NSND Nguyễn Hữu Phần đã về với... làng

Đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần vừa giã từ khán giả vào sáng 22/5. Để lại phía sau ông một gia tài phim ảnh đã khắc sâu ấn tượng trong lòng khán giả và những tình cảm thắm thiết của bạn bè, đồng nghiệp.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần mắc căn bệnh ung thư hiểm nghèo, do vậy, chuyện ông giã từ khán giả cũng là điều đã được tiên liệu trước. Nhưng sự tiếc thương một con người có tài, nhân hậu vẫn khiến cho nhiều bạn bè, đồng nghiệp của ông xúc động.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần.

Thầy giáo đi làm đạo diễn theo một lối riêng

Đạo diễn Phi Tiến Sơn cho biết, ông hết sức bàng hoàng và sốc vì ông rất thân thiết, gắn bó với đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, người mà ông gọi thân mật là "ông anh". Chính Phi Tiến Sơn là người quay bộ phim đầu tay "Tội lỗi cuối cùng" của ông.

Nguyễn Hữu Phần sinh năm 1948 tại Hà Nội, nhưng quê gốc của ông ở Văn Giang, Hưng Yên. Khá kín tiếng về cuộc sống cá nhân, nên thông tin về ông không nhiều công chúng biết đến.

Ông sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em, mồ côi cha từ khi 3 tuổi và cuộc sống khá vất vả. Nguyễn Hữu Phần là một trong những sinh viên Khóa 1 ngành đạo diễn của Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Khi ra trường, ông về công tác tại Hãng Phim truyện Việt Nam. Sau đó ông về làm việc Trung tâm Phim truyền hình Việt Nam (VFC). Lúc đó VTV mới bắt đầu mở ra chương trình Văn nghệ cuối tuần và đây là mảnh đất thả sức dành cho ông phát huy khả năng sáng tạo.

Ước mơ ban đầu của Nguyễn Hữu Phần là làm thầy giáo. Ông đã theo học trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1, ngành ngữ văn. Ra dạy học một thời gian, thầy giáo dạy văn Nguyễn Hữu Phần vì yêu thích công việc làm phim nên đã quyết định bỏ nghề giáo, đi theo phim ảnh, chấp nhận một thời kỳ đầu làm việc không nhận lương chỉ vì đam mê.

Ông lần lượt làm các vị trí như thư ký đạo diễn, phó đạo diễn rồi đạo diễn sau khi được cử đi đào tạo bài bản về điện ảnh. Nhưng việc xuất thân là một thầy giáo dạy văn đã khiến cho Nguyễn Hữu Phần có nhiều ưu thế trong việc làm đạo diễn.

Những bộ phim điện ảnh hay truyền hình của ông đều có tính chỉn chu, chăm chút kỹ lưỡng, đồng thời Nguyễn Hữu Phần cũng là người hết sức tinh nhạy trong việc chọn tác phẩm văn chương để chuyển thể thành phim.

Bộ phim truyền hình “Đất và người” do Nguyễn Hữu Phần và Phạm Thanh Phong đạo diễn năm 2002 là chuyển thể từ tác phẩm văn học đình đám “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của nhà văn Nguyễn Khắc Trường.

Bộ phim “Ma làng” là do Nguyễn Hữu Phần tình cờ đọc được cuốn tiểu thuyết cùng tên của Trịnh Thanh Phong và quyết định chuyển thể thành phim truyền hình gồm 700 trang kịch bản với tựa đề “Đêm cuối cùng của mùa đông”, nhưng cuối cùng ông quyết định để lại cái tên “Ma làng” đầy ấn tượng.

Và kết quả là “Ma làng” được xem là một trong những tác phẩm phim truyền hình kinh điển nói về đề tài nông thôn trước thời kì đổi mới của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần.

Cùng với bộ phim “Đất và người”, bộ phim “Ma làng” đã mang lại cho đạo diễn Nguyễn Hữu Phần giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt III năm 2011. Trước đó tại giải Cánh Diều năm 2007, với “Ma làng”, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần được vinh danh là đạo diễn xuất sắc nhất thể loại phim truyền hình và “Ma làng” cũng đoạt giải Cánh diều bạc.

Nguyễn Hữu Phần được coi là đạo diễn “chuyên trị” mảng phim truyền hình về đề tài nông thôn với những bộ phim như “Đất và người”, “Ma làng”, “Gió làng Kình”… dù sinh ra và lớn lên ở Hà Nội và được mệnh danh là “trai phố cổ”, lịch thiệp, nho nhã.

Điều gì khiến ông dấn thân vào một đề tài có thể coi là hoàn toàn xa lạ với mình như vậy? Chỉ có thể lý giải bằng những nguyên nhân như: Sự tinh nhạy kịp thời trước một mảng đề tài còn trống vắng rất nhiều và có một bộ phận đông đảo khán giả, đặc biệt là ở nông thôn, rất cần được hướng đến, phục vụ. Sự đọc nhiều, biết rộng của ông khi thẩm các tác phẩm văn chương về đề tài nông thôn để đưa lên phim.

Những bộ phim truyền hình của Nguyễn Hữu Phần phản ảnh đúng thực tế tình hình nông thôn ở Việt Nam trong suốt mấy chục năm qua, với những thời kỳ khác nhau, cho thấy sự chuyển mình cũng như sự phong phú, phức tạp của một mảng đời sống xã hội. Do vậy, ông được nhiều khán giả hâm mộ, yêu mến, bởi vì đã mang lại cho họ món ăn tinh thần có chất lượng cao mà mà họ cần thiết. Đạo diễn Phi Tiến Sơn khẳng định: "Khi nhắc đến phim về nông thôn thì mọi người không thể không nhắc đến anh Phần".

Một số trích đoạn nhân vật Chu Văn Quềnh do Hán Văn Tình đóng, phim "Đất và người".

Những ghi dấu trong lĩnh vực điện ảnh

Là một trong số ít đạo diễn hiếm hoi thành công cả hai mảng phim điện ảnh và truyền hình, gia tài tác phẩm của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần khá đa dạng. Ông chào sân điện ảnh bằng bộ phim “Tội lỗi cuối cùng” với vai trò phó đạo diễn.

Trong thập niên 1980, Nguyễn Hữu Phần tiếp tục là phó đạo diễn cho các phim “Biệt động Sài Gòn”, “Sơn ca trong thành phố”. Bộ phim điện ảnh đầu tay của ông là “Chiếc bình tiền kiếp” ra mắt năm 1990 và như một sự tình cờ định mệnh, bộ phim này cũng lấy đề tài nông thôn trong thời kì đầu phát triển với một số thành phần nông dân thiếu hiểu biết giữa một rừng mánh khóe làm ăn của kẻ lái buôn xấu tính, dẫn đến những bi kịch không chỉ cho chính mình mà còn cho cả gia đình, tộc họ.

Năm 1992, thời đó một số đạo diễn trẻ tâm huyết với điện ảnh Việt Nam như: Nguyễn Hữu Phần, Lưu Trọng Ninh, Phi Tiến Sơn, Hoàng Nhuận Cầm… đã cảm thấy việc làm phim cần có tư duy đổi mới, không chỉ về nội dung mà còn cả về quy trình sản xuất. Do vậy, dưới sự bảo trợ của điện ảnh Việt Nam thì Trung tâm Điện ảnh Trẻ ra đời và sau đó một số phim độc lập, mang tính xã hội hóa được ra mắt khán giả. Trong số đó phải kể đến bộ phim ca nhạc “Em còn nhớ hay em đã quên” lấy cảm hứng từ những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần là biên kịch và đồng đạo diễn với Phi Tiến Sơn. Đây có thể coi là bộ phim ca nhạc đầu tiên ở Việt Nam từ sau năm 1975, cho thấy tư duy xông xáo, luôn bắt kịp với thời đại của Nguyễn Hữu Phần.

Một thành công của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần là ông tạo ra nhiều nhân vật điển hình qua những bộ phim của mình. Có thể kể đến nhân vật Chu Văn Quềnh do diễn viên Hán Văn Tình đóng trong bộ phim “Đất và người”, nhân vật ông Tòng do nghệ sĩ Bùi Bài Bình đóng trong phim “Ma làng”…

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần (Ảnh: FB Trịnh Thanh Nhã).

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần (Ảnh: FB Trịnh Thanh Nhã).

Trước đó trong điện ảnh, với bộ phim ca nhạc “Em còn nhớ hay em đã quên” đã giúp tên tuổi của diễn viên Hoàng Hồng Nhị được nhiều khán giả biết đến, tuy nhiên sau này vì hoàn cảnh riêng cô đã từ bỏ điện ảnh.

Nguyễn Hữu Phần được nhiều diễn viên yêu mến, kính trọng vì khi làm phim, ông nổi tiếng là người hòa nhã, chiều theo ý muốn sáng tạo của diễn viên, rất kiên nhẫn chỉ bảo, không hề nổi nóng, to tiếng trước bất kỳ hoàn cảnh nào.

Diễn viên Phùng Cường được giao vai Ất trong phim “Ma làng” đã nhắc lại chuyện đạo diễn Nguyễn Hữu Phần kiên quyết bảo vệ anh vào vai diễn, bất chấp sự nghi ngờ rằng anh còn trẻ, chưa đủ năng lực vào vai và cho biết luôn biết ơn đạo diễn Nguyễn Hữu Phần vì điều đó.

NSND Trung Hiếu cho biết trải nghiệm của mình khi đóng phim của Nguyễn Hữu Phần: "Chú Phần là một người luôn say mê với nghề, có chuyên môn sâu sắc, am hiểu nhiều lĩnh vực, luôn chỉ bảo nhiệt tình cho diễn viên”.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2015. Sau khi nghỉ hưu, ông cùng một số đồng nghiệp thành lập công ty Cổ phần Truyền thông Hà Nội, chuyên về sản xuất các chương trình giải trí, game show.

Nguyễn Hữu Phần còn là giảng viên Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, từng tham gia Hội đồng duyệt phim quốc gia. Nghỉ hưu nhưng đạo diễn Nguyễn Hữu Phần vẫn rất năng động làm việc, ông vẫn đi dạy, truyền nghề cho các đạo diễn trẻ, xuất hiện ở những sự kiện điện ảnh lớn. Con trai ông là đạo diễn Nguyễn Hữu Trọng, cũng nối nghiệp cha và được biết đến với các bộ phim như “Người thừa của dòng họ” và “5S online”.

Lễ viếng đạo diễn NSND Nguyễn Hữu Phần sẽ diễn ra vào 10h45 ngày 24/5 tại Nhà tang lễ 125 Phùng Hưng. Lễ truy điệu vào 12h00 cùng ngày.

Kỳ Hoàng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nsnd-nguyen-huu-phan-da-ve-voi-lang-19224052312143414.htm