa. Làm ra được tác phẩm đạt giải thưởng vở diễn huy chương Vàng, huy chương Bạc của các nhà chuyên môn chấm thi và được hàng trăm ngàn người đến xem một tác phẩm truyền thống mình làm ra, thì cái giá vất vả hay khó khăn cũng tan biến. Từ năm 2018 đến nay chúng tôi - những nghệ sĩ giảng viên Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM - đã diễn hơn 300 suất kịch lịch sử cho các em học sinh THPT và sinh viên đại học, mỗi suất từ 300 - 500 người xem.

Với những vở về lịch sử văn hóa dân tộc, để truyền cảm hứng đến công chúng, nhất là các bạn trẻ, chị đã làm như thế nào?

- Từ khi truyền hình và điện thoại chiếm sóng thì những người làm nghệ thuật sân khấu phải tự thay đổi để kéo khán giả đến với tác phẩm của mình, chúng tôi không ngoại lệ. Một sân khấu không ngôi sao, không mang tính giải trí mà mang đầy chất văn học trong lời kịch và đầy tính lịch sử dân tộc trong tác phẩm, dòng chính kịch này phải trầy da tróc vẩy mới mong chạm được chút tấm lòng đồng cảm của người xem.

Có tác phẩm mà thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân hiện nay, đồng hành xem cùng học sinh hơn 20 suất. Diễn cho một người ngồi hàng đầu tiên xem đi xem lại, thì mới hiểu diễn viên chúng tôi xả thân mình trong từng suất diễn khác nhau thế nào để nhiều thầy cô giáo dạy văn vẫn xem chúng tôi diễn đến suất thứ 20 mà như xem lần đầu.

Ở giữa thành phố năng động này, chị làm thế nào để nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê trong mình?

- Tôi không phải nuôi đam mê mà tôi sống trọn vẹn với nó, đã sống là phải làm việc, bất kể việc gì cũng được, phải ra sản phẩm, mà kiếp làm người của tôi từ khi mẹ sinh ra đến giờ, tôi thấy làm việc gì cũng không giỏi hơn được diễn xuất các vai kịch, thôi thì việc gì tôi làm tốt nhất thì tôi đi theo thôi.

Qua những trải nghiệm gần 20 năm qua, tại thành phố có nền kinh tế năng động như TPHCM, việc bảo tồn văn hóa truyền thống với chị, có những khó khăn, thuận lợi gì?

- Thế hệ 7X chúng tôi là thế hệ kế cận kề với lớp cha ông xả thân cho Tổ quốc được thống nhất, được hòa bình. Còn lớp trẻ hiện nay, như con tôi cũng vậy, xa rời rồi, coi truyền thống dân tộc, coi khó khăn gian khổ của cha ông như chuyện lạ ngày xưa.

Chúng không đau như nỗi đau ta vẫn còn chạm vào. Làm gì đây để con em ta khắc khoải với lịch sử, thế giới 4.0 len lỏi vào từng nhà, lên tận trên giường ngủ, với bao đề tài giật gân ngay trong lòng bàn tay qua cái điện thoại.

Nhà nước cần đưa giáo dục văn hóa lịch sử truyền thống vào lớp trẻ thông qua con đường nghệ thuật là cách đi nhanh và chắc nhất, nhưng nay tôi chưa thấy được quan tâm đúng tâm và tầm.

Còn đơn lẻ như chúng tôi đang đi thì chỉ như hạt cát, nhưng khi chưa có phương án cho việc lớn thì mỗi người cứ làm việc nhỏ, âu cũng là góp gió thành bão...

Với chị, văn hóa, nghệ thuật truyền thống có ý nghĩa gì với cá nhân, cũng như trong tâm thức của các thế hệ người dân Việt?

- Khi diễn đề tài lịch sử những ánh mắt đỏ hoe của các em lên chia sẻ với chúng tôi khi xem xong kịch, họ thương cho Trần Cảnh - Chiêu Thánh, họ thương cho cụ Nguyễn Thái Úy (Nguyễn Trãi) trong các vở kịch chúng tôi diễn là tôi hiểu chỉ do chưa cho họ chạm đúng vào cái thế giới đẹp mà nghệ thuật mang lại cho khán giả thôi.

Từ đó, xây dựng lên những dự định gì trong chị?

- Nước ta có 7 danh nhân văn hóa thế giới, tôi ước ao chạm được vào các danh nhân đó thông qua các tác phẩm nghệ thuật, nhưng thật khó với tôi vì lực bất tòng tâm. Thôi thì tôi sẽ cố hết sức vậy…!

Xin cảm ơn chị và chúc chị sẽ thực hiện được mọi mong ước nghệ thuật!

Việt Quỳnh (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nsnd-hoang-yen-gin-giu-truyen-thong-cha-ong-qua-nghe-thuat-kich-10288041.html