NSND Kim Cương: Tôi già yếu rồi, sức khỏe không còn...
'Nhiều ngôi sao trẻ đi muộn 1-2 tiếng, mặc kệ nhiều nghệ sĩ lớn tuổi chờ đợi. Một số bạn tập tuồng hời hợt vài buổi, đến ngày lên sân khấu chỉ múa may vô hồn', NSND Kim Cương nói.
NSND Kim Cương vừa có buổi chia sẻ với diễn viên trẻ tại Hội Sân khấu TP.HCM. Bà mở lời: "Tôi già, yếu rồi, hiện không khỏe nhưng nếu từ chối lời mời thì không biết có còn dịp khác không. Tôi luôn đứng sau tiếp "lửa" các bạn vì thương lớp diễn viên trẻ đồng thời cũng là cách tôi đền ơn người đi trước dạy dỗ mình".
Theo Kim Cương, diễn viên sân khấu ngày nay rất đáng quý vì họ yêu nghệ thuật không vì tiền. Bởi, một người bán hàng online có thể kiếm nhiều tiền và ít vất vả hơn diễn viên kịch nói. "Trên sân khấu, nghệ sĩ vừa là tác phẩm, vừa là công cụ truyền tải nghệ thuật. Hiếm nghề nào có đặc trưng này", NSND nói.
NSND Kim Cương tại buổi chia sẻ.
Bà nhiều lần nhấn mạnh, điều cốt lõi nhất của nghệ sĩ và nghệ thuật là tạo ra sự kết nối tâm hồn với nhau. Nghìn người đến sân khấu với hàng nghìn tâm trạng khác nhau nhưng khi xem kịch, hàng nghìn tâm trạng ấy phải hòa làm một. Để thực hiện thiên chức ấy, người nghệ sĩ phải có ý thức vun đắp tâm hồn của mình mỗi ngày.
"Nghệ sĩ nào ích kỷ, vô cảm trước cuộc đời, nhìn người ta sống chết coi như chuyện không liên quan mình chắc chắn ca không hay, diễn không xúc động. Họ giỏi nghề đến mấy cũng chỉ là thợ hát, thợ diễn. Đời thật còn không làm bạn xúc động, làm sao bạn có cảm xúc với vai diễn của mình?", NSND nói.
Đó là lý do Kim Cương từng đề nghị các diễn viên trẻ ở Sân khấu kịch Hồng Vân (TP.HCM) nhận đỡ đầu tinh thần cho trẻ em mất cha mẹ vì dịch bệnh Covid-19 cách đây không lâu. Bà tin rằng người nghệ sĩ luôn quan sát cuộc sống, gần gũi đồng loại, có lòng trắc ẩn, nhạy cảm trước nhân sinh sẽ dễ tạo ra tác phẩm được số đông đồng cảm.
Ngày xưa, từng có người bạn nước ngoài hỏi Kim Cương: Nghe nói ở Việt Nam, hễ bà khóc thì cả nghìn người khóc theo. Làm thế nào để bà khóc được như vậy? Bà có dùng thủ thuật như thoa dầu lên mắt không?, NSND trả lời: "Ông đang coi thường khán giả Việt Nam đấy. Họ khóc đâu phải vì giọt nước mắt trên má tôi? Họ khóc vì sự hòa điệu của hàng nghìn tâm hồn với nhau chứ".
Trước buổi chia sẻ, Kim Cương nhiều trăn trở. Bà nhận thấy lớp trẻ ngày nay hiểu biết rộng, giỏi hơn thế hệ của mình. Bà cũng lo nhiều kinh nghiệm của mình đã lỗi thời, không phù hợp để chia sẻ với người trẻ nữa. Dù vậy, NSND tin rằng cốt lõi của nghệ sĩ và nghệ thuật sẽ không thay đổi theo thời gian.
Tuổi "gần đất xa trời", Kim Cương không thôi trăn trở với đời, với nghề.
Kim Cương cũng nhắc lại câu châm ngôn nổi tiếng: "Không có vai diễn nhỏ, chỉ có diễn viên nhỏ". NSND thấy có hiện tượng nhiều ngôi sao trẻ đi muộn 1-2 tiếng, mặc kệ nhiều nghệ sĩ lớn tuổi chờ đợi. Một số khác tập tuồng hời hợt, qua loa dẫn đến ngày lên sân khấu chỉ có thể "múa may vô hồn".
Theo Kim Cương, mỗi thành viên trong ê-kíp không kể đào, kép chính, vai phụ hay nhân viên hậu đài đều là mảnh ghép cần thiết cho một đêm diễn thành công. Diễn viên chính không thể tỏa sáng nếu chỉ có một mình. Mẹ Kim Cương - NSND Bảy Nam - cả đời đóng vai phụ vẫn luôn tỏa sáng, khán giả xem một lần nhớ mãi.
Thời điều hành Đoàn kịch nói Kim Cương, NSND nổi tiếng là trưởng đoàn kỷ luật thép. Bà nghiêm cấm diễn viên để người lạ ra vào đoàn hát của mình; quy định diễn viên không được nói cười, đùa giỡn trong hậu trường khi đồng nghiệp diễn ngoài sân khấu. "Bạn phải tôn trọng nghề nghiệp, đồng nghiệp và tôn trọng chính mình thì khán giả mới coi trọng nghệ sĩ", bà nói.
Kim Cương kết luận: "Nghệ sĩ phải là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Nghệ sĩ tồi có thể làm hỏng một thế hệ. Vì vậy, các diễn viên đang đi trên con đường gian khổ nhưng cũng đầy cao quý, hãnh diện".
NSND Kim Cương trong vở 'Dưới hai màu áo'
Bài, ảnh: Gia Bảo