NSND Hữu Quốc: 50 tuổi vẫn chưa vợ, không buồn phận kép phụ thầm lặng
Nhận danh hiệu NSND sau 7 ngày, Hữu Quốc đã 'quên' để tiếp tục làm việc, cống hiến. 36 năm làm nghề, anh hài lòng với vị trí thầm lặng, giúp đồng nghiệp tỏa sáng.
Đã 'quên' danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân
- Cầm trên tay tấm bằng phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, cảm xúc trong anh là gì?
Tôi tặng niềm vui đó cho cha mẹ. Hồi xưa theo nghề, ngoài mẹ, tôi không được gia đình ủng hộ. Bây giờ 50 tuổi, theo nghề 36 năm, tôi muốn cho cha mẹ, các anh chị thấy mình chọn đúng.
Thú thật, tôi đủ thành tích từ năm 2015 rồi, có thể nộp hồ sơ chung đợt với chị Thanh Ngân nhưng tự thấy mình trẻ quá, chưa xứng đáng trước nhiều anh chị, cô chú khác.
Đến năm ngoái, tôi được Mỹ Uyên và chị Thoại Mỹ động viên, mẹ tôi cũng trông hoài nên nộp hồ sơ. Ba tôi 89 tuổi, mẹ 86 tuổi, tôi sợ họ gần đất xa trời, không đợi được.
Lúc công bố danh sách nghệ sĩ được phong tặng, bạn bè gọi chúc mừng nhưng khi chưa cầm tấm bằng trên tay, tôi không dám nhận. Tôi từ chối phỏng vấn 1 tờ báo, nhắc các MC khoan vội gọi mình là Nghệ sĩ nhân dân khi đi diễn. Đến bây giờ tôi mới dám chia sẻ với bạn đây.
Tôi cũng tự hào nhưng chỉ cho phép mình vui 7 ngày thôi. Sau đó, tôi quên đi danh hiệu này, tiếp tục là một nghệ sĩ bình thường làm việc và cống hiến như trước đây.
- Trong danh sách người nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân lần thứ 10, không nhiều người biết đến Hữu Quốc, thông tin báo chí về anh cũng thưa thớt, anh có buồn?
(cười) Tôi không bận lòng đâu. Năm 16 tuổi, tôi được thầy - cố NSND Phùng Há định hướng theo loại vai kép lão. Loại vai này vở nào cũng cần nhưng diễn xuất sắc đến mấy cũng không được khán giả, nhà báo quan tâm bằng kép chánh.
Thần tượng lớn - NSND Diệp Lang luôn dặn tôi đừng quan trọng người ta đặt mình đứng trước hay sau trên bài báo, áp phích mà hãy tìm vị trí trong lòng khán giả.
Tôi cũng biết tiêu đề, nội dung bài báo giới hạn số chữ. Các phóng viên viết bài dĩ nhiên chọn ra những cái tên tiêu biểu nhất các lĩnh vực, không có tôi cũng bình thường thôi.
- Không chạnh lòng nhưng cứ thầm lặng mãi, anh có vui?
Nghệ sĩ nhân dân danh hiệu cao quý của Nhà nước, bất cứ diễn viên nào cũng khao khát có, không riêng gì tôi. Nhưng danh hiệu chỉ là sự công nhận, không phải đích đến.
Tôi nếm nhiều cái vui, cái hạnh phúc mà chưa chắc người khác có được. Năm 1999, tôi chở chị bạn - nghệ sĩ Ngọc Nga đến Hội Sân khấu TP.HCM lấy hồ sơ thi Giải thưởng Trần Hữu Trang thì gặp một đàn anh cùng trường.
Tôi chưa kịp nói gì, anh này nói: "Quốc cũng thi hả? Đóng vai già mà thi cái gì, giải này người ta chấm đào, kép chánh thôi". Tôi chạnh lòng nên vào lấy hồ sơ ghi danh. Kết quả năm đó, tôi đoạt HCV còn anh nọ rớt.
Hạnh phúc của tôi là đóng kép lão từ thi cử đến hội diễn đều có huy chương mang về, được giới chuyên môn lẫn khán giả công nhận. Vai của tôi góp phần cho vở diễn thành công, giúp đào, kép chánh tỏa sáng.
Hiện với vai trò đạo diễn, tôi say mê làm sao cho tác phẩm chỉn chu nhất, sân khấu đẹp nhất, đào kép chánh rực rỡ nhất. Tôi chăm chút các diễn viên đến mức quên cả vai của mình.
Đó không phải hy sinh gì cả. Đơn giản là tôi biết rõ mình đang làm gì, khán giả cần gì thay vì cứ nghĩ cho cá nhân.
Ai trả cho vai kép lão mấy chục triệu đồng?
- Anh giỏi nghề, đam mê, có danh hiệu, giải thưởng nặng trĩu tay nhưng vẫn làm thêm nghề tay trái vì nghệ sĩ không đủ sống?
Tôi có mở một quán ăn ở Quận 10, TP.HCM kết hợp bán hàng online để có việc khác làm những ngày không đi diễn. Tôi cần tiền trang trải cuộc sống, quán cũng là chỗ tiếp bạn bè, khán giả.
Tôi là nghệ sĩ 'có tiếng không có miếng'. Ai lại trả cho vai kép lão mấy chục triệu đồng? Tôi cũng không có show hát lẻ như những tài danh khác, chỉ tham gia các chương trình nghệ thuật.
50 tuổi, tôi vẫn miệt mài lao động, xem nghệ thuật là nghề chính. Kinh doanh chỉ là nghề tay trái nhưng nó nuôi tôi khi không có show. Nói chuẩn bị cho hậu vận thì ghê quá, tôi chỉ không muốn ngồi chờ cơ hội thôi. Tôi không giàu như người ta, sống rất bình dân nhưng lúc nào cũng thấy đủ với những gì mình tự làm từ đôi tay mình.
- Anh viên mãn chưa?
Tôi còn rất nhiều điều muốn làm với sự nghiệp biên kịch và đạo diễn. Quán xá cũng vậy, bữa nào đông thì vui, bữa nào vắng phải đi tìm câu trả lời. Cuộc sống ngày càng không dễ, đồng tiền khó kiếm, tôi còn nhiều cái lo nên chưa viên mãn.
- Ngoài mang bằng Nghệ sĩ nhân dân về cho cha mẹ, sao anh không nghĩ mang những thứ khác, như một tổ ấm nhỏ cho riêng mình?
(cười) Tôi không cô đơn đâu! Tôi hạnh phúc và may mắn khi tìm thấy người phù hợp, đồng hành với mình trong cuộc sống lẫn công việc trong nhiều năm qua. Tôi chung thủy lắm, đã chọn thì khó thay đổi.
Gia đình tôi đông anh chị em. Chúng tôi chia nhau chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ. Vì vậy, cuộc sống của tôi rất bình thường nhưng hạnh phúc - một người 50 tuổi vẫn đủ đầy cha mẹ, luôn được người xung quanh yêu thương.
NSND Hữu Quốc trong vở cải lương 'Tình lá diêu bông'
NSND Hữu Quốc sinh năm 1974, theo nghề từ năm 14 tuổi. Năm 1991, anh tốt nghiệp loại Giỏi Trường đào tạo diễn viên Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. 19 tuổi, nghệ sĩ gây chú ý khi thế vai kép lão của NSƯT Phương Quang. Năm 2002, lần đầu anh tham gia lĩnh vực kịch nói tại Sân khấu kịch Minh Nhí - Quốc Thảo.
Hữu Quốc sở hữu 'gia tài' giải thưởng đáng ngưỡng mộ: HCV Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995; giải Diễn viên xuất sắc Liên hoan Sân khấu mùa thu 1998; HCV Giải thưởng Trần Hữu Trang năm 1999; Giải Diễn viên tài sắc và giải Tài năng trẻ toàn quốc năm 2003; HCV Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2005; HCV Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009; HCV Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012 và HCV Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015.
Anh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2007. Hiện tại, nam nghệ sĩ làm việc với các vai trò đạo diễn, diễn viên và biên kịch song song lĩnh vực kịch nói (tại Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B) và cải lương (Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long).