NSƯT Đới Quân: 'Tôi có tuổi rồi mà trộm vía vẫn đắt sô'

'Tôi đóng chính kịch mà khán giả xem cứ cười thôi. Mặt bằng chung diễn viên hiện nay rất đông, còn tôi thuộc dạng có tuổi rồi mà trộm vía vẫn đắt sô, vẫn được các đạo diễn vẫn tin tưởng, gửi gắm thì tôi vẫn cống hiến chứ không phải vì catse', NSƯT Đới Quân chia sẻ.

- Liên tục xuất hiện trong những phim Tết nhiều năm gần đây, anh có lo ngại khán giả chán mình không?

Còn được đóng phim, đặc biệt là phim Tết đã là niềm hạnh phúc vì là một diễn viên rồi. Hơn nữa, tôi là người luôn ưu tiên lựa chọn kịch bản phim Tết rất kỹ chứ không phải phim nào cũng nhận. Tôi cân nhắc phim có giá trị nhân văn, ý nghĩa thông điệp vừa đảm bảo chất lượng nghệ thuật mà diễn viên cũng đem lại giá trị của bản thân.

Chính vì thế cũng không đến nỗi “nhẵn mặt" phim Tết để khán giả chán đâu. Một Tết có 2-3 phim làm gì mà nhiều. Như năm nay, tôi nhận lời tham gia phim “Tết ta là Tết mẹ" của đạo diễn Đức Thịnh hợp tác cùng ca sĩ Hùng Min; ngoài ra còn 2 phim khác nữa.

- Hình như đây là năm đầu đạo diễn Đức Thịnh làm phim Tết và cũng là lần đầu anh hợp tác với nam đạo diễn này?

Lần đầu tôi và Đức Thịnh hợp tác là khi cùng đóng bộ phim nổi tiếng “Đội đặc nhiệm nhà C21”, sau này hai anh em cũng có tham gia một vài dự án nhỏ khác. Nhưng “Tết ta là Tết mẹ" là lần đầu hợp tác với Thịnh vai trò đạo diễn.

Thực sự tôi rất ấn tượng bởi sự chu đáo của khi Thịnh từ khi mời tham gia vai diễn rồi gửi kịch bản ý tưởng đến kịch bản dự thảo cuối cùng mới là kịch bản chính thức. Tôi làm việc với nhiều đạo diễn hơn 20 năm rồi nhưng từ 10 năm nay các đạo diễn quên mất kịch bản phân cảnh. Lần đầu hợp tác và ngưỡng mộ bạn ấy khi gửi diễn viên kịch bản phân cảnh. Tôi rất trân trọng những người làm nghề có tâm như thế. Những người chuyên nghiệp thì từ ý tưởng, tư duy đến phong cách làm việc đều rất chuyên nghiệp, càng thế thì hiệu quả, chất lượng nghệ thuật càng nâng cao.

- Nhân nói về chất lượng nghệ thuật, có thể nói phim Tết đã có những giai đoạn thăng trầm: có thời cực thịnh, cũng có thời điểm bị phản ứng vì phản cảm. Là một diễn viên nhiều năm gắn bó với dạng phim này, anh nghĩ sao về điều này?

Chúng ta phải nhận định, phân biệt rõ giữa phim hài Tết và phim Tết.

Khi internet chưa bùng nổ còn in băng đĩa thì nhà nhà người người đều ngóng chờ hài Tết và thực sự khi có nhiều phim chất lượng như của đạo diễn Đông Hồng. Cho đến sau này, theo thời thế cũng như tính cạnh tranh mà xuất hiện những phim dung tục, vô duyên khán giả "ném đá". Nhưng đó là phim hài Tết.

NS Đới Quân trong phim "Tết ta là Tết mẹ" do Đức Thịnh đạo diễn

NS Đới Quân trong phim "Tết ta là Tết mẹ" do Đức Thịnh đạo diễn

"Tết ta là Tết mẹ" gửi đi thông điệp về Tết đoàn viên, dù cho có bận bịu, thành công hay thất bại, buồn đau, khó khăn hay trắc trở với cuộc đời thì gia đình và cha mẹ vẫn là nơi để về, phải về với mỗi chúng ta.

"Tết ta là Tết mẹ" gửi đi thông điệp về Tết đoàn viên, dù cho có bận bịu, thành công hay thất bại, buồn đau, khó khăn hay trắc trở với cuộc đời thì gia đình và cha mẹ vẫn là nơi để về, phải về với mỗi chúng ta.

Còn đến gần đây, các đạo diễn chỉn chu từ kịch bản, thông điệp gửi đến khán giả dịp Tết cũng rõ ràng. Đúng chuẩn món ăn tinh thần của mọi người mọi nhà dịp Tết cổ truyền. Lâu lâu rồi tôi không tham gia hài tết nữa mà chỉ đóng phim Tết.

- Hài Tết mang tính thương mại nhiều hơn còn phim Tết mang tính nhân văn nên chắc hẳn catse sẽ khác nhau?

Tôi không quan tâm lắm đến catse khi tham gia những phim này vì điều đầu tiên với tôi là được cống hiến nghệ thuật, được gửi đến khán giả những tác phẩm hay có ý nghĩa là hạnh phúc.

Còn catse thì nói thật là nguồn kinh phí từ nhà đầu tư, nhà sản xuất từ xưa đến nay vẫn là hạn hẹp. Gần đây nhiều nhà đầu tư mạnh dạn hơn để làm bộ phim Tết ý nghĩa, họ đã quyết tâm như thế thì các diễn viên như chúng tôi cũng phải tạo điều kiện chứ không đặt nặng catse để rời xa nhau, khán giả không được món ăn tinh thần ngày tết.

- Nghiêm túc mà nói thì xuất thân từ chính kịch nhưng gần như NS Đới Quân "đóng đinh" với khán giả với vai hài, không tránh khỏi nhiều người từng nghĩ catse hài cao lắm?

Tôi đóng chính kịch mà khán giả xem cứ cười thôi nên thành ra diễn hài cũng rất hợp. Còn mặt bằng chung là diễn viên hiện nay rất đông, còn tôi thuộc dạng có tuổi rồi mà trộm vía vẫn đắt sô, vẫn được các đạo diễn vẫn tin tưởng lựa chọn. Với cá nhân tôi, khi vẫn được gửi gắm thì tôi vẫn cống hiến hết mình chứ không phải vì catse.

Hơn nữa, ngày Tết cổ truyền người người nhà nhà đều có trách nhiệm lưu giữ, không mai một. Là nghệ sĩ thì qua những tác phẩm của mình là một cách lưu giữ truyền thống.

- Vậy những năm qua, tác phẩm nào anh từng tham gia và nhận thấy có giá trị lưu giữ văn hóa nhất?

Các đạo diễn phim Tết, hài Tết thường theo đuổi dạng phim dân gian hoặc hiện đại. Lần đầu làm với Đức Thịnh, bạn ấy còn trẻ mà lồng ghép dân gian và hiện đại rất khéo léo trong "Tết ta là Tết mẹ". Điển hình như đưa trò chơi dân gian gợi nhớ ký ức, kỷ niệm của các thế hệ: cảnh gia đình sum họp, anh chị em cùng ôn lại: bắn bi, đập niêu, bịt mắt bắt dê,... đấy là kết hợp sáng tạo, cái mới mà rất nhiều năm tôi chưa gặp. Tôi rất ấn tượng bởi điều này.

Nghệ sĩ Đới Quân thích thú với phim "Tết ta là Tết mẹ" khi tái hiện nhiều trò chơi dân gian như: bắn bi, đập niêu, bịt mắt bắt dê,... gợi nhớ ký ức, kỷ niệm của các thế hệ.

Nghệ sĩ Đới Quân thích thú với phim "Tết ta là Tết mẹ" khi tái hiện nhiều trò chơi dân gian như: bắn bi, đập niêu, bịt mắt bắt dê,... gợi nhớ ký ức, kỷ niệm của các thế hệ.

- Tạm rời màn ảnh, tò mò một chút về đời tư, có bà xã là người trong nghề - diễn viên Huyền Sâm, chắc là lợi thế lớn để anh cống hiến nghệ thuật?

Chúng tôi thường xuyên trao đổi để mình làm tốt hơn cho vai diễn sau hoặc bản thân vai diễn đó nếu còn cơ hội chỉnh sửa, nhất là trên sân khấu. Tôi với Sâm làm chung với nhau trên sân khấu nhiều nhưng với phim ảnh thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan nên sẽ chia sẻ, lắng nghe để có phương án tốt nhất và khắc phục yếu điểm của vai diễn để dần dần có cơ hội sửa chữa khuyết điểm, hạn chế nó để có vai diễn tốt hơn.

Đôi khi đi quay phim, tôi cũng tâm sự với vợ hôm nay quay cảnh gì, có những tình cảm của tôi với bạn diễn thì khi xem trên mạng cô ấy cũng không phản ứng gì. Là đồng nghiệp nên cô ấy hiểu và chia sẻ với công việc của tôi. Và hơn nữa cô ấy thừa hiểu chồng mình là người như thế nào. Sâm hoàn toàn tin tưởng và tạo điều kiện để tôi có tâm lý thoải mái nhất khi đi làm nghệ thuật.

- Đó là ở phía diễn viên Huyền Sâm - một người quá tâm lý và hiểu chồng, còn gần đây vợ đóng phim nhiều phim truyền hình: Hướng dương ngược nắng, 11 tháng 5 ngày, Lối nhỏ vào đời.... khi xem những cảnh diễn tình cảm của vợ, anh cảm thấy thế nào?

Đây hoàn toàn là bản năng của mỗi con người, tôi cũng vậy. Nhưng hiểu và chia sẻ, thông cảm giữa những người làm nghệ thuật với nhau đó mới là điều khó nhất. Do vậy đầu tiên là phải có lòng tin, thứ hai là phải có tình yêu và cuối cùng là chia sẻ. Nếu không trong nghề sẽ dễ đặt câu hỏi và có những biểu hiện khác lạ nhưng tôi vốn là người làm nghề lâu năm rồi nên thấy đây là việc hoàn toàn bình thường.

Nói thật là có những cảnh tình tứ khi xem về còn nói với nhau thấy diễn thế chưa đúng và vẫn cảm giác gượng gạo. Đó là chia sẻ về nghề còn trong cuộc sống tình yêu của người vợ, người chồng dành cho mình là quan trọng nhất.

- Anh và vợ có đề ra nguyên tắc riêng cho hai vợ chồng khi làm nghề, ví dụ vai có cảnh nhạy cảm hay quá đà một chút sẽ không nhận chẳng hạn?

Điều này chúng tôi cũng chưa bàn tới nhưng trong lúc nói chuyện bình thường cũng đã đề cập đến vấn đề đó. Ví dụ nếu gặp những cảnh nóng muốn làm hiệu quả thì phải có ý kiến và trao đổi, thống nhất xem thế nào cho hiệu quả thì làm. Và nếu cảm thấy cần phải hy sinh cho vai diễn thì cũng không sao. Đó là đam mê của mỗi người và cống hiến về nghệ thuật. Chúng tôi rất sòng phẳng và thoải mái, quan trọng là tôn trọng ý thích và đam mê của nhau.

Cảm ơn chia sẻ của NSƯT Đới Quân!

Vợ NSƯT Đới Anh Quân là diễn viên Huyền Sâm. Cô đã tham gia các phim Hướng dương ngược nắng, 11 tháng 5 ngày, Sinh tử, Lối nhỏ vào đời....

Vợ NSƯT Đới Anh Quân là diễn viên Huyền Sâm. Cô đã tham gia các phim Hướng dương ngược nắng, 11 tháng 5 ngày, Sinh tử, Lối nhỏ vào đời....

An Khánh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/nsut-doi-quan-toi-co-tuoi-roi-ma-trom-via-van-dat-so-172230114112856288.htm