NSND Quang Thọ: 'Tôi từng chui vào những cái lò chỉ 2-3 người lọt để...hát'
'Tôi không chính thức là người thợ lò nhưng tôi đã chui vào những cái lò họng sáo -nơi mà chỉ 2-3 người chui lọt vào để... hát!', NSND Quang Thọ tiết lộ.
NSND Quang Thọ được xem là "tượng đài", "cây đại thụ" của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Bát đầu từ tiếng hát vút cao vượt khỏi những hầm lò sâu hun hút, trải qua những năm tháng chiến tranh với dòng nhạc cách mạng, NSND Quang Thọ thành công vang dội với giọng hát opera đầy nội lực. Ở tuổi U80, mỗi lần hát, ông vẫn giữ nguyên vẹn cảm xúc, những chất chứa như khi còn là chàng thợ mỏ.
Mới đây, xuất hiện trong "Ký ức vui vẻ", NSND Quang Thọ mang tiếng hát hào sảng đến với khán giả qua ca khúc "Trường ca Sông Lô". Giọng hát nội lực, cao vút với những quãng ngân dài của người thầy, người cha, người chú của nhiều thế hệ ca sĩ lừng danh với hơn 50 năm trong nghề.
Vốn xuất thân từ phong trào văn nghệ quần chúng, từng dành cả tuổi trẻ và thanh xuân để mang tiếng hát đến với các công nhân hầm mỏ, cũng trong chương trình, NSND Quang Thọ tự hào nhớ lại khoảng thời gian khó quên.
"Bây giờ mà xuống hầm mỏ vẫn khó thở đấy nhưng đỡ hơn ngày trước rất nhiều. Xưa ở hầm mỏ không có thông gió như giờ, công nhân xuống hầm lò là thở bằng không khí lưu thông từ cửa lò vào trong.
Trong cuộc đời của tôi cũng có vài năm gắn bó với những người thợ lò. Tôi không chính thức là người thợ lò nhưng tôi đã từng chui vào những cái lò họng sáo - nơi chỉ 2-3 người chui lọt để hát", NSND Quang Thọ nhớ lại.
"Cây đại thụ làng nhạc cách mạng" NSND Quang Thọ chia sẻ về những kỷ niệm làm thợ mỏ
Nhưng điều đó không ngăn cản ông cất cao tiếng hát, làm vơi đi những nhọc nhằn của người thợ mỏ. Ông còn nhớ như in lần hát đầu tiên hát trong vùng mỏ: "Đó là vào 17h00 ngày 5/8/1964, khi đó tôi mới 16 tuổi đang trong đội văn nghệ của mỏ được đến để phục vụ các đồng chí tự vệ trên mỏ. Đang hát thì có còi báo động nên tất cả phải nhảy xuống giao thông hào. Tôi vẫn nhìn lên bầu trời, có tiếng rít của máy báy, có chiếc bay rất thấp... Sau đó, Hội nhạc sĩ về Quảng Ninh sáng tác cho công nhân mỏ, nhạc sĩ Đỗ Nhuận có sáng tác "Bài ca công nhân vùng mỏ"; nhạc sĩ Hoàng Vân đã chui vào lò viết bài "Tôi là người thợ lò"; "Điện Biên vùng mỏ" của Trọng Bằng; "Những ngôi sao ca đêm" của Phạm Tuyên...".
Trong tâm trí ông, kỷ niệm những tháng ngày ấy thô mộc nhưng lấp lánh: "Những năm làm công nhân là ký ức đẹp đi theo cả đời. Nhưng những cái đó cũng đã qua rồi, đã thành ký ức rồi!", ông đã chia sẻ. Chính những trải nghiệm chân thật giúp NSND Quang Thọ thể hiện thành công nhiều ca khúc về đề tài người thợ mỏ, trong đó nổi bật là tác phẩm "Tôi là người thợ lò".
Lắng nghe chia sẻ của nam nghệ sĩ, trong chương trình, NSND Hồng Vân xin phép được gọi NSND Quang Thọ là anh - dù ông là thần tượng mà thế hệ bố mẹ của chị rất yêu mến. "Thực sự giọng hát của anh là bố mẹ em ở nhà là mê kinh khủng. Như là tâm sinh tướng, anh Thọ càng lớn tuổi càng đẹp. Em nghĩ là cái tâm, cái nhân cách, cái phước phần của anh là học trò hưởng rất nhiều. Em xin thay mặt bố mẹ gửi lời đến anh là bố mẹ rất ngưỡng mộ anh", nữ nghệ sĩ bày tỏ.
Không chỉ là một danh ca, NSND Quang Thọ là biểu tượng, là "cây đa cây đề", là người thầy dẫn dắt 2 con trai (đều tốt nghiệp Học viện âm nhạc quốc gia) cùng nhiều ca sĩ nổi tiếng và tài năng cho nền âm nhạc Việt như: Tùng Dương, Khánh Linh, NSND Trung Kiên, NSND Trần Hiếu, NSƯT Lô Thanh...
Tuy nhiên, cũng theo NSND Quang Thọ từng chia sẻ, ông không đặt nặng việc các con hay học sinh phải nổi tiếng bởi điều đó còn phụ thuộc vào yếu tố may mắn. "Điều quan trọng là nghệ sĩ phải có kiến thức, tinh thần học hỏi và tình yêu ca hát, như vậy, bạn mới có thể sống với nghề và tỏa sáng", NSND bày tỏ.