NSND Kim Cương: Tuổi 84, tôi không cô độc nhưng cô đơn!
'Năm nay, tôi cũng lớn tuổi, sức đuối rồi, làm từ thiện được ngày nào hay ngày ấy. Ai rồi cũng sẽ tới bước đường này. Tôi không sợ cũng không tiếc gì, chỉ lo không lo được cho thêm nhiều người nữa', NSND Kim Cương.
Làm "Nghệ sĩ tri âm" để nghệ sĩ qua thời biết khán giả không quên mình
- Chúc mừng NSND Kim Cương thêm một năm ''Nghệ sĩ tri âm'' trọn vẹn. Chương trình năm nay, có kỷ niệm nào làm chị xúc động?
Hôm rồi, tôi lên nhà Kim Giác thắp hương tiễn em. Gia đình nói họ không chấp điếu. Tôi nói: Cô đâu có phúng điếu. Tiền nầy là phần tiền má con lãnh của Nghệ sĩ tri âm năm nay.
Sau đó, tôi để tiền lên bàn thờ, nói với Kim Giác rằng: Bảy năm trời đều có mặt em. Năm nay, em chưa kịp lãnh đã đi mất, thôi chị để đây. Em xuống dưới có gặp chị Út Bạch Lan, Ngọc Hương,.. nhớ nói dùm khán giả không quên tụi mình, cuộc đời không quên tụi mình. Tôi vừa nói vừa khóc quá chừng. Tôi cầm lòng không đặng.
Thằng con Kim Giác nói má nó cứ trông tới Nghệ sĩ tri âm, không phải để lãnh tiền mà để gặp chị Hai Kim Cương, gặp bạn bè nghệ sĩ.
- Ở tuổi của bà cần nghỉ ngơi nhiều hơn là ôm đồm lắm việc?
Vậy bạn thấy tôi vui không? Nhìn mấy đứa nhỏ lãnh bao thơ, nghệ sĩ lãnh quà mà khóc, tôi sướng lắm. Nghệ sĩ mà, còn sống là còn nặng nợ dâu. Người ta thường ví nghệ sĩ tụi tôi như con tằm, trả xong nợ dâu sẽ yên tâm chết trong cái kén của mình. Nhưng nghệ sĩ dành cả một đời cống hiến cho nghệ thuật, khán giả rồi đã xong đâu? Tụi tôi vẫn phải sống lay lắt với lo lắng và nỗi buồn cô đơn.
Nghệ sĩ tụi tôi ai cũng có 2 gia đình: một với cha mẹ, vợ chồng, con cái; một với đoàn hát. Tụi tôi sống với đoàn hát nhiều hơn với gia đình. Cho nên, khi nghỉ hát ở một mình, tụi tôi hẫng ghê gớm lắm bạn à! Tôi đây con cháu đầy đàn mà nhiều đêm phải chạy qua phòng má khóc, kêu: Con nhớ khán giả, nhớ anh em, sân khấu quá má ơi. Tôi nhớ từng gương mặt, kỷ niệm, nhớ cả giờ gây gổ, đủ thứ chuyện kỳ cục trong đoàn hát. Nếu không làm từ thiện mấy chục năm nay, chắc tôi cũng chết rồi.
Khi mất, tôi sẽ nằm cạnh má
- Nghề này bạc quá, phải không bà?
Nghệ sĩ tụi tôi mới bước vào nghề trẻ, đẹp, ca hay, lãnh lương thiệt cao, rồi cứ thế lần lần đi xuống, từ đào chánh xuống hàng vai chị, vai mẹ rồi vai bà, là tới lúc kết thúc sự nghiệp. Bạn hỏi có nghiệt ngã?...
Người thợ mộc hành nghề bằng cái đục, thơ ký hành nghề bằng đánh máy còn nghệ sĩ hành nghề bằng chính bản thân mình. Thân xác của người nghệ sĩ vừa là công cụ vừa là tác phẩm. Với nghệ sĩ, sân khấu là cuộc đời nên đời thực bao nhiêu vui buồn, hiền dữ, gay cấn tụi tôi phải sống đủ những thứ ấy.
Nghề này tổn hại sức khỏe, tinh thần và nhan sắc nhiều lắm. Người ta có chuyện buồn gia đình khóc 2 hôm đã kiệt quệ, bà Kim Cương diễn Lá sầu riêng khóc đủ 365 đêm/năm. Người nghệ sĩ vì vui có khán giả xem mà diễn quên mình, không tiếc giữ lại thứ gì cho bản thân.
- Hôm trước, bà nói nếu ra đi, con trai sẽ tiếp tục các hoạt động thiện nguyện?
Xin đính chánh là con trai chỉ thay tôi tiếp tục Quỹ học bổng bà Bảy Nam. Thời của tôi, người ta coi thường nghệ sĩ là phường ít học, xướng ca vô loại. Tôi buồn, sau này luôn cố vun vén cho con trai ăn học đàng hoàng. Mấy năm trước, Forbes Việt Nam chọn tôi là 1 trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam. Tối đó, tôi cầm cúp lên bàn thờ má. Má hy sinh cả một đời, chịu đủ nhục nhã từ gia đình tới xã hội để giành giật sự công nhận cho nghệ sĩ. (khóc)
- Nghe như bà đã chuẩn bị để ra đi bất cứ lúc nào…?
Năm nay, tôi cũng lớn tuổi, sức đuối rồi, làm từ thiện được ngày nào hay ngày ấy. Ai rồi cũng sẽ tới bước đường này. Tôi không sợ cũng không tiếc gì, chỉ lo không lo được cho thêm nhiều người nữa. Tôi đã xin được miếng đất để nằm cạnh má ở Nghĩa trang TP.HCM. Hôm trước, tôi lên UBND nói với các chú cho xin 4 thước đất để được ở gần má dù cả đời tôi chưa từng xin xỏ ai cái gì.
- Bà còn dự án thiện nguyện nào dang dở?
Tôi vẫn canh cánh trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật của tôi nuôi mấy trăm em vì dịch Covid-19 mà điêu đứng. Tôi cũng không lo cho các em được nhiều. Tôi mở trung tâm dạy nghề không phải để cho các em tiền mà là sự tự tin khi ra đời.
Tôi không cô độc nhưng cô đơn
- Tuổi này không có người bạn đời ở bên, bà có cô đơn?
Người nghệ sĩ phải dồi dào tình cảm hơn người thường mới có thể lên sân khấu khóc, cười với mọi loại vai. Tôi làm gì cũng hết mình thì yêu cũng hết mình. Đồng nghĩa nếu khổ, tôi sẽ khổ hết sức. Thiệt thòi trong đời tôi là chưa được làm đàn bà. Tôi làm trưởng đoàn, là chị Hai của nhiều người nhưng để làm một người phụ nữ có bờ vai để nương tựa thì chưa trọn vẹn. Tuổi này, tôi không cô độc nhưng cô đơn. Duyên số đã vậy thì đành chịu, mọi thứ cũng qua hết rồi.
- Sức khỏe của bà ra sao?
Tôi có ban bảo vệ sức khỏe chăm lo, vài tháng làm xét nghiệm tổng quát một lần. Tôi may mắn không bị huyết áp, tiểu đường. Chứng rung nhĩ của tôi là tật, không phải bệnh. Tôi khi khỏe, khi mệt, càng làm nhiều càng mệt. Tôi cũng có mấy bệnh vặt như thể Trời Phật nhắc rằng rồi ai cũng phải đi đến đoạn cuối. Điều quan trọng là tôi đã sống vuông tròn đến cuối đời: hiếu với mẹ; đóng góp cho nghề chút đỉnh; để lại vài vai, vài tuồng… âu cũng đủ với một người phụ nữ.
- Tôi thấy bà ước cho xã hội, cho nghệ sĩ, người khổ thì nhiều chứ không thấy ước gì cho gia đình nhỉ?
(cười) Gia đình tôi cũng tương đối ổn. Tôi không mong giàu có hay thêm gì nữa. Một trong những điều hạnh phúc nhất đời tôi là có đứa con trai hết lòng yêu thương mẹ và thừa hưởng đầy đủ nền giáo dục của gia đình.
Hồi nó đi Canada học, tôi gửi tiền mỗi năm mỗi giảm để con biết nó là con nhà nghèo đi du học. Nó tốt nghiệp điểm cao, tôi nói: Con cứ lựa cuộc sống ở đâu cũng được, miễn con thấy hạnh phúc. Một tuần sau, nó báo đang chuẩn bị về Việt Nam ở với mẹ.
Cháu tôi cũng ảnh hưởng từ gia đình mà mê làm từ thiện. Tụi nhỏ nói nó mộng lớn có tiền sẽ xây một tòa nhà lớn, cho người nghèo vô ở mỗi người một căn. Đời cho tôi nhiều cái sung sướng vậy đó!
Trích đoạn 'Lá sầu riêng' do NSND Bảy Nam và NSND Kim Cương diễn xuất: