NSND Thúy Ngần diễn 'Xúy Vân giả dại' trong triển lãm tranh
NSND Thúy Ngần diễn 'Xúy Vân giả dại' trong triển lãm 'Nguyễn Linh 6', trưng bày 70 tác phẩm phác họa đậm nét khung cảnh làng quê, nếp sinh hoạt Bắc Bộ.
Clip NSND Thúy Ngần diễn 'Xúy Vân giả dại':
Tối 5/5, triển lãm Nguyễn Linh 6 của họa sĩ Nguyễn Linh khai mạc tại An Gallery. Ông từng thực hiện 5 triển lãm cá nhân trải dài từ năm 2006-2023 cùng nhiều trưng bày nhóm trong và ngoài nước. Triển lãm này đánh dấu cột mốc lần đầu tiên trong sự nghiệp ông ra mắt những đứa con tinh thần tại TP.HCM.
Nguyễn Linh 6 tập hợp trưng bày hơn 70 tác phẩm phác họa đậm nét khung cảnh làng quê, nếp sinh hoạt Bắc Bộ từ hình tượng những người dân gần gũi, bình dị đến các nghệ nhân đang hóa thân trong nghệ thuật tuồng, chèo hay khoảnh khắc nghi lễ hầu đồng biến hóa ảo diệu.
Chủ đề truyền thống tưởng chừng quen thuộc nhưng được khắc họa đầy ngẫu hứng và mới mẻ qua bút pháp của Nguyễn Linh. Những bức tranh lấy cảm hứng từ nếp sinh hoạt thường nhật lẫn đời sống nghệ thuật và tinh thần của dân gian, dù tập trung vào những lát cắt giao tiếp lặng lẽ hay trình diễn kịch tính đều không quá xa cách, mà vẫn luôn là hỉ nộ ái ố hiện hữu đâu đó trong đời sống cảm xúc của con người hôm nay.
Họa sĩ Trịnh Tuân phụ trách giám tuyển triển lãm chia sẻ: “Nguyễn Linh từng được biết đến như một họa sĩ có năng lượng sáng tạo dồi dào hiếm thấy, có khả năng cho ra đời hàng trăm bức tranh với kích thước không hề nhỏ chỉ trong mấy mùa mưa nắng. Nhưng với tôi, cái sung mãn của ông không chỉ nằm ở con số đếm khổng lồ, ở đề tài phong phú và kích cỡ đồ sộ. Cái 'khỏe' trong sáng tạo của ông nằm ở tư duy, kiến thức và một nền tảng văn hóa vững vàng”.
Do được nuôi dưỡng từ môi trường học thuật chính thống tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội vào thập niên 80, đồng thời là hậu bối của những bậc thầy hội họa như Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm… Nguyễn Linh nhìn thấy được những di sản quý báu trong cảm hứng từ cuộc sống sinh hoạt cũng như văn hóa Bắc Bộ của thế hệ trước.
Ông nhận ra, một người nghệ sĩ mang tư tưởng cách tân đến mấy cũng mong muốn hồi đáp truyền thống vì "cội nguồn tình cảm" vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ để mỗi cá nhân thấu hiểu căn tính bản ngã và khai phá dấu ấn riêng. Nguyễn Linh khẳng định: "Tôi trung thành với nếp nghĩ của người Việt, với cách nhìn và suy nghĩ trong những đề tài của mình. Dùng kỹ thuật lẫn chất liệu của phương Tây như phương tiện để biểu đạt tinh thần Việt Nam trọn vẹn ở tác phẩm".
Nguyễn Linh 6 là sự kiện lần đầu tiên họa sĩ ra mắt “kho tàng dân gian” của riêng mình tới những người bạn và giới mộ điệu phương Nam; cũng là tuyên ngôn của họa sĩ về hành trình sáng tạo không có điểm dừng và tình yêu dành cho suối nguồn truyền thống.
“Văn hóa dân gian cũng là một phần đời sống, tôi nghĩ nó cũng như những sinh hoạt khác, chỉ có một vấn đề vẽ được ra chèo hay hầu đồng mà người thưởng lãm vẫn nhận ra bút pháp riêng của mình là một thách thức”, Nguyễn Linh bày tỏ.
Họa sĩ Nguyễn Linh sinh năm 1961 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội khóa 23 (1979-1983). Nguyễn Linh từng làm báo và công tác tại Tạp chí Kiến trúc. Năm 1990, ông chuyển hướng rẽ ngang và dành trọn đam mê cho hội họa.
Sự trở lại hăng say và liên tục tìm tòi của Nguyễn Linh đã lần lượt mở ra đường biên mới, giúp ông phát huy phẩm chất nghệ thuật tạo hình vốn có để tạo nên dấu ấn cá nhân, đặc biệt trong dòng tranh đề tài đời sống văn hóa dân gian như chèo, hầu đồng.