NSND Trần Hạnh: 60 năm cống hiến gắn liền với hình ảnh khắc khổ
Ở tuổi 90, sau 60 năm cống hiến hết mình cho nghệ thuật, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân là món quà, cũng là sự ghi nhận những đóng góp quý báu cho sân khấu và điện ảnh của nghệ sĩ Trần Hạnh.
Chiều 29.8, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước hiện diện và trao tặng danh hiệu cao quý dành cho các nghệ sĩ. Đây là đợt xét phong tặng, truy tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9. Trong đó, có diễn viên gạo cội của miền Bắc, nghệ sĩ Trần Hạnh, đón nhận danh hiệu ở tuổi 90, sau nhiều lần lỡ hẹn vì chưa đủ huy chương.
Khoảnh khắc người nghệ sĩ già với vóc dáng gầy gò, lom khom trong từng bước đi chậm rãi nhưng vẫn luôn nở nụ cười rạng rỡ khiến cả khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội như vỡ òa trong những tràng pháo tay và sự xúc động. Sau 60 năm cống hiến hết mình vì nghệ thuật, cuối cùng ông cũng được ghi nhận.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành cho nghệ sĩ Trần Hạnh một cái ôm ấm áp trước khi trao tặng bằng khen. Ông tâm sự rằng đã vô cùng bất ngờ khi được Thủ tướng ôm mình trên sân khấu. Điều đó khiến nghệ sĩ Trần Hạnh vui và xúc động.
Ông chia sẻ: "Danh hiệu NSND không phải là mục đích của tôi khi làm nghề nhưng tôi thấy hạnh phúc và tự hào khi những nỗ lực của mình được ghi nhận".
Nét mặt rạng rỡ của nghệ sĩ Trần Hạnh khi được Thủ tướng trao danh hiệu cao quý - Ảnh: Internet
Con gái cả của nghệ sĩ Trần Hạnh cũng chia sẻ: "Khi biết tin được phong tặng NSND, ông vui và khỏe lên rất nhiều. Như mọi người cũng biết, ông sống giản dị và chân thành lắm, dù được danh hiệu hay không thì vẫn vui. Ông không muốn phiền hà con cháu, nên ban đầu còn định đi xe ôm đến buổi lễ, dù các con đều có xe đưa đi. Hôm nay, hai người em gái của ông cũng đến".
NSND Trần Hạnh được công chúng yêu mến và trở nên quen thuộc với khán giả qua nhiều vai diễn gắn với hình ảnh người nông dân chất phác. Nhờ những bộ phim truyền hình, hình ảnh người đàn ông với đôi mắt buồn Trần Hạnh trở nên thương mến với khán giả. Năm 1989, ông nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, nhận lời tham gia nhiều bộ phim và tiểu phẩm. Ông đã ghi dấu trong lòng khán giả qua loạt vai diễn khắc khổ trong các phim Truyện cổ tích tuổi 17, Người cầu may, Chiếc bình tiền kiếp, Hãy tha thứ cho em, Ngõ lỗ thủng...
Dù phần lớn các vai diễn của ông là vai thứ, vai phụ nhưng vẫn gây được sự chú ý đáng kể, khiến người xem thương cảm, chia sẻ cho số phận bi hài của nhân vật. Cũng có thể nói khả năng thể hiện kiểu nhân vật vừa có nét bi, vừa có nét hài là đặc điểm riêng trong chất diễn của ông.
Là một Nghệ sĩ Nhân dân nhưng đằng sau ánh hào quang của sân khấu, cuộc sống thường ngày của nghệ sĩ Trần Hạnh không lung linh hào nhoáng như nhiều người lầm tưởng. Cũng như những vai diễn trên phim của ông, cuộc đời ông có những biến cố, những thăng trầm, nhưng với lòng tự trọng và sự lạc quan, ông luôn đón nhận, không oán trách và mỉm cười để vui sống với đời.
Khoảng một năm trở lại đây, sức khỏe của ông yếu đi, các bác sĩ chẩn đoán mắt phải của ông hỏng hoàn toàn, thị lực mắt trái giảm sút. Hằng ngày, ông vẫn ra cửa hàng ở ga Trần Quý Cáp ngồi chuyện trò, hàn huyên với bạn bè.
Sau bao nhiêu thăng trầm đã trải qua, cuối cùng người nghệ sĩ già cũng đã được nhân danh hiệu cao quý nhất, đó là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực, đóng góp không biết mệt mỏi của ông với nghệ thuật nước nhà. Ông đã đối xử vô tư với nghệ thuật và nhận lại được vô vàn lòng yêu quý, ngưỡng mộ của khán giả nhiều thế hệ. Đó mới là phần thưởng quý giá nhất cho một người nghệ sĩ.
Đan Thùy