NSND Trần Phương: Người lãng mạn hóa những thước phim hình sự
Chị Trần Phương Thủy, con gái của NSND Trần Phương cho biết, ông ra đi nhẹ nhàng, cứ thế bình thản chìm vào một giấc ngủ say vĩnh viễn. Ông giã từ những ngày tháng tuổi già, như một ngọn đèn đã cạn dầu sau những tháng ngày cháy hết mình cho cuộc sống, cho điện ảnh, cho dương thế.
NSND Trần Phương ra đi, để lại đầy ắp những kỷ niệm cho bạn bè và các thế hệ diễn viên, đạo diễn đàn em, cho các thế hệ học sinh trong nghề. Và trên hết, ông để lại một gia tài phim đầy dấu ấn và không thể quên trong điện ảnh Việt Nam hiện đại. Đặc biệt trong số đó, là một số lượng không nhỏ phim về hình tượng người chiến sĩ CAND.
Những vai diễn để đời
Cho đến bây giờ, ngay cả khi điện ảnh Việt Nam phát triển vượt bậc, song, có lẽ trong lòng khán giả yêu quý phim Việt Nam, không thể không nhớ đến Trần Phương với những vai diễn để lại dấu ấn đậm nét như A Phủ trong phim "Vợ chồng A Phủ" (đạo diễn Mai Lộc, Hoàng Thái); Khoa trong phim "Chị Tư Hậu" (đạo diễn Phạm Kỳ Nam); Đoàn trong phim "Bình minh trên rẻo cao" (đạo diễn Trần Đắc, Nguyễn Đỗ Ngọc); Vũ Khiêm trong "Tiền tuyến gọi" (đạo diễn Phạm Kỳ Nam); Anh Lực trong phim "Vợ chồng anh Lực" (đạo diễn Trần Vũ)...
Thành công với những vai diễn khác nhau là vì mỗi khi thể hiện nhân vật điện ảnh, NSND Trần Phương cho rằng, người diễn viên cần nắm vững hoàn cảnh, tâm lý, tính cách nhân vật, mặt khác cũng phải "hòa" nhân vật vào với cá tính và bản chất mình. Có như vậy, nhân vật mới có cá tính và cốt cách riêng. Vì quan niệm đó nên khi đóng vai A Phủ trong phim "Vợ chồng A Phủ", NSND Trần Phương đã lên miền núi sống cùng người dân tộc, thâm nhập thực tế rồi mới đóng phim.
Đạo diễn Trần Phương từng kể lại câu chuyện ông gặp nhà văn Nguyễn Tuân đi thực tế ở Tuần Giáo, Điện Biên để viết tùy bút “Sông Đà”. Nhà văn Nguyễn Tuân đã hỏi: "Cậu biết thế nào về thằng A Phủ?". “A Phủ là người nông dân nghèo khổ, sau này vùng dậy tự giải phóng bản thân" - Trần Phương trả lời.
Nhà văn Nguyễn Tuân cười khà khà, bảo: “Thế là cậu đếch hiểu gì về A Phủ cả. Cái thằng A Phủ, trước tiên nó cưỡi ngựa rất giỏi, cậu phải biết cưỡi ngựa. Thứ hai là phải biết ghẹo gái. Người dân tộc quen nhau là rủ nhau đi suốt cả đêm. Cậu làm được như thế mới có thể đóng được vai này".
Những lời của nhà văn Nguyễn Tuân như găm vào đầu cậu diễn viên Trần Phương trẻ tuổi hồi ấy. Khi đoàn làm phim mua cho NSND Trần Phương một con ngựa để tập cưỡi nhưng con ngựa lại vô cùng dữ tợn, bất kham, nên ông cứ trèo lên là lại bị nó quật ngã. Lần bị nặng nhất là con ngựa hất ông ngã... suýt chết và cho đến giờ, vết sẹo vẫn to dùng trên đầu. Do ngựa của người Mông không có yên cũng không có dây cương nên việc ngồi lên nó để trèo đèo, lội suối là rất khó khăn...
Cứ thế, ông chật vật hàng tháng trời tập cưỡi ngựa và chịu nhiều thương tích để lại trên phim hình ảnh một chàng A Phủ với ánh mắt, điệu cười, giọng nói tự tin cưỡi ngựa không khác gì trai bản, thậm chí còn có khi phách, dũng mãnh hơn.
Khác với vai A Phủ, một chàng trai miền núi, khi Trần Phương vào vai Chủ nhiệm hợp tác xã trong phim "Chuyện vợ chồng anh Lực" lại là một tính cách khác đầy toan tính, bất lực trước cuộc sống khó khăn nhưng cũng đầy sự cảm thông với vợ, với cuộc sống quanh mình.
Ở nhân vật Ông già tri thức trong phim "Sao tháng Tám" lại là một nhân vật chìm đắm trong bi kịch gia đình và xã hội. Với vai Khoa trong phim "Chị Tư Hậu" thì dấu ấn đậm nét về một diễn viên Trần Phương đầy thông minh, gương mặt điển trai và bản lĩnh trên màn ảnh nhỏ thực sự đã cuốn hút người xem với đầy đủ những sắc thái. Ông là người sống lạc quan, trước mỗi vai diễn, trước mỗi khen chê, ông không giận, không hoang mang mà thường nở nụ cười tươi trên môi, bởi với ông, nhân vật và số phận các nhân vật trên màn ảnh nhỏ, sẽ được khán giả đánh giá một cách chân thành và công tâm nhất.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, trong vai trò diễn viên, đặc biệt trong phim "Vợ chồng A Phủ" thì NSND Trần Phương cùng nghệ sĩ Đức Hoàn đã biến câu chuyện đơn giản, mộc mạc, đậm chất dân tộc, trở thành một điển hình. Thành công này đến từ những cái nhỏ nhất, đơn giản từ gương mặt của họ, diễn xuất của họ đều đạt chiều sâu đến rợn người.
Với phim "Chị Tư Hậu" thì NSND Trần Phương lại quá giỏi ở chỗ, vai không nhiều nhưng ông tự tạo ra đất diễn của ông. Ông là một trong những diễn viên nam hiếm gặp. Ông đẹp không phải để nhìn, mà để cảm. Ông truyền cảm từ cách nhìn và cách diễn, độ "sốt" trên mặt. Diễn xuất nhiều lớp, gọi được xúc cảm của khán giả.
Đạo diễn thành công với nhiều phim về đề tài an ninh trật tự
NSND Trần Phương là một trong những người thành công khi chuyển sang vai trò đạo diễn, ông làm nhiều phim có dấu ấn, đặc biệt là các phim về đề tài an ninh trật tự. Thập niên 1990, khi trào lưu phim "mì ăn liền" phát triển, ông cũng tích cực tham gia với hàng loạt bộ phim "Vụ án hồ Con Rùa", "Săn bắt cướp", "Thủ môn từ trên trời rơi xuống"; "Tình ngỡ đã phôi phai"; "Vệt sáng ngược"; "Hai năm nữa anh về", "Dòng sông hoa trắng, "Mưa rơi trên thành phố"... đạt doanh thu rất cao.
Nhiều bộ phim trong số này nội dung về đề tài an ninh trật tự, giúp ông ghi dấu là một trong những đạo diễn có nhiều bộ phim hay về đề tài an ninh trật tự nhất. Trong phim của mình, Trần Phương luôn cân bằng giữa yếu tố nghệ thuật và thị trường. Ông đã chia sẻ rằng, thời còn sung sức, nhiều người vẫn bảo ông có duyên với đề tài công an.
Phim "Vụ án hồ Con Rùa" là bộ phim màu đầu tiên của Điện ảnh CAND, cũng là sợi gắn kết mối tình của ông với những người lính trên mặt trận bảo vệ bình yên cho nhân dân. Làm phim về đề tài công an, hình sự, ông được tiếp xúc nhiều với các đơn vị công an, những người lính, cả những người chỉ huy tài ba. Một trong những phim thành công nhất về đề tài này là bộ phim với 3 tập "Tôi sinh ra không phải để ngồi tù", "Người đàn bà mang áo tu sĩ" và "Cô đơn".
Là một trong những bộ phim đình đám cuối những năm 80 thế kỷ trước, "Săn bắt cướp" đã thu hút khán giả với cảnh dàn xe 67 của đội SBC chạy như bay trên đường phố. Tiếng động cơ hòa trong tiếng nhạc, tiếng huýt sáo rền vang, hào hùng.
NSND Trần Phương bảo, chọn kiểu nhạc ấy vì nó gần với văn hóa của người miền Nam lúc bấy giờ, lại nói lên được khí chất kiêu hùng, ngang tàng nhưng cũng đầy lãng mạn kiểu anh hùng ca của SBC đường phố. Kết hợp nhuần nhuyễn những pha hành động gay cấn, đuổi bắt đầy kịch tính là câu chuyện tình yêu ngang trái của tay tướng cướp khét tiếng với một tu sĩ xinh đẹp, hay chuyện tình cảm của một “sếp” công an với cô gái làng chơi có tính cách phức tạp.
Vừa sắc sảo, mưu mẹo lại vừa trọng tình nghĩa và yêu hết mình... Trong phim này, các diễn viên cũng chính là các chiến sĩ CAND.
Ông từng kể lại, vì phim có nhiều cảnh đuổi bắt mà các băng đảng cướp bóc ở Sài Gòn khi đó đều rất khét tiếng nên để tìm diễn viên quần chúng vào vai thì giả quá. Mà tìm diễn viên thật thì khó, ông đã phải "cầu viện" đến Công an tỉnh An Giang để vào vai... cướp.
Chỉ có họ mới vừa biết bắn súng, lại chạy xe trên xa lộ điêu luyện mà vẫn giữ được sự an toàn trong quá trình quay, không để xảy ra các sai sót. Sự kỹ tính, cộng thêm sự trợ giúp nhiệt thành của công an tỉnh An Giang lúc bấy giờ được NSND Trần Phương cho là yếu tố quan trọng để bộ phim “Săn bắt cướp” có được thành công ngoài mong đợi.
NSND Trần Phương cũng đã thông qua các bộ phim về công an "tạo" ra được các ngôi sao thời bấy giờ, như cố nghệ sĩ Phương Thanh với vai "Hiền cá sấu" trong phim "Tội lỗi cuối cùng". Nghệ sĩ Trọng Trinh trong vai chiến sĩ công an Năm Hà. Nghệ sĩ Thương Tín vai tướng cướp Bạch Hải Đường đến giờ vẫn được nhắc đến như một dấu mốc thành công đậm nét trong sự nghiệp đạo diễn của ông.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cũng cho rằng, làm việc với nhiều đạo diễn nhưng chị chưa thấy ai có sự cầu toàn và tạo nên được những phim chân dung "Người" nhất về người chiến sĩ CAND như NSND Trần Phương. Công an không phải lúc nào cũng chiến thắng, mà họ đầy sự hy sinh, gian khổ, trước sự mất mát, sự trả giá và những nỗi đau.
Điều thành công nhất của đạo diễn Trần Phương là ông đã lãng mạn hóa những thước phim tưởng như đầy tính hình sự, như phim "Dòng sông hoa trắng" với những cảnh quay đẹp với mối tình và câu chuyện của người chiến sĩ công an. NSND Trần Phương cũng đã có công thay đổi chân dung quen thuộc của diễn viên.
Chẳng hạn như ông đã biến NSND Trà Giang từ sự quen thuộc trong vai nữ anh hùng, nhiều bi kịch, nhiều hy sinh, nhiều đau khổ nhưng ở phim "Đứng trước biển", trở thành một người đàn bà sắt đá, đầy âm mưu thủ đoạn, đầy tham vọng quyền lực. NSND đã xoay chuyển 180 độ chân dung của một người quen thuộc đối với khán giả, từ khả năng diễn xuất tinh tế và tiềm ẩn, những diễn viên đi qua tay ông đều trở thành chân dung diện ảnh xuất sắc.
"Bố tôi là một người ấm áp"
Chị Trần Phương Thủy là người có nhiều năm tháng cận kề cha mình, NSND Trần Phương. Chị đứng ngoài danh tiếng của cha, mặc dù chị cũng là một người làm trong lĩnh vực nghệ thuật nhưng chị coi đó là một nghề nghiệp như bao nhiêu nghề nghiệp khác. Điều chị thực sự nhớ về người cha đáng kính của mình, không phải là những thước phim của ông mà về những tình cảm yêu thương đầy ấm áp mà ông dành cho các con mình. Ông về nhà là trút bỏ những danh tiếng, sống một cuộc sống bình dị cùng gia đình, các con.
Có một nỗi đau mà gia đình chị tưởng như không thể vượt qua đó là sự ra đi quá đột ngột của người con trai út duy nhất trong 5 anh chị em. Hồi ấy, không lời lẽ nào có thể mô tả được nỗi đau trong gia đình nhưng ông là điểm tựa duy nhất để gia đình nhỏ của chị vượt qua được biến cố cuộc sống. Ông như cây cao tỏa bóng che cho các con vượt qua những bất ổn trong cuộc sống và cho dù có chuyện gì xảy ra, ông cũng luôn là một người cha mà các con mong đợi để được trở về.
Sự ra đi của ông, đối với chị Thủy và các chị em trong gia đình, là một nỗi đau nhưng chị cũng cho rằng, ông đã làm được những điều ông muốn làm và sống một cuộc đời đáng sống. Điều chị hạnh phúc nhất là khán giả trước sau vẫn dành cho ông tình yêu bền bỉ, đó là hạnh phúc mà chắc chắn gia đình chị đầy sự biết ơn và hãnh diện về người cha yêu thương của mình.