NSND Thúy Mơ: Một đời giữ ngọn lửa chèo
Không chỉ nổi danh là nghệ sĩ tài sắc chiếng chèo xứ Đông, NSND Thúy Mơ còn được người hâm mộ chèo trong nước biết tới là tấm gương về lao động nghệ thuật nghiêm cẩn, hết mình. Gần 40 năm làm nghệ thuật chuyên nghiệp, tới nay dù đã bước vào tuổi 70 nhưng tình yêu chèo vẫn tha thiết trong trái tim người nghệ sĩ tài năng, đa cảm này.
Mùa xuân này, NSND Thúy Mơ chạm bước vào ngưỡng tuổi thất thập, nhưng ngoài đời bà trẻ hơn nhiều so với tuổi. Làn da căng mịn, đôi bắt đen biểu cảm, đặc biệt là giọng hát trẻ trung, trong veo như không vương dấu hiệu của thời gian. Hỏi bà bí quyết giữ mãi sự nhanh nhẹn, minh mẫn của mình, bà bảo, có lẽ vì cuộc sống an nhiên, không toan tính, và lúc nào cũng đong đầy cảm xúc với nghệ thuật, cuộc đời.
Với NSND Thúy Mơ, đến và gắn bó với nghệ thuật chèo rất tự nhiên. Sinh ra trong một gia đình nghèo đông con ở vùng nông thôn đồng trũng nước trong của tỉnh Hải Dương, một năm chỉ 2 vụ lúa nên dù làm việc quần quật vẫn không đủ ăn. Ngay từ nhỏ xíu, cô bé Thúy Mơ đã quen với mọi việc đồng áng trong gia đình. Dù vất vả, cực nhọc nhưng chị em Thúy Mơ lại có năng khiếu văn nghệ được thừa hưởng từ người cha có giọng hát tuồng rất hay.
NSND Thúy Mơ.
Chị gái Thúy Mơ xinh đẹp, hát hay từ nhỏ nên sớm trở thành hạt nhân văn nghệ của xã. Thúy Mơ chỉ theo chị đi tập văn nghệ mà thuộc hết mọi làn điệu chèo từ lúc nào. Nhà nghèo nên 15 tuổi, Thúy Mơ tham gia TNXP đóng quân ở Hải Phòng, chuyên bốc hàng cho tuyến đường sắt Hải Phòng - Quảng Bình. Thương cô bé nhỏ xíu lại có giọng hát hay, các anh chị trong đoàn TNXP thường làm giúp để Thúy Mơ tập văn nghệ.
Rời TNXP, Thúy Mơ đi học Sư phạm mẫu giáo nhưng trong lần đi hội diễn văn nghệ quần chúng của huyện, Thúy Mơ được giải đặc biệt với vai anh bộ đội trong vở “Lá thư đầu”. Ngay sau buổi biểu diễn, Đoàn chèo Phú Hải (tên cũ của Đoàn chèo Hải Dương) cử người về tận nhà Thúy Mơ tìm gặp vì nghe tiếng có cô gái người nhỏ bé nhưng giọng hát trong veo, cao vút. 18 tuổi, Thúy Mơ chính thức trở thành diễn viên của Đoàn.
“Làng” chèo đều nhận định, Thúy Mơ là một tài năng. Bản thân bà cũng chia sẻ, mình không có cơ hội được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp tại trường lớp mà trưởng thành từ sân khấu, từ sự chỉ bảo của những nghệ sĩ đi trước. Đến giờ, bà vẫn luôn nhắc nhớ những người anh, người chị đã tận tình bảo ban, giúp đỡ trên những bước đi đầu tiên của con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. Đó là các nghệ sĩ Văn Hành, Văn Tân, những nhạc công của đoàn dạy bà những làn điệu chèo cổ, nghệ sĩ Kim Ly dạy hát, nghệ sĩ Minh Lý dạy múa... Năng khiếu trời cho cộng sự hăng say luyện rèn đã giúp Thúy Mơ thể hiện những làn điệu của chèo cổ như “Sa lệch chênh”, “Tò vò”, “Sử rầu”, “Trần tình” đến “Luyện năm cung”… tới say đắm lòng người.
Trong cuộc đời gần 40 năm làm nghệ thuật, NSND Thúy Mơ có một gia tài đồ sộ là những vai chính trong nhiều vở diễn. Ngay từ lần ra mắt đầu tiên là vai Kan Bé trong vở “Dòng máu nghĩa tình”, Thúy Mơ đã nhận được sự khen ngợi của khán giả và những người trong nghề. Thúy Mơ vào đoàn được 1 năm thì Đoàn chèo Hải Phú và Đoàn chèo Hưng Yên sát nhập thành Đoàn chèo Hải Hưng. Dù khi ấy tuổi còn rất trẻ nhưng Thúy Mơ đã được đạo diễn tin tưởng giao vai diễn chính. Những vai diễn như Cúc Hoa trong “Tống Trân Cúc Hoa”, Tấm trong “Tấm Cám”, Ỷ Lan trong “Nhiếp chính Ỷ Lan”, Bưởi trong “Hương Bưởi”, Bến trong “Ni cô Đàm Vân”… là những vai diễn đỉnh cao trong sự nghiệp của bà.
Nghệ sĩ Thúy Mơ không chỉ chinh phục khán giả bằng tài năng hiếm có mà còn bằng tiếng thổn thức của trái tim đa cảm. Không kể giọng hát thanh xuân bất chấp tuổi tác, nghệ sĩ Thúy Mơ còn có đôi mắt đằm thắm giàu biểu cảm. Nhiều đồng nghiệp thừa nhận đảm nhận những vai thiếu nữ trong tình yêu khó ai qua nổi Thúy Mơ.
Chuyện kể rằng, đạo diễn NSND Lê Hùng về dựng vở cho đoàn, khi ấy nghệ sĩ Thúy Mơ đã “có tuổi” nên được giao vai bà mẹ. Trong khi tập, nghệ sĩ trẻ vào vai cô thiếu nữ tập mãi nhưng vẫn không ra được nét thẹn thùng, tình tứ, đạo diễn Lê Hùng bèn nhờ nghệ sĩ Thúy Mơ thị phạm. Bà chỉ diễn một nét là ra ngay. Sau này, đạo diễn Lê Hùng vẫn đùa: “Bà già còn diễn được mà các cô trẻ nói không ra”.
Những nỗ lực trong nghề đã mang về cho nghệ sĩ Thúy Mơ những giải thưởng cao quý như Huy chương vàng cho vai cô Làn trong “Câu chuyện làng Nhân” (năm 1980), Giải A cuộc thi Tiếng hát chèo Toàn quốc (năm 1981), giải đặc biệt cho vai diễn Cúc Hoa trong “Tống Trân Cúc Hoa”... Không chỉ xuất sắc trong chuyên môn, nghệ sĩ Thúy Mơ còn đảm nhiệm nhiều trọng trách: Phó giám đốc phụ trách chuyên môn Nhà hát Chèo Hải Dương, đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa X, thành viên BCH Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, BCH Hội Phụ nữ tỉnh…
Ngồi trò chuyện cùng NSND Thúy Mơ, nghe bà sẻ chia những buồn vui mặn ngọt trong nghề, càng thấu hiểu không hề đơn giản để bà có thể đi trọn vẹn với nghệ thuật. Lập gia đình từ năm 1972 nhưng hai vợ chồng bà không được ở cùng nhau tới hơn chục năm. Chồng công tác ở huyện còn Thúy Mơ ở một mình trong khu tập thể của đoàn chèo để tiện tập luyện biểu diễn. Ba người con lần lượt ra đời nhưng cứ 2 tháng tuổi là phải cai sữa và theo mẹ đi diễn ở khắp nơi. Khi con được 7 – 8 tháng tuổi là gửi về quê ở cùng bố.
NSND Thúy Mơ (bên phải) và con gái - NSƯT Minh Phương.
Tới năm 1983, hai vợ chồng bà mới được đoàn tụ. Nhưng cái nghèo chưa bao giờ buông rời những gia đình nghệ sĩ thuở ấy. Sau những giờ phút thăng hoa trên sân khấu, để nuôi ba con ăn học, nghệ sĩ Thúy Mơ phải thức đêm khâu nón, cuộn thuốc lá đến mỏi nhừ cả tay để kịp sáng mai giao cho khách hoặc mang ra chợ bán. Đến giờ, bà vẫn không quên những ngày cả nhà sống trong ngôi nhà xây chưa kịp trát. Mỗi lần gió thốc vào bụi bay mờ cả mắt. Nhưng, những vất vả đó vẫn chưa thấm bằng tủi hờn của thị phi mà bà gặp phải. Những thông tin vô căn cứ từ trên trời rơi xuống khiến bà không ít lần lao đao. Buồn hơn, điều đó đôi khi còn khiến cả người gần gũi thân yêu nhất cũng mang lòng hoài nghi.
Bà chia sẻ, là nghệ sĩ nổi tiếng, đi biểu diễn ở nhiều nơi có người hâm mộ là không thể tránh khỏi. Nhưng chưa một lần bà ngã lòng trước những hứa hẹn về một cuộc sống vật chất đủ đầy. Dù không phải lúc nào vợ chồng cũng thấu hiểu nhau nhưng bà luôn nhớ hình ảnh ông chất phác chăm con cho vợ đi biểu diễn, một mình đóng gạch xây nhà… để luôn nhủ mình sống trọn vẹn tình nghĩa trước sau. Vất vả, thậm chí nhiều khi tủi hờn nhưng chưa khi nào làm vơi đi tình yêu chèo trong lòng. Bà bảo, cứ trang điểm, lên sân khấu, hóa thân vào vai diễn là mọi toan lo nhọc nhằn lẫn hờn tủi trong cuộc đời như tan biến. Chỉ còn biết cháy hết mình trong cuộc đời, số phận của vai diễn.
Vốn tính thẳng thắn, bộc trực nên không phải mọi việc đều suôn sẻ với bà. Là một trong ít nghệ sĩ nhận được nhiều huy chương, giải thưởng của hội diễn từ rất sớm, năm 1993 đã nhận danh hiệu NSƯT nhưng phải tới năm 2019, hơn chục năm sau khi nghỉ hưu, nghệ sĩ Thúy Mơ mới nhận được danh hiệu NSND. Bà vẫn nhớ, lúc nhận tin được phong tặng danh hiệu NSND, bà đang ở nhà một mình. Không hiểu sao, lúc ấy nước mắt cứ tự nhiên chảy ra, nghẹn ngào tới hơn chục phút. Đó thực sự là niềm vui, sự đáp đền xứng đáng cho những cống hiến của bà với nghệ thuật chèo.
Nhưng, hạnh phúc của NSND Thúy Mơ không chỉ là sự nghiệp chèo viên mãn mà còn bằng tình yêu nghệ thuật ấy được nối dài bởi các con. Cả ba người con của NSND Thúy Mơ đều hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Đặc biệt, cô con gái lớn, NSƯT Minh Phương, hiện đang là Trưởng đoàn Ca nhạc dân tộc, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam được người trong nghề ví có giọng hát chèo hay bậc nhất Việt Nam.
Thừa hưởng năng khiếu hát chèo của mẹ nhưng con đường nghệ thuật của Minh Phương cũng không bằng phẳng. Hiểu nỗi vất vả của người làm nghệ thuật nên ban đầu, Minh Phương không nhận được sự ủng hộ của bố. Bao lần tham gia các cuộc thi hát ở Hà Nội, chỉ có hai mẹ con đưa nhau đi thi. Có lần thi xong, tiền trong túi chỉ đủ cho hai mẹ con mua được chiếc bánh mì.
Bà nhớ có lần, nhạc sĩ Thuận Yến gặp hai mẹ con không khỏi cám cảnh: “Chỉ có hai mẹ con đi thôi à?”. Sau này, khi Minh Phương nối gót mẹ, trở thành diễn viên Nhà hát Chèo Hải Dương thì không ít lần hai mẹ con cùng tranh tài, cùng nhận Huy chương vàng ở một hội diễn. Cặp mẹ con Thúy Mơ - Minh Phương nổi tiếng khắp làng chèo đến nỗi có lần ở một hội diễn, NSƯT Thu Huyền (Nhà Hát Chèo Hà Nội) trêu đùa: “Cứ nhìn thấy hai mẹ con u là con sợ lắm”.
Trò chuyện với NSND Thúy Mơ, điều dễ nhận thấy ở bà là sự chân chất, mộc mạc, giản dị trong tính cách. Bà vẫn giữ nguyên giọng nói mà bà vẫn tự nhận là “người nhà quê” của một vùng đồng bằng chiêm trũng. Dù đã nghỉ hưu nhưng chưa khi nào dừng làm nghệ thuật. Bà dành thời gian ngâm thơ, biểu diễn cho Đài Phát thanh – Truyền hình, tham gia giảng dạy, huấn luyện văn nghệ quần chúng. Bà là Phó chủ tịch CLB đàn hát dân ca thành phố Hải Dương, thành lập Câu lạc bộ Tâm Đức, quy tụ những người yêu chèo, thường xuyên đi diễn chèo ủng hộ các chùa và người nghèo. Bà chia sẻ: “Nghệ thuật truyền thống sẽ dần bị mai một nếu không biết cách gìn giữ nên còn sức khỏe, tôi có gắng truyền lại cho thế hệ trẻ".