NSND Trung Hiếu - Nét duyên trời cho
Gần đây thật bất ngờ, sau 7 năm vắng bóng trên màn ảnh nhỏ sau bộ phim 'Mưa bóng mây', NSND Trung Hiếu (sinh năm 1973) tái xuất trở lại với bộ phim 'Ngày mai bình yên' (2022). Vẫn nét duyên khác đời mà anh đã ghi dấu ấn bấy lâu nay.
Vai diễn của anh mang không khí thời đại qua bộ phim có nội dung về công cuộc chống dịch COVID-19 ở nước ta. Nhưng có lẽ đây là một trong những vai diễn ít trọng lượng mà Trung Hiếu đã thể hiện trong hàng chục năm qua. Quả thực con đường nghệ thuật không phải lúc nào cũng được trải hoa hồng cho mọi người.
Hiện nay NSND Trung Hiếu còn là Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội nên cũng khá bận rộn. Anh ít có thời gian tham gia những phim dài tập như trước đây. Ngoảnh lại mới hay, hành trình hoạt động sân khấu và phim ảnh mà nghệ sĩ Trung Hiếu trải qua cũng thăng trầm và đầy nhẫn nại.
Tôi có nhiều dịp đi xem nghệ sĩ Trung Hiếu biểu diễn trên sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội. Với tôi, những vở đầu tiên hồi Trung Hiếu mới về nhà hát (1994) không có ấn tượng gì đặc biệt, ngoài sự lôi cuốn về ngoại hình và đài từ giọng mũi trong trẻo. Những vai của anh đậm màu trung tính tuy luôn thể hiện sự chân chất đáng yêu. Khi đó phong thái dưới ánh đèn sân khấu của Trung Hiếu chưa có nét riêng nên hình tượng nhân vật nhẹ bỗng. Tuy nhiên ai cũng nhìn thấy ở người nghệ sĩ trẻ này còn ẩn giấu tài năng chưa được bộc lộ.
Quả vậy, nếu không có câu chuyện bất ngờ đến với Trung Hiếu. Đó là khi đạo diễn Xuân Huyền trao cho anh vai nhà văn trong vở “Cát bụi”. Đây là một nhân vật đầy tính cách dường như để dành cho một Trung Hiếu khác hẳn. Cho dù vẫn hình hài ấy, giọng nói ấy nhưng anh thể hiện được hồn cốt của một kẻ lưu manh xu thời. Đó là một nhân vật luôn chộp giật cơ hội để trục lợi. Nhà văn là một nhân vật phức tạp mà Trung Hiếu diễn ngọt đến nỗi ngày ấy cách đây đã gần 20 năm mà tôi còn nhớ mãi.
Cái duyên thật sự của sấn khấu cho Trung Hiếu bắt đầu từ đây. Vai diễn này đã đem lại Huy chương Vàng cho Trung Hiếu trong Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2004. Đó cũng là thời điểm kết thúc 10 năm từ ngày về Nhà hát Kịch Hà Nội và bị hóa thạch với những vai tốt bụng hiền lành.
Cũng từ đó, có một Trung Hiếu tài năng thăng hoa, linh hoạt và thông minh với những vai diễn màu sắc khác nhau. Có thể kể đến cặp nhân vật: Hai anh em sinh đôi, trong vở kịch “Đứa con bị đánh cắp” do NSND Doãn Hoàng Giang đạo diễn. Trung Hiếu đã đóng hai vai “Anh” và “Em” cùng lúc với tính cách trái ngược. Một vai chính diện diễn song song thể hiện một nhân vật phản diện. Phải nói sự chuyện động về ngoại hình và âm sắc hai nhân vật của Trung Hiếu thật kỳ lạ. Đặc biệt vở kịch khi đưa vào Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn đã tạo nên một ấn tượng bất ngờ. Hai nhân vật của Trung Hiếu xuất hiện luôn thu hút người xem. Anh là một tài năng đại diện cho một nền sân khấu kịch miền Bắc. Những khán giả thành phố Hồ Chí Minh đã đánh giá anh như vậy.
Sau khi được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2005, nghệ sĩ Trung Hiếu còn tỏa sáng ở nhiều vai khác nhau. Vai diễn sâu đậm nhất mà anh đã thể hiện là hình tượng Thái úy Lý Thường Kiệt, vở “Tình sử ngàn năm”. Vở kịch được dàn dựng chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Phải nói đây là vai khó thể hiện tính cách của một vị tướng thống lĩnh trận mạc. Vai diễn đòi hỏi sự lao động cật lực của một nghệ sĩ trẻ như Trung Hiếu. Nhưng anh đã thành công ngoài sự mong đợi của đồng nghiệp.
Họ kể, những ngày tháng tập luyện tơi tả thân xác, Trung Hiếu còn bị đòn giáng thật sự của những bạn diễn trong cảnh đấu võ. Nhiều đêm về mặt anh còn bị thâm tím trầy xước. Đây là công trình nghệ thuật của Nhà hát Kịch Hà Nội đã đem lại kết quả đặc sắc nhất trong ngày đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Sự đóng góp của nghệ sĩ Trung Hiếu thật đáng kể.
Riêng về điện ảnh, các phim mà Trung Hiếu tham gia có lẽ khó mà thống kê nổi. Anh được mời đóng phim từ năm thứ hai khi còn học ở Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh (1992). Trung Hiếu xuất hiện với hàng chục vai nhưng ở giai đoạn đầu, người xem rất khó nhớ đến một vai nào thật sự có ấn tượng của anh. Giống hệt giai đoạn đầu của anh trên sân khấu. Khi anh chưa tìm được những kịch bản để có nhiều đất diễn và thăng hoa.
Nhiều phim anh tham gia đóng đều ít người xem. Dạng phim như “Hoa ban đỏ”, “Hoa của mặt trời”, “Giải hạn” hay “Một giờ làm quan”, hoặc “Thiếu phụ chưa chồng”, “Đồng quê xào xạc”… chỉ được coi là sản phẩm đóng gói bảo tàng. Kể cả phim “13 bến nước” mà anh thủ vai chính trong phim và đã đoạt giải “Nam diễn viên xuất sắc” trong Liên hoan phim 16 (11/2009). Lại thêm một lần nữa, anh đóng đinh vào nghệ thuật diễn xuất một màu quen thuộc chân tình, sâu lắng xót xa, nhưng vẫn bàng bạc dạng phim “Mậu dịch” xưa cũ.
Thực ra tiềm năng diễn xuất của Trung Hiếu còn dư dả lắm, anh quá tài năng nhưng vẫn phải trông vào vận may khi có được một kịch bản hay. Anh là một gương mặt điện ảnh đích danh vì anh diễn xuất chân thực dung dị sâu lắng, thể hiện nội tâm xuất sắc. Đặc biệt khi vào phim Trung Hiếu luôn thoát khỏi chất cách điệu của sân khấu mà nhiều nghệ sĩ đã mắc phải. Nhưng quả là vai độc đáo còn phải chờ nếu không có ông thần tài tìm tới.
May sao, đạo diễn Quốc Trọng giao cho anh những nhân vật khác đời. Đại để như tên trợ lý tinh ranh lọc lõi trong bộ phim nhựa “Trò đùa của thiên lôi” hay vai Khang trong phim “Đường đời”. Hoặc có thể kể tới vai Văn Tích của Trung Hiếu trong phim “Đại gia chân đất” (đạo diễn Trọng Tình) còn được khán giả nhớ tới.
Nhưng rồi bất ngờ cái tên Trung Hiếu trở thành hiện tượng “hot” khi người xem rất yêu mến vai người Gù của anh qua phim “Ngõ lỗ thủng” (2009). Đây là phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Trung Trung Đỉnh. Bộ phim truyền hình này luôn được người xem háo hức chờ đón hàng đêm. Những phân cảnh có sự xuất hiện của người Gù đều là những chi tiết đắt giá và hấp dẫn trong phim. Anh diễn ra cái hồn nhân vật đầy tâm trạng. Nhân vật người Gù ra sức bảo vệ hình ảnh của cô gái mà cho dù biết cô ta chan chứa nỗi muộn sầu và tội lỗi.
Trung Hiếu diễn tả sâu sắc nỗi lòng người Gù canh cánh chờ mong một điều gì đó không tưởng. Đó là nỗi niềm của một người tuy tàn tật cơ thể nhưng tâm hồn lại lành lặn hơn người và tràn ngập tình yêu thương, hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến. Sau thành công này anh thường xuyên xuất hiện trong loạt phim ngắn hài hước ở VTV3. Nhưng xem ra mọi sự đã trở nên nhàm chán. Có lẽ nhận ra điều ấy chăng mà anh đã dừng cuộc chơi từ năm 2014 chăng!?
Thôi thì cũng đúng, bởi Trung Hiếu có nhiều sân chơi lắm. Kể cả chuyện lồng tiếng anh cũng say sưa diễn xuất như trên sân khấu vậy. Một thuở gần như không phim nào không có giọng thoại của anh. Nói thế hơi quá nhưng giọng thoại của anh chiếm tới hai phần ba số phim trước đây. Ai cũng nhận ra cái âm nhừa nhựa và đầy tiết điệu qua mỗi vai anh lồng tiếng. Đôi khi Trung Hiếu còn lấn cả sang lĩnh vực thư pháp. Anh chơi chữ và viết tặng cho mọi người chứ không bán chữ (tại Văn Miếu mỗi khi xuân về). Thư họa của anh bay bổng, thanh thoát như phong cách nghệ thuật sân khấu của anh vậy.
Say mê nhiều lĩnh vực nhưng anh vẫn dồn tâm sức cho sân khấu. NSND Trung Hiếu đã thành công với hàng chục Huy chương Vàng và Huy chương Bạc qua nhiều vai diễn cùng những giải thưởng về điện ảnh và truyền hình. Trung Hiếu được nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (2015). Sân khấu là thánh đường nghệ thuật và cõi đam mê của anh ngay từ những ngày ngơ ngác đứng trên sàn diễn.
Nghệ sĩ Trung Hiếu đã trở lại Trường Sân khấu và Điện ảnh để học lớp đạo diễn (2008-2012). Luận án tốt nghiệp của anh: Vở kịch “Người đàn bà không tên” (Doãn Hoàng Giang chuyển thể từ một tiểu thuyết của Mỹ). Ngôn ngữ đạo diễn của anh thể hiện đúng với nét duyên trời cho khi dàn dựng trên sân khấu. Vở diễn của anh lôi cuốn với một tiết tấu đam mê. Sau này, ai cũng nhớ tới kịch mục “Làng song sinh” do Trung Hiếu dàn dựng đã đoạt Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu toàn quốc 2021. Đồng thời anh cũng nhận giải “Đạo diễn xuất sắc”.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nsnd-trung-hieu-net-duyen-troi-cho-i716234/