NSND Thanh Vy: Chân rướm máu mới về đến đích
NSND Thanh Vy cho biết hàng ngàn suất diễn vở Nàng Xê Đa là có nước mắt của bà cho vai diễn trong đó
Phóng viên: Cho tới ngày nay, ngoài nghệ nhân Thanh Vy, bà còn được nhắc đến bằng một tên nhân vật mình từng thủ diễn là "Nàng Xê Đa". Bà nghĩ gì về điều này?
- NSND THANH VY: Hạnh phúc. Đời nghệ sĩ có được điều này là may mắn lắm! Chứng tỏ diễn xuất của họ có được vị trí trong lòng khán giả. Được gọi "Nàng" mình cảm thấy trẻ hoài.
Bà là con nhà nòi (con gái thứ hai của vợ chồng nhạc sĩ Trần Vân và diễn viên hài Vân Quí; chị gái bà là NSƯT Thanh Dậu, 3 người em trai là các nhạc sĩ: Trần Hồng, Văn Hai, Văn Môn), sinh ra, lớn lên và thành danh trên đất Bắc, để chinh phục khán giả, đồng nghiệp tại thủ phủ của nghệ thuật cải lương khi vào Nam, bà đã vượt qua áp lực như thế nào?
- Hàng ngàn suất diễn vở "Nàng Xê Đa" là có nước mắt của chính tôi trong đó. Tôi khóc vì chính mình đã vượt qua áp lực để tồn tại. Khi vào Nam, những thành tựu đạt được trên sân khấu phía Bắc tôi cất vào trong quá khứ, đặt mình ở vị trí số 0, học hỏi đồng nghiệp mà mình ngưỡng mộ. Như người đi chân không trên sợi dây xiếc, cũng chẳng có bảo hộ lao động, tôi đã từng bước chống chọi với gian nan, để cân bằng trạng thái mà làm nghề. Tất nhiên khi đến đích, đôi chân mình rướm máu.
Và bà đã thành công trong sự ngưỡng mộ, kính phục của đồng nghiệp phương Nam. Họ bảo bà có được khả năng thích ứng nhanh với các vai diễn đa tính cách trên sân khấu dù đó chỉ là vai phụ?
- Tôi thích nhận vai phụ, càng nhỏ càng thích. Với mảnh đất đó, tôi đào xới theo sức của mình. Còn vai đa tính cách thì thi thoảng mới gặp nhưng hễ đã chạm đến nhân vật đó thì tôi nhớ hoài, nhớ suốt đời. Điển hình là vai bà mẹ trong "Hòn đảo thần vệ nữ", Thần Phi trong "Rạng ngọc Côn Sơn". Diễn hai mặt trong một con người, cộng thêm cái tôi của diễn viên, tức đưa vào đó sự phán xét, phản biện của chính mình. Khi đó, tâm trạng của mình bay bổng, khó tả lắm.
Thế hệ của bà biết biến vai nhỏ, vai phụ thành vai đỉnh cao của sự nghiệp. Còn thế hệ nghệ sĩ hôm nay hiếm có ai biết làm điều đó?
- Đơn giản vì họ thích đi xe trên lộ, còn tôi thích đi bộ trong những con hẻm. Ở đó, tôi được tiếp cận, quan sát, lắng nghe, cảm được điều người dân muốn nói. Nghề diễn viên giỏi tưởng tượng, phán đoán nhưng tài mấy cũng mòn. Sáng tạo mà không dung nạp cái mới, không tiếp thêm "năng lượng" thì thành quả chẳng để lại dư âm đẹp nào. Tôi không dám nói vai phụ qua tay mình sẽ thành đỉnh cao, tôi chỉ biết sau khi cánh màn nhung khép lại, mình nhận thù lao mà không xấu hổ với chính mình.
Từ sân khấu bước qua điện ảnh, bà có vai cô Đồng trong phim "Trăng nơi đáy giếng" và sau đó là vai bà Cúc trong phim "Vòng xoáy tình yêu" rất ấn tượng. Vì sao bà rất ít khai thác điểm mạnh này?
- Sau này tôi bị bệnh mất ngủ, mỗi đêm chỉ ngủ được 2 tiếng đồng hồ nên sức khỏe kém, không thể tham gia phim. Tôi cũng thích đóng phim lắm, vì môn nghệ thuật này đòi hỏi diễn xuất chân thật. Nhưng do hoàn cảnh mà chưa có nhiều cơ hội tham gia.
Bà có hối tiếc điều gì vì chưa làm được cho sự nghiệp nghệ thuật? Dự án mà bà quan tâm nhất hiện nay của sân khấu sau khi mình được nhà nước phong tặng NSND?
- Tôi tiếc là mình không còn đủ sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho sân khấu như trước đây. Dự án tôi mong mỏi là sự khởi động lại của Giải thưởng Trần Hữu Trang. Từ sân chơi này hứa hẹn sẽ tìm kiếm nhiều tài năng, có sức trẻ, có nhiều sáng tạo để mang lại cho sân khấu cải lương diện mạo mới. Hy vọng tôi có thể đóng góp phần mình trong hướng dẫn truyền nghề cho thế hệ trẻ.
Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp. Trong mùa dịch, những người làm công tác nghệ thuật cũng bị ảnh hưởng, nhiều sô diễn đã bị hủy, hàng loạt chương trình nghệ thuật chuẩn bị công phu phải tạm dừng biểu diễn. Bà trăn trở điều gì trong lúc này?
- Những ngày qua, cả nước căng mình chống dịch, thiệt hại do các hoạt động biểu diễn nghệ thuật phải dừng lại cũng không thấm vào đâu so với thiệt hại chung mà cả nước đang phải gánh chịu. Mỗi nghệ sĩ, lúc này, cần chung sức để cùng xã hội vượt qua khó khăn, đẩy lùi dịch bệnh, nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường. Trăn trở của người nghệ sĩ lúc này là sau đại dịch, chúng tôi sẽ làm gì để có được những tác phẩm sân khấu mang thông điệp giá trị đến với khán giả. Chúng ta đang đối diện với thử thách rất lớn là cả nhân loại phải lựa chọn giữa sự ích kỷ với lòng vị tha. Sợ lắm khi sự thờ ơ, vô ý thức vẫn còn đâu đó trong đời sống hôm nay.
Bà có nghĩ đây cũng là cơ hội để thiết lập lại các giá trị nhân văn đã bị đánh mất?
- Tôi tin trong mỗi ngày trôi qua, đại dịch này đã cho chúng ta có thời gian suy nghĩ, nhìn lại để xây dựng một lối sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng, sống ít hưởng thụ cho riêng mình, bảo vệ nền văn hóa truyền thống của chính dân tộc mình. Thực tế trong những ngày qua, bên cạnh những thái độ, hành vi thể hiện sự ích kỷ vô trách nhiệm của một số người, chúng ta thấy nổi lên những nghĩa cử đẹp vì cuộc sống cộng đồng. Đó là những giá trị cao đẹp cần được nhân lên. Nghệ thuật sẽ phải làm điều này. n