NSND Kim Cương bồi hồi hội ngộ người truyền dạy đàn tranh cho người Việt xa xứ
Nghệ sĩ Việt Hải là trưởng đoàn văn nghệ dân tộc Hướng Việt tại Seatle - Mỹ, người chuyên tài trợ cho nhiều giải thưởng của CLB Tiếng hát quê hương - Cung Văn hóa Lao động TP HCM nhằm gìn giữ bộ môn đờn ca tài tử Nam Bộ và âm nhạc dân tộc.
Tối 20-7, tại sân khấu Khang Entertainment, nghệ sĩ Việt Hải đã có buổi nói chuyện chuyên đề về "Âm nhạc dân tộc với kịch nghệ". Anh đã cùng các học trò là Mỹ Anh, Mỹ Phương từ Mỹ về nước chuyến này hòa tấu nhiều bài bản cổ truyền, trong đó có bài hòa tấu đệm cho 16 diễn viên thể hiện bài "Kiên Giang mình đẹp lắm", dựa theo Lý chèo đưa cá ông.
Ngoài ra, anh đã đệm đàn tranh cho 4 lớp độc thoại của các diễn viên kịch biểu diễn. "Việc ứng tác giai điệu ngũ cung vào kịch, tạo sự tương tác trực tiếp cho diễn viên thăng hoa cảm xúc là cách lan tỏa nhanh nhất đến sự cảm nhận của khán giả.
Lâu nay chỉ với nhạc máy thu sẵn, diễn viên trẻ hiếm có cơ hội trải nghiệm cách diễn với nhạc cụ dân tộc được đệm trực tiếp" – Nghệ sĩ Việt Hải tâm sự.
Trong chuyến về thăm quê hương lần này, nghệ sĩ Việt Hải đã hội ngộ cùng NSND Kim Cương. Bà động viên anh giữ cho dòng chảy văn hóa dân tộc được liên thông qua nhiều quốc gia. "Tôi quý một vị bác sĩ trẻ lại có tâm hồn nghệ sĩ, dấn thân vào việc học đàn và thành lập Đoàn văn nghệ dân tộc Hướng Việt, biểu diễn khắp nơi trên thế giới, không chỉ ở Mỹ mà còn ở Pháp, Úc…Nơi nào có cộng đồng người Việt sinh sống thì đều biết đến tấm lòng của Việt Hải khi dốc sức đào tạo những mầm non sinh ra và lớn lên tại xứ người, cùng gìn giữ nhạc cụ dân tộc mà ông cha đã kiến tạo" – NSND Kim Cương nói.
Trong chuyến về nước lần này, ngoài việc thực hiện chuyên đề kể trên, nghệ sĩ Việt Hải và các học trò đã thực hiện MV với 4 giai điệu: "Tiểu khúc", "Lý chèo đưa cá ông", "Cầu cho cha mẹ" và "Chuyến tàu hoàng hôn", quay hình tại Bảo tàng Áo dài TP HCM. Anh đã tìm gặp các nghệ nhân, nghệ sĩ nổi tiếng của lãnh vực âm nhạc dân tộc để đúc kết thêm nhiều kinh nghiệm cho công tác nghiên cứu, sưu tầm, giảng dạy đàn tranh ở Mỹ như: Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan, Tiến sĩ NSƯT Nguyễn Thị Hải Phượng, NSND Phương Oanh, Giáo sư Hoàng Cơ Thụy, Giáo sư Nguyễn Xuân Yên, Nghệ sĩ đàn tranh Vũ Kim Yến (Đại học FPT TP HCM)…
"Tôi cũng không quên ghé đến thăm nghệ nhân điêu khắc tượng sáp Nguyễn Thị Diện, người đã mời tôi đúc bức tượng sáp đặt cạnh các nghệ nhân, nhạc sĩ, giáo sư của lãnh vực âm nhạc dân tộc Việt Nam được trưng bày tại Khu du lịch Suối Tiên" – Nghệ sĩ Việt Hải chia sẻ.
Nguyện vọng của anh là tiếp tục được trao học bổng ươm mầm tài năng trẻ đàn tranh trên đất Mỹ và Việt Nam, để các em có thể tiếp nối sự nghiệp âm nhạc cổ truyền mà ông cha đã để lại.
Cách đây không lâu, tại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập CLB Tiếng hát quê hương Cung Văn hóa Lao động TP HCM - chiếc nôi âm nhạc dân tộc của TP, anh đã trao học bổng cho nhiều bạn trẻ say mê đàn tranh.
"Được đồng hành với Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan là một vinh dự đối với tôi" – Nghệ sĩ Việt Hải nói.