NSND Trần Bảng - bố NSƯT Trần Lực qua đời
Nghệ sĩ chèo Trần Bảng - bố NSƯT Trần Lực, qua đời vì tuổi cao sức yếu, thọ 97 tuổi.
Sáng 19/7, NSƯT Trần Lực cho biết cha anh là NSND Trần Bảng đã qua đời lúc 6h cùng ngày, sau thời gian nằm viện. Ông hưởng thọ 97 tuổi.
Vài ngày trước nghệ sĩ Trần Bảng bị ngã, phải phẫu thuật thay khớp. Đạo diễn Trần Lực đã báo tin mừng về ca phẫu thuật thành công. Tuy nhiên, sau đó, ông sốt nhiều ngày vì viêm phổi.
Những năm gần đây, sức khỏe ông yếu nhưng tinh thần minh mẫn. Nghệ sĩ sống cùng gia đình con trai từ sáu năm trước. Ở tuổi ngoài 90, ông vẫn cập nhật tin tức qua mạng xã hội, sử dụng thành thạo máy tính bảng.
Nhiều nghệ sĩ Việt như: Diễn viên Minh Hòa, Nguyễn Minh Tiệp, Vượng Râu, đạo diễn Vũ Minh Trí,... đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình NSƯT Trần Lực.
NSND Trần Bảng sinh năm 1926, quê ở xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, là con trai nhà văn Trần Tiêu, cháu ruột nhà văn Khái Hưng. Vợ ông là nghệ sĩ chèo Trần Thị Xuân, bà đã qua đời năm 2016.
Nghệ sĩ Trần Bảng được mệnh danh là "trùm chèo", bởi ông thuộc thế hệ đầu tiên khôi phục nghệ thuật chèo dần mai một trước phong trào Âu hóa những năm 1950. Ngoài ra, ông vừa là đạo diễn, nhà soạn giả, vừa là nhà nghiên cứu, lý luận chèo.
Cả đời làm chèo, vở diễn mà nghệ sĩ dành nhiều tình cảm nhất là Quan Âm Thị Kính, được ông phục dựng ba lần vào các năm 1957, 1968 và 1985. Sau mỗi lần, NSND Trần Bảng nhận ra Thị Kính không phải là phụ nữ mềm yếu, thụ động cam chịu những oan trái, khổ nạn hay hình tượng dầm dề nước mắt. Thị Kính cho thấy dù oan khiên, bất hạnh cũng không mất lòng trắc ẩn, sự vị tha của con người.
Đầu những năm 1950, nghệ sĩ tham gia viết và diễn kịch trong Đoàn văn công nhân dân Trung ương tại chiến khu Việt Bắc. Đoàn khi đó được chia làm ba tổ, hội tụ nhiều tên tuổi lão làng như Thế Lữ, Song Kim (tổ kịch), Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Doãn Mẫn, Thái Ly (tổ ca múa nhạc), Năm Ngũ, Dịu Hương, Cả Tam (tổ chèo). NSND Trần Bảng giữ vai trò tổ phó tổ kịch.
Trong bối cảnh đoàn cần những tác phẩm đặc sắc phục vụ hội nghị quan trọng của Trung ương, năm 1953 ông phối hợp nghệ sĩ Năm Ngũ, Dịu Hương dựng vở Chị Trầm - vở chèo hiện đại đầu tiên của sân khấu chèo cách mạng. Sau thành công của vở diễn, ông viết nhiều kịch bản chèo như Con trâu hai nhà, Đường đi đôi ngả, Cô gái và anh đô vật, Tình rừng, Chuyện tình 80 năm, Máu chúng ta đã chảy.
Ông từng giữ chức Giám đốc Nhà hát Chèo Trung ương, Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Sân khấu Bộ Văn hóa - Thông tin, Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khóa 1 (1957). Ông được nhận học hàm Giáo sư và danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 1993. Ông nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001 và Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2007.